Chỉ số Cải cách hành chính năm 2021: Bộ Tư pháp và Hải phòng dẫn đầu

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sáng nay, 25/5, tại trụ sở Bộ Nội vụ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức Hội nghị Công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 và Chỉ số CCHC (PAR INDEX) năm 2021 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư.

Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, T.Ư Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, các bộ, ngành và UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư.

Trong phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Năm 2021 là năm thứ mười liên tiếp, Bộ Nội vụ phối hợp các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan triển khai xác định, công bố Chỉ số CCHC của các bộ, các tỉnh, TP cả nước; năm thứ năm triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục của cơ quan hành chính tại tất cả 63 tỉnh, TP trên cả nước.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu (ảnh: Đỗ Trung)
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu (ảnh: Đỗ Trung)

Đáng chú ý, theo Chỉ số CCHC năm 2021 được công bố, đối tượng xác định Chỉ số CCHC năm 2021 gồm: Ở T.Ư có 19 bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ), trong đó, 2 cơ quan đặc thù là Ủy ban Dân tộc và Thanh tra Chính phủ có thực hiện đánh giá nhưng không xếp hạng chung với 17 bộ, cơ quan ngang bộ còn lại; ở địa phương có 63 UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư. Phương pháp đánh giá Chỉ số này tương tự các năm trước, đó là kết hợp tự đánh giá của các bộ, các tỉnh với đánh giá thông qua điều tra xã hội học (XHH) và kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (dùng cho cấp tỉnh). Việc triển khai điều tra XHH năm 2021 được thực hiện với quy mô trên 79.600 phiếu, trong đó hơn 49.600 phiếu khảo sát nhóm đối tượng công chức, lãnh đạo, quản lý tại các bộ, địa phương, số lượng phiếu khảo sát cao hơn 2.25 lần so với năm 2020 (khoảng 22.000 phiếu) và gần 30.000 phiếu khảo sát người dân, DN; ngoài ra, còn khảo sát đại diện một số hội, hiệp hội đánh giá kết quả CCHC của các bộ chủ quản.

3 Bộ có kết quả chỉ số trên 90%

Cụ thể, kết quả Chỉ số CCHC trên 90% gồm 3 đơn vị là Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; kết quả Chỉ số CCHC từ trên 80% đến dưới 90% gồm 13 bộ Nội vụ, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, LĐTB&XH, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, NN&PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, VHTT&DL, Y tế, Giáo dục và Đào tạo; kết quả Chỉ số CCHC dưới 80% có 1 đơn vị là Bộ Khoa học và Công nghệ (78,72%). Giá trị trung bình Chỉ số CCHC của 17 bộ, cơ quan ngang bộ năm 2021 là 86,07%, giảm 1,49% so với năm 2020, nhưng xét trong 10 năm đánh giá thì kết quả Chỉ số CCHC tiếp tục duy trì xu hướng tăng, giá trị trung bình Chỉ số CCHC năm 2021 đã tăng cao hơn 10,69% so với 2012. Thống kê có 11/17 bộ, cơ quan đạt Chỉ số CCHC trên mức giá trị trung bình; 6/17 bộ, cơ quan có kết quả Chỉ số CCHC tăng cao hơn 2020, trong đó tăng cao nhất là Bộ Nội vụ (tăng 2,2%); giảm nhiều nhất là Bộ Khoa học và Công nghệ (giảm 6,43%).

Theo đánh giá, Bộ Tư pháp đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2021, với kết quả đạt 91,9%, trong khi Bộ Khoa học và Công nghệ có kết quả Chỉ số CCHC năm 2021 thấp nhất, với 78,72%.

Phân tích giá trị trung bình các chỉ số thành phần (CSTP) cho thấy, 3/7 chỉ số có giá trị trung bình tăng cao hơn so với năm 2020, tăng cao nhất là CSTP “Xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi QLNN của bộ”; 4/7 CSTP có giá trị trung bình giảm so với năm 2020, giảm thấp nhất là CSTP “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CCVC”. CSTP “Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC” đạt 96,31%, cao hơn so với năm 2020 là 1,17%; 6/17 bộ đạt 100% số điểm tại CSTP này. CSTP “Xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ” đạt 81,35%, tăng hơn năm trước. Theo Ban Chỉ đạo, năm qua, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính  phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách thể chế, các bộ, cơ quan đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc xây dựng văn bản QPPL; trong theo dõi thi hành pháp luật, rà soát văn bản QPPL, trả lời kiến nghị, đề xuất của cá nhân, tổ chức để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách thuộc phạm vi quản lý của bộ, đặc biệt là đánh giá tác động của cải cách đến thể chế, cơ chế, chính sách thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ...

