Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào trong ký ức của con trai Trung tướng Phạm Hồng Sơn

Phạm Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - LTS: Trung tướng Phạm Hồng Sơn là danh tướng văn võ song toàn, một bậc thầy về nghệ thuật quân sự. Năm 1971, ông là Đại tá, Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Nam Lào. Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào góp phần to lớn đến chiến thắng vĩ đại giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 4 năm sau đó, ngày 30/4/1975.

Báo Kinh tế & Đô thị xin trân trọng gửi tới độc giả loạt bài viết về một góc nhìn khác, mới lạ, góc nhìn qua ký ức của người con của Trung tướng Phạm Hồng Sơn về chiến dịch Đường 9 - Nam Lào.
Bài 1: Mùa hè đáng nhớ

Hè 1970, bố tôi và nhiều bác, chú bộ đội khác mà tôi đã từng công tác cùng bố tôi ở Bộ Tổng tham mưu như bác Vương Thừa Vũ - Phó Tổng Tham mưu trưởng; bác Vũ Lăng - Cục trưởng Cục Tác chiến C51; bác Phan Bình - Cục trưởng Cục tình báo C52; chú Phan Hạo- Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Pháo binh; chú Nguyễn Hữu An - Sư trưởng 308... cùng gia đình “tự nhiên” lại cũng đi công tác ở Sầm Sơn cùng thời gian và được bố trí ở cùng khu nhà nghỉ nhiều tầng của quân đội còn sót lại sau chiến tranh phá hoại!

Mùa hè 1970 thật rực rỡ và đáng nhớ, sau 4 năm sơ tán từ cuối 1965 tới cuối 1969 do Mỹ ném bom phá hoại Miền Bắc, lần đầu tiên chúng tôi lại được vui vẻ thả rông trên các hè phố và quay về trường ở nội thành Hà Nội. 

 Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Nam Lào B702 trong cuộc gặp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1971 (ảnh tư liệu)

Lần đầu tiên tôi được học cùng các bạn Miền Nam đã vượt con đường Trường Sơn vạn dặm ra Bắc là khi học lớp 6 ở trường Xuân Đỉnh. Những cô bé, cậu bé mới lên khoảng 9 - 12 tuổi, thậm chí bé hơn, là con em cán bộ chiến sĩ hoạt động bí mật trong vùng địch, sau Tổng tiến công Mậu Thân bị lộ và bị địch bắn giết, bắt bớ, đàn áp khốc liệt nên được ta đưa ra Bắc.

Các bạn đã phải đã đi bộ suốt các cung đường “Giải phóng” luôn bị địch phục kích, bắn phá từ khắp các tỉnh thành Miền Nam ra tới Cung đường XHCN (gần miền Bắc) mới có xe chở ra, thường mất gần 2 - 3 tháng, “mang một ba lô sau lưng với đủ thứ như quần áo, võng (kèm màn và tấm đắp), thức ăn khô, nước uống, v.v... và khoác trên vai một ruột nghé gạo khoảng 3 - 5 kg, hầu hết tự phục vụ cho mình.

Tổng cộng từ những năm 1954 - 1955 tới 1975 có khoảng 32.000 các bạn nhỏ Miền Nam được đưa ra Bắc, học tại hàng chục ngôi trường dành riêng cho học sinh Miền Nam hoặc học chung với chúng tôi như tại trường Xuân Đỉnh…

Lớp 7 tôi học ở trường Trưng Vương, cô Bình làm chủ nhiệm. Do điểm tổng kết Văn kém và hạnh kiểm xấu khi học lớp 6 vì hay đánh nhau và mải chuyên tâm tập đá cầu không làm bài về nhà, nên tôi suýt bị đúp lớp, may nhờ mẹ tôi cũng dạy Văn và bố đi chiến đấu xa nên thầy chủ nhiệm thông cảm cho tôi lên lớp 7! Vì lý do này nên tôi bị cô Bình xếp ngồi bàn cuối, sau lưng là tường và có tới 5 bạn gái ngồi trước mặt và xung quanh, trong đó tôi nhớ có tới ba “tảng Ngọc” ngồi hai đầu bàn và chắn ngay trước mặt để tôi không thể nghịch và tiếp xúc gần với bạn trai nào trong giờ học! Mới ở trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi về hồi đầu lớp 6 nên tôi vẫn diện bộ quân phục dù quần đã cộc nhiều do lớn quá nhanh so với tuổi, đầu đội mũ biên phòng kéo sụp miếng phủ đằng trước cùng hai miếng bịt tai thả xuống không buộc dây, che kín mặt, trông rất hầm hố!

Khi đó bố tôi mới ở Tây Nguyên ra sau hơn 2 năm chiến đấu trên chiến trường B3 từ Tổng Tiến công Mậu Thân 1968 trên cương vị Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Quân khu về lại làm Cục trưởng Cục Quân huấn C55 như thời trước khi đi B. Bố tôi rất quan tâm tới dạy dỗ con, nhất là tôi do là con trai đầu, lại lớn sớm trong thời chiến nên ông đặc biệt chú ý dạy tôi bắn súng, học võ và rèn luyện thể lực...

