Châu Âu gặp khó trước hai thách thức lớn

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội nghị thượng đỉnh EU tới đây, lục địa già cần phải đảm bảo cân bằng trong việc giải quyết xung đột tại Trung Đông và Ukraine.

Trước thềm thượng đỉnh vào ngày 26/10, các nhà lãnh đạo EU khẳng định rằng họ có thể cùng lúc giải quyết xung đột Nga-Ukraine và Hamas-Israel, đồng thời quan tâm đến cả mâu thuẫn Kosovo-Serbia cũng như Armenia-Azerbaijan.

Tâm điểm của cuộc họp lần này là cuộc chiến tại Trung Đông, khi các quốc gia đang dồn trọng tâm vào việc giải quyết xung đột Hamas-Israel khiến hàng nghìn người thiệt mạng và một khu vực rộng lớn tại Dải Gaza bị phá hủy.

Tâm điểm của thượng đỉnh EU sẽ dồn vào hai xung đột lớn nhất hiện tại. Nguồn: Politico
Tâm điểm của thượng đỉnh EU sẽ dồn vào hai xung đột lớn nhất hiện tại. Nguồn: Politico

Ngày 25/10, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho biết: “Xung đột Hamas-Israel đang khiến mọi người dần lãng quên vấn đề tại Ukraine”.

Tuy vậy, bất chấp tham vọng của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhằm biến Liên minh châu Âu thành một khối có sức ảnh hưởng về địa chính trị, EU vẫn đang phải loay hoay trước những bài toán khó có lời giải đối với hai cuộc xung đột được xem là lớn nhất hiện nay.

Tưởng chừng việc kêu gọi một lệnh ngừng bắn tại Gaza nhằm tạo điều kiện cho các nguồn viện trợ là vấn đề mà châu Âu dễ dàng đạt được, các thành viên EU lại chia làm hai quan điểm khác nhau, gồm: một là ủng hộ lệnh ngừng bắn do Thủ tướng Tây Ban Nha dẫn đầu, hai là một bên gồm Đức và một số quốc gia khác vẫn chưa lên tiếng kêu gọi chấm dứt xung đột, do lo ngại sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của Israel trong việc chống lại lực lượng Hamas.

Khác với việc cùng nhất trí phản đối Nga tấn công Ukraine khi điều này ảnh hưởng đến toàn bộ an ninh lục địa già, EU lại chưa cho thấy được sự thống nhất như trước đây đối với vấn đề tại Trung Đông do những quan ngại liên quan đến chia rẽ nội bộ hay vai trò của Hamas. Điều này sẽ cản trở lớn đến những tham vọng ngoại giao của EU ở cả Trung Đông lẫn những vấn đề xung quanh Ukraine, dẫn đến làm suy yếu những thỏa thuận giữa khối này và Kiev, chẳng hạn như các khoản viện trợ kinh tế và quân sự.

Một quan chức EU cho biết: “Xung đột tại Trung Đông sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ châu Âu, đồng thời buộc các lãnh đạo tại khu vực này phải có những chính sách phù hợp nếu như không muốn mọi thứ ngày càng tồi tệ”.

Bên cạnh đó, những xung đột tại Pháp và Bỉ đang đẩy tình hình an ninh của lục đại già đến bờ vực.  

Tuy vậy, các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn cần phải quan tâm hơn nữa đến tình hình tại Ukraine. Kiev đang không ngừng kêu gọi các khoản viện trợ vũ khí cũng như mong muốn phương Tây tăng cường đầu tư hơn nữa vào thiết bị quân sự như đạn dược, máy bay, …

Những đồng minh trung thành nhất của Ukraine tại EU, Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic đang cảnh báo các quốc gia Tây Âu rằng họ đang bỏ quên một trong những cuộc xung đột quan trọng nhất tại Ukraine.

Vào hôm 23/10, Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis trả lời trước báo giới rằng xung đột Hamas-Israel đang khiến cuộc chiến tại Ukraine bị lu mờ.

“Khi nói đến các ưu tiên, xung đột Ukraine vẫn luôn được đặt lên hàng đầu do ảnh hưởng trực tiếp của nó đối với chúng ta… Tôi cho rằng nó cần được quan tâm hơn cả so với các cuộc xung đột khác trong thế kỷ 21” – Ông cho biết.

Luigi Scazzieri từ Trung tâm Cải cách châu Âu cho biết: “EU cần phải phân chia nguồn lực cho cả xung đột Ukraine và Gaza. Tất nhiên, điều này sẽ khiến các nước khó có thể dồn trọng tâm cho việc cung cấp các nguồn viện trợ kinh tế và quân sự cho Kiev”.

Một số nhà ngoại giao khác của EU cũng cảnh báo rằng Brussels không nên chuyển hướng chú ý khỏi thảm họa đang gần kề sân nhà, vốn có thể ảnh hưởng đến toàn bộ an ninh của khu vực.

Cuộc họp thương đỉnh lần này cũng sẽ dấy lên một cuộc tranh luận mới về cách các nước tài trợ cho ngành công nghiệp quốc phòng của khối, bao gồm cả việc tạo lập và phát triển quỹ Cơ sở Hòa bình Châu Âu – một quỹ có giá trị 20 tỷ euro ngoài ngân sách vẫn chưa được phê duyệt.