Chia sẻ và mong muốn

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có thể nói tuần qua là tuần của phụ nữ, chính xác hơn là tuần của chị em phụ nữ Việt Nam.

Ở tầm vĩ mô, nhiều hoạt động trong chuỗi sự kiện ý nghĩa kỷ niệm 93 năm thành lập Hội và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, mà điểm nhấn là Chương trình biểu dương Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở giỏi toàn quốc lần thứ III năm 2023 với chủ đề "Những bông hoa tháng 10".

Diễn ra trong các ngày 17 - 19/10 tại Hà Nội, chương trình nhằm biểu dương đội ngũ chủ tịch hội cơ sở các xã, phường, thị trấn có thành tích xuất sắc trong công tác hội và phong trào phụ nữ.

Bên cạnh chuỗi sự kiện mang tính chính thức ở cấp trung ương và các địa phương, một trong những điều góp phần tạo nên không khí ngày hội thực sự của chị em phụ nữ là các hoạt động hướng tới ngày kỷ niệm tháng 10 này ở cấp cơ sở, từ những buổi gặp mặt thân tình với sự, lắng nghe, thấu hiểu, sẻ chia của cấp ủy, chính quyền đơn vị, địa phương với chị em, những hoạt động văn nghệ, thể thao… đến những buổi liên hoan ấm cúng mà không kém phần sôi động.

Trong số những hoạt động đó, việc tổ chức Hội thi nấu ăn được khá nhiều đơn vị, cơ quan lựa chọn, coi như là một cái đinh của chuỗi hoạt động kỷ niệm của đơn vị mình. Hội thi không chỉ tạo cơ hội cho chị em thể hiện tài nữ công gia chánh, mà còn huy động cả cánh mày râu cùng vào bếp trổ tài nấu nướng.

Theo nhiều chuyên gia, hoạt động này vừa góp phần tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong tập thể, vừa là dịp để anh em hiểu hơn sự vất vả cùng vai trò quan trọng của chị em, một nửa yêu thương trong đời sống gia đình.
Không phải ngẫu nhiên mà đây lại là hoạt động được lựa chọn và tham gia một cách tích cực.

Bên cạnh ý nghĩa thực tiễn nói trên có lẽ còn vì đây là một câu chuyện đáng quan tâm trong quá trình thực hiện bình đẳng giới.

Theo quan niệm truyền thống Á Đông cũng như ở Việt Nam, công việc bếp núc và nói chung là nội trợ trong gia đình là “dành riêng” cho phụ nữ. Và quan niệm đó đến vẫn tồn tại cho đến hiện nay ở nơi này, nơi khác. Theo kết quả điều tra về lao động việc làm năm 2020, trung bình phụ nữ dành khoảng 20,1 giờ mỗi tuần cho công việc Chăm sóc không lương, một cách gọi của những công việc không tên trong mỗi gia đình, gần gấp đôi thời gian của nam giới dành cho công việc này là 10,7 giờ mỗi tuần.

Trong cộng đồng bào dân tộc ít người, sự chênh lệch còn lớn hơn và trở thành một trong những trở ngại để phụ nữ có thể tham gia bình đẳng vào thị trường lao động. Ngân hàng thế giới đánh giá: “Định kiến xã hội - đặc biệt liên quan đến vai trò nội trợ truyền thống của phụ nữ - tác động đến sự tham gia của họ vào các hoạt động kinh tế khu vực phi nông nghiệp”.

Như vậy, rõ ràng gánh nặng công việc chăm sóc không lương là một trong những yếu tố làm tăng khoảng cách giới trong sinh kế và thu nhập, cản trở quá trình thực hiện bình đẳng giới, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc ít người.

Trở lại những hội thi nấu ăn nhân dịp 20/10. Những ngày qua, trên mạng xã hội liên tiếp xuất hiện hình ảnh khá vui vẻ, hào hứng của hoạt động này ở các cơ quan đơn vị, địa phương. Đặc biệt, hình ảnh cánh mày râu trong trang phục nấu bếp với tạp dề, mũ đầu bếp còn nguyên nếp hồ xuất hiện khá bắt mắt. Âu cũng là một hoạt động nhiều ý nghĩa.

Tuy nhiên, chia sẻ câu chuyện và những con số về hoạt động chăm sóc không lương và những hệ lụy của nó với quá trình thực hiện bình đẳng giới cũng là bày tỏ mong muốn cánh mày râu nhận thức rõ, để việc vào bếp cùng những hành động yêu thương với phái đẹp không chỉ được thực hiện vào dịp 20/10 hay 8/3 ở các hội thi nấu ăn nơi công sở, cộng đồng… mà nó trở thành việc làm thường nhật của nam giới trong thực tế cuộc sống của mỗi gia đình và cả cộng đồng.