Chi hơn 5.000 tỷ đồng hỗ trợ phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khoảng 1 năm bùng phát, đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã và đang được kiểm soát tốt tại hầu hết các tỉnh, TP.

Báo cáo của Bộ NN&PTNT công bố ngày 13/2 cho biết, lũy kế từ đầu tháng 2/2019 đến nay, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 8.548 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, TP với tổng số lợn tiêu hủy khoảng 6 triệu con; với tổng trọng lượng là 342.091 tấn (chiếm khoảng 9,0% tổng trọng lượng lợn của cả nước).
Phun thuốc tiêu độc, khử trùng phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi 
Trong đó, tháng 12/2019 đã buộc phải tiêu hủy 38.172 con, giảm 97% so với tháng 5/2019 (tháng cao điểm, buộc phải tiêu hủy hơn 1,27 triệu con lợn); tháng 1/2020 buộc phải tiêu hủy 12.037 con (giảm 99% so với tháng 5/2019); tháng 2/2020 (đến ngày 11/2/2020), buộc phải tiêu hủy 6.209 con.
Hiện, cả nước có 8.200 xã (chiếm 96 % tổng số xã có dịch) đã qua 30 ngày. Trong đó, 30 tỉnh, TP có 100% số xã đã qua 30 ngày; 29 tỉnh, TP có trên 85% số xã đã qua 30 ngày. Dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát tốt.
Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, để hỗ trợ các tỉnh, TP trong công tác phòng chống bệnh DTLCP, liên Bộ: Tài chính - NN&PTNT đã báo cáo, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ hơn 5.035 tỷ đồng cho 54 tỉnh, TP để hỗ trợ cho người chăn nuôi và chống dịch.
Hiện, các địa phương gồm: Sơn La, Lai Châu, Hà Nội, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương đang hoàn thiện hồ sơ, báo cáo để được hỗ trợ theo quy định. Bên cạnh đó, T.Ư đã xuất cấp gần 1 triệu lít hóa chất cho 57 tỉnh, TP để chống dịch.
Cùng với khẩn trương khống chế bệnh DTLCP, Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo các tỉnh, TP, các doanh nghiệp chăn nuôi tập trung tái đàn. Theo đánh giá, thời gian phục hồi đàn lợn cần khoảng 5 - 7 tháng. Do đó, từ tháng 1/2020 đã có sản phẩm của lợn nuôi tái đàn. Dự báo sẽ tăng cao từ tháng 2/2019 và nguồn cung thịt lợn cho năm 2020 đạt khoảng 4 triệu tấn (trong điều kiện kiểm soát tốt được dịch bệnh, nhất là bệnh DTLCP).