Cuối Hè 1970, bố tôi cho cả nhà đi theo ra công tác ở Sầm Sơn! Thật không thể tưởng tượng được nỗi sung sướng của tụi tôi vì lúc đó tuy Mỹ đã ngừng ném bom Miền Bắc nhưng chiến sự vẫn đang diễn ra ác liệt ở Miền Nam và trên khắp các chiến trường Đông Dương.

Trong ký ức của đứa trẻ 15 tuổi, Sầm Sơn trước chiến tranh thật đẹp với những cánh rừng phi lao trải dài trên bãi cát trắng ven biển, những chiếc bè đánh cá to ghép bằng những cây luồng nằm đầy trên bờ và những chuỗi dân chài kéo lưới mỗi buổi ban mai, những chiếc bè kỷ vật bé nhỏ với các cánh buồm xanh đỏ và những vỏ ốc nhỏ to mà tụi tôi vẫn lê la kiếm lượm mỗi buổi sáng sớm trên bờ cát khi cùng bố mẹ ra ngắm mặt trời đang từ từ nhô lên trải những vệt sáng vàng lấp lánh loang dài trên đỉnh các con sóng đêm đang hối hả chạy xô vào bờ.

Năm đó, cả nhà được đi xe com măng ca đít tròn, hơi chật với gia đình có 5 người nhưng so với chuyến đi Sầm Sơn bằng tàu hỏa gần một ngày từ Hà nội tới Thanh Hóa qua cầu Hàm Rồng ngay trước chiến tranh mà tôi và mấy đứa em được đi cùng bọn thằng Nhật, Huy “lô” và cái Lan “đen” con chú Hồng Cư, dì Hạnh lúc vừa mới khỏi lên sởi, người còn đầy vết mụn ngứa xanh đỏ thì tuyệt vời, mát và nhanh hơn nhiều vì lúc đó tàu hình như chỉ chạy được mỗi 10 - 15km/giờ!

Cảnh tượng miền Bắc sau 5 năm bị Mỹ ném bom mở rộng ra trước con mắt háo hức của những đứa trẻ mới lớn và in đậm trong ký ức với dòng chữ “Quyết thắng” bằng đá trắng nổi bật giữa rừng thông trên đỉnh núi Rồng, những hố bom Mỹ to như những cái ao đầy nước hai bên đường cùng các địa danh như Đò Lèn, đá Vọng phu và đền Độc cước, dãy núi Người đàn bà chết đuối…

Mùa hè này, bố tôi và nhiều bác, chú bộ đội khác mà tôi đã từng ông tác cùng bố tôi ở Bộ Tổng tham mưu như bác Vương Thừa Vũ - Phó Tổng Tham mưu trưởng; bác Vũ Lăng - Cục trưởng Cục Tác chiến C51; bác Phan Bình - Cục trưởng Cục tình báo C52; chú Phan Hạo - Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Pháo binh; chú Nguyễn Hữu An - Sư trưởng 308... và gia đình “tự nhiên” lại cũng đi công tác ở Sầm Sơn cùng thời gian, được bố trí ở cùng khu nhà nghỉ nhiều tầng của quân đội còn sót lại sau chiến tranh phá hoại! Nhiều dãy nhà và tòa nhà chính ở cổng khu nhà nghỉ này đã bị bom Mỹ phá sập hoàn toàn, các luống hoa dừa nước xanh lẫn trong đám rau muống biển và lá phi lao rụng đầy bên những lối đi...

Tòa nhà gia đình tôi ở hai đầu hồi cũng bị bom Mỹ phá sập, tuy nhiên cầu thang giữa và các tầng bên trên còn nguyên nhưng đều có các chú bộ đội cầm súng gác. Có lần tôi lẻn trèo qua các tảng bê tông vỡ đầu hồi lên được tầng 2 thì lại gặp ngay phải bác Vũ đang tập Thái cực quyền nên đành chui xuống, chỉ kịp ngó qua thấy một vài phòng to nơi Bố tôi cùng các chú, các bác vẫn họp hàng ngày có treo nhiều bản đồ lớn trên tường và hình như là cả sa bàn nữa nhưng do vội và phòng tối nên không nhìn rõ hết bên trong.

Bác Vũ nghiêm lắm, thỉnh thoảng bọn tôi nghịch đuổi nhau hò hét to quá lại bị bác nhắc và tụi tôi rất sợ bác. Có lần tôi thấy có cả mấy xe Volga có bộ đội cầm súng gác trông xe. Khi đó cũng chỉ biết là xe bác Lê Trọng Tấn - Phó Tổng tham mưu trưởng; bác Võ Chí Công - Bí thư Khu 5 và bác Chu Huy Mