Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Chi tăng, lo ngân sách mất cân đối nguồn lực

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2017 vừa được Bộ Tài chính và Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 21/9 tại Hà Nội, các đại biểu cho biết, xu hướng tăng chi thường xuyên sẽ tạo sức ép lên ngân sách.

Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận trong phát biểu khai mạc rằng, nhu cầu chi ngân sách đang không ngừng tăng, vượt qua khả năng cân đối nguồn lực, dẫn đến cân đối ngân sách Nhà nước khó khăn. Điều được ông chỉ ra là cơ cấu chi ngân sách chưa hợp lý, trong khi tỷ trọng chi thường xuyên tăng cao, chỉ đầu tư phát triển giảm.
Cùng quan điểm, Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) Nguyễn Thành Long đưa ra con số thống kê, chi ngân sách năm 2016 đã tăng tới 10 lần so với năm 2001 về giá trị tuyệt đối. Điều đáng bận tâm hơn theo ông là trong khi tỷ lệ chi đầu tư phát triển giảm từ hơn 31% năm 2011 xuống 13,2% năm 2016 thì chi thường xuyên lại có xu hướng ngược lại (từ 55,16% tổng chi năm 2001 lên 65,75% tổng chi năm 2016).

Đây cũng là vấn đề được Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính Trương Bá Tuấn nhắc tới như là một trong những rủi ro của ngân sách hiện tại. Xu hướng tăng chi thường xuyên theo ông sẽ tạo sức ép lên ngân sách thời gian tới khi Nhà nước tiếp tục phải cải cách tiền lương, đẩy mạnh an sinh xã hội, tăng chi cho cơ sở hạ tầng.

Ở khía cạnh khác, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đồng tình việc tăng tỷ lệ chi thường xuyên cho một số lĩnh vực nhưng ông lo lắng, sản phẩm cuối cùng chưa được tương xứng. “Chi thường xuyên của ta hiện nay tỷ trọng thì cao nhưng chưa dành cho mục tiêu nhiệm vụ chiến lược”- ông Tuấn nói. Những mục tiêu nhiệm vụ chiến lược được ông lấy ví dụ như phát triển nhân lực chất lượng cao hay thúc đẩy kinh tế xanh.

Vì thế, các đại biểu cho rằng, cần xây dựng báo cáo chi tiêu thuế. Báo cáo này có thể tổng hợp, lượng hóa việc chi ngân sách phân bổ theo từng địa bàn, khu vực kinh tế, thời gian để có được nhận định và thể chế chính sách phù hợp.