Cùng đó, CSTP “Cải cách TTHC” có giá trị trung bình 85,96%, giảm 3,76% so với năm 2020; 10/17 bộ đạt tỷ lệ điểm đánh giá chưa cao về thực hiện công tác kiểm soát quy định TTHC; 6/17 bộ chưa đạt điểm tối đa về công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định TTHC. Đồng thời, tỷ lệ điểm đánh giá của tiêu chí “Tác động của cải cách đến chất lượng quy định TTHC” chỉ đạt 70,12%, giảm 6,07% so với năm trước. CSTP “Cải cách tổ chức bộ máy hành chính” giảm 1,4%; chỉ 9/17 bộ đạt tỷ lệ điểm tối đa tại tiêu chí “Thực hiện quy định của Chính phủ về tổ chức bộ máy”; tỷ lệ điểm đánh giá tác động của cải cách đến tổ chức bộ máy hành chính chỉ đạt 69,61%, thấp hơn năm trước. CSTP “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CC, VC” giảm 4,4%; 8/17 bộ không đạt tỷ lệ điểm số tối đa tại tiêu chí “Đánh giá phân loại CC, VC”; 2 bộ không đạt điểm tối đa tại tiêu chí “Thực hiện quy định về bổ nhiệm vị trí lãnh đạo tại các đơn vị thuộc bộ”. CSTP “Cải cách tài chính công” có giá trị trung bình giảm 3,02%; chỉ 1 bộ đạt tỷ lệ 100% số điểm tại tiêu chí “Tổ chức thực hiện công tác tài chính-ngân sách”; 9/17 bộ không đạt tỷ lệ 100% số điểm tại tiêu chí “Công tác quản lý, sử dụng tài sản công”…

Đặc biệt, CSTP “Hiện đại hóa hành chính” có giá trị trung bình tăng hơn so với năm 2020 với giá trị tăng 0,29%, cũng là CSTP có giá trị tăng đều qua các năm trong cả giai đoạn 2016-2021. Các bộ tiếp tục đạt tỷ lệ điểm số cao tại tiêu chí “Cung cấp DVCTT” với 13/17 bộ đạt tỷ lệ 100% số điểm của tiêu chí và “Thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích” với 16/17 bộ đạt tỷ lệ điểm số tối đa.

Bộ Tư pháp và TP Hải Phòng dẫn đầu trong Bảng xếp hạng Chỉ số Cải cách hành chính năm 2021
Bộ Tư pháp và TP Hải Phòng dẫn đầu trong Bảng xếp hạng Chỉ số Cải cách hành chính năm 2021

Hải Phòng lần đầu vươn lên vị trí quán quân

Cùng với kết quả Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, tại Hội nghị, kết quả Chỉ số CCHC năm 2021 của các tỉnh, TP được công bố cho thấy phân theo 3 nhóm: Nhóm A, đạt kết quả Chỉ số từ 90% trở lên, gồm 3 tỉnh, TP; nhóm B, đạt kết quả Chỉ số từ 80% - dưới 90%, gồm 59 tỉnh, TP; nhóm C, đạt kết quả Chỉ số từ 70% - dưới 80%, gồm 1 tỉnh, TP. Năm 2021, Chỉ số CCHC 2021 của các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư có giá trị trung bình cao nhất từ trước đến nay, đạt 86,37%, cao hơn 2.65% so với năm 2020 và có năm thứ 3 liên tiếp đạt giá trị trung bình trên 80%. Có 40/63 đơn vị đạt kết quả Chỉ số CCHC cao hơn mức giá trị trung bình; 62 địa phương đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 80%, nhiều hơn các năm 2020 và 2019 lần lượt là 4 và 18 đơn vị. Khoảng cách chênh lệch kết quả Chỉ số giữa đơn vị cao nhất và thấp nhất tiếp tục duy trì xu hướng giảm so với 5 năm gần đây. Theo thống kê, năm 2021, có 60 tỉnh, TP đạt kết quả Chỉ số CCHC tăng cao hơn so với năm 2020, trong đó tăng cao nhất là tỉnh Quảng Ngãi (tăng 13.20%), thấp nhất là Đồng Tháp (tăng0.03%). Ngoài ra, vẫn còn 3 địa phương có kết quả Chỉ số CCHC giảm nhẹ so với năm trước là Đồng Nai, Tiền Giang và Hà Nam.

