Châu Âu nổi giận khi Ba Lan quay ra "tranh cãi" với Ukraine

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự ủng hộ của châu Âu dành cho Ukraine đã phải đối mặt với một trở ngại bất ngờ trong tuần này khi Ba Lan úp mở về khả năng ngừng gửi vũ khí cho nước láng giềng.

 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Thành phố New York vào ngày 20/9/2023. Ảnh: AFP
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Thành phố New York vào ngày 20/9/2023. Ảnh: AFP

Động thái này được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chỉ trích Warsaw tiếp tục cấm nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine. 

Vậy làm thế nào mà tranh chấp về nhập khẩu ngũ cốc lại leo thang thành khủng hoảng ngoại giao?

Liên minh châu Âu đã ban hành lệnh cấm tạm thời nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine vào tháng 5, nhằm tránh tình trạng ngũ cốc giá rẻ gây thiệt hại cho nông dân Ba Lan. Hungary và Slovakia có động thái tương tự. EU đã đình chỉ lệnh cấm vào tuần trước, khiến các quốc gia này tức giận, dấy lên sự phản đối từ Ba Lan. 

Mặt khác, cuộc bầu cử quốc gia Ba Lan sẽ diễn ra vào ngày 15/10, trong đó đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền dự kiến sẽ chịu tổn thất. Tại Lục địa già, nông nghiệp cực kỳ quan trọng. Nông dân là những tác nhân chính trị có động lực và người dân có xu hướng quan tâm đến an ninh lương thực. Do đó, PiS sẽ cần phiếu bầu ở nông thôn để duy trì quyền lực.

Việc chính phủ Ba Lan đưa ra một động thái theo dân tộc chủ nghĩa gây chú ý là điều hợp lý. Tuy nhiên, cuộc xung đột tương đối nhỏ này đã vượt khỏi tầm kiểm soát khi Tổng thống Ukraine bày tỏ thái độ với việc cấm nhập khẩu ngũ cốc từ Ba Lan tại Đại hội đồng Liên hợp quốc tuần qua. 

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki sau đó phản hồi trên mạng xã hội rằng sẽ ngừng chuyển vũ khí cho Ukraine, lấy lý do Ba Lan đang cần tự trang bị. 

Ba Lan sau đó đã rút lại lời trên, cam kết vẫn sẽ gửi vũ khí theo giao ước. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết những lời nói của thủ tướng "được hiểu theo cách tồi tệ nhất có thể".

Tuy nhiên, điểm đầu tiên và quan trọng nhất là không có quan chức châu Âu nào thực sự tin rằng sắp có sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách khi hỗ trợ Ukraine - đặc biệt là từ Ba Lan. 

“Họ sẵn sàng quay lại tấn công Brussels và EU miễn là phù hợp với chương trình nghị sự của họ (Ba Lan). Đó là một nỗ lực tuyệt vọng để lấy lòng các cử tri,” CNN dẫn lời một quan chức cấp cao EU giấu tên. 

Bài học rút ra nghiêm trọng nhất từ tất cả những điều này là ý nghĩa của nó đối với Ukraine về lâu dài. Phương Tây hiện đang nỗ lực rất nhiều để đưa Ukraine vào các thể chế của mình. Kiev hiện đang cố gắng gia nhập cả EU và NATO để có thể giành được những hỗ trợ và đồng tình. 

Tuy nhiên, sự hỗ trợ đó đã đi kèm với những điều kiện và cảnh báo. Hầu hết các quốc gia thành viên EU đều chấp nhận rằng để phù hợp với Ukraine, cần phải có những cải cách đáng kể về cách thức hoạt động của EU.

Nếu Ukraine tham gia trong tình trạng ổn định, phần lớn nguồn tài trợ hiện đang được chuyển đến các quốc gia thành viên dưới hình thức trợ cấp - bao gồm cả trợ cấp cho nông nghiệp - sẽ được chuyển đến Ukraine. Điều đó không thể thuyết phục được Ba Lan. 

Bên cạnh đó, khi nói đến NATO, có những thành viên trong liên minh không thích ý tưởng một quốc gia đang có chiến tranh theo đúng nghĩa đen được tiếp cận cơ chế điều 5 - cơ chế “tất cả vì một và một vì tất cả” thúc đẩy các đồng minh ủng hộ một quốc gia. khác.

Đối với một liên minh quân sự, nhiều quốc gia NATO đặc biệt không thích chi tiền cho quốc phòng, chưa nói đến hỗ trợ các bên khác. 

Lý do cuối cùng khiến các quan chức khắp châu Âu nổi giận về sự kiện này do lợi ích có thể mang lại cho Điện Kremlin. 

Người phát ngôn của Điện Kremlin, Dmitry Peskov, khi được hỏi về cuộc tranh cãi, đã sử dụng nó để nói rằng “có những căng thẳng nhất định giữa Warsaw và Kiev. Chúng tôi dự đoán rằng những căng thẳng này sẽ gia tăng.”

Những tranh cãi công khai giữa phương Tây khiến công chúng dễ nghiêng về kịch bản chia rẽ, và một phương Tây bị chia rẽ có khả năng đem lại lợi ích cho Điện Kremlin.