Kết quả xếp hạng cụ thể, TP Hải Phòng lần đầu tiên bứt phá lên ngôi vị quán quân Chỉ số CCHC năm 2021, đạt 91.80%, cao hơn 0,66% so với đơn vị xếp vị trí thứ 2 là Quảng Ninh (91,14%). TP Đà Nẵng đã có sự trở lại ấn tượng trong top 5 địa phương dẫn đầu sau 2 năm vắng bóng ở nhóm này, năm 2021 đạt 90,25% xếp vị trí thứ 3/63. Trong khi, Vĩnh Phúc cũng có lần đầu tiên lọt nhóm 5 địa phương dẫn đầu, với kết quả năm 2021 đạt 89.28%, xếp thứ 5/63. Ngoài ra, Thừa Thiên Huế tiếp tục thành tích cao trên bảng xếp hạng, với kết quả 89,32%, xếp vị trí thứ 4/63 tỉnh, TP. Đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2021 là tỉnh Kiên Giang, đạt 79,97% và là địa phương duy nhất có kết quả dưới 80%. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp Kiên Giang nằm trong nhóm 5 địa phương có kết quả Chỉ số CCHC thấp nhất cả nước (năm 2020 xếp vị trí thứ 61/63).

So sánh giá trị trung bình Chỉ số CCHC giữa các vùng kinh tế, năm qua, tất cả 6 vùng đều có giá trị trung bình Chỉ số CCHC tăng cao hơn so với năm trước và đều đạt trên 80%. Khu vực Đồng bằng sông Hồng có giá trị trung bình Chỉ số CCHC cao nhất, đạt 87,58%. Tiếp theo lần lượt là khu vực Trung du - miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên. Đánh giá cũng chỉ ra, Đông Nam Bộ là khu vực có giá trị tăng trưởng thấp nhất trong 6 khu vực kinh tế, chỉ tăng 1,12% so với năm 2020. Khu vực Tây Nam Bộ có giá trị trung bình Chỉ số CCHC thấp nhất, đạt 84,96%, cũng là khu vực có nhiều địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ hai ở nước ta.

Năm 2021, TP Hà Nội đứng thứ 10 trong bảng xếp hạng Chỉ số CCHC, với kết quả 88,54%.

Đặc biệt, phân tích các CSTP cho thấy, giá trị trung bình của các chỉ số  tiếp tục thể hiện sự cải thiện tích cực trong năm 2021; 8/8 CSTP có giá trị trung bình tăng cao hơn so với năm trước; 7/8 CSTP tăng trưởng liên tiếp trong 4 năm gần nhất (2018-2021); số lượng CSTP đạt giá trị trung bình trên 80% tiếp tục tăng cao, với năm 2021 là 7/8 chỉ số.

Trong đó, CSTP “Cải cách TTHC” tiếp tục đạt giá trị trung bình cao nhất trong 8 chỉ số, với kết quả 95,15%. Tiếp theo lần lượt là các CSTP “Công tác chỉ đạo điều hành CCHC”, "Hiện đại hóa hành chính", “Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản QPPL của tỉnh”, "Cải cách tổ chức bộ máy hành chính", "Xây dựng và nâng cao chất lượng CBCCVC", “Cải cách tài chính công”, “Tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và các chỉ tiêu phát triển KT-XH của tỉnh”. Đây là năm thứ hai liên tiếp, CSTP “Tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và các chỉ tiêu phát triển KT-XH của tỉnh” đứng cuối bảng xếp hạng CSTP đánh giá.

Theo Ban Chỉ đạo, nhìn chung, kết quả Chỉ số CCHC năm 2021 của các tỉnh, TP tiếp tục có tăng trưởng tích cực, cho thấy quyết tâm đẩy mạnh CCHC của chính quyền các cấp ở địa phương đã mang lại hiệu quả rõ rệt, ngày càng được người dân, cộng đồng DN đánh giá cao. Tuy nhiên, những nguyên nhân khách quan từ dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả điểm, xếp hạng Chỉ số CCHC của một số địa phương, nhất là những tỉnh, TP hay khu vực kinh tế phải thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội trong thời gian dài, dẫn đến thực hiện một số nhiệm vụ CCHC và thực hiện các chỉ tiêu phát triển KT-XH bị gián đoạn. Do đó, kết quả điểm và xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2021 cũng cho thấy có sự phân hóa khá rõ giữa các chỉ số thành phần; giữa các tỉnh, TP và giữa các khu vực kinh tế.

Từ Kết quả Chỉ số CCHC năm 2021, Ban Chỉ đạo CCHC cua Chính phủ đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất cụ thể. Trong đó đáng chú ý, đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động, tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện CCHC tại cơ quan, đơn vị; bảo đảm hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ CCHC đã đề ra trong kế hoạch năm; thường xuyên theo dõi, đánh giá, quán triệt thực hiện nhiệm vụ CCHC để kịp thời phát hiện và chỉ đạo xử lý những hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai. Đồng thời, cần quan tâm bố trí đủ nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ CCHC; chủ động nghiên cứu, thí điểm hoặc nhân rộng các mô hình cải cách mới có hiệu quả; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng nâng cao tính đồng bộ, tính thống nhất và bảo đảm tính khả thi của các văn bản QPPL sau khi ban hành, đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và phát triển của ngành, lĩnh vực và địa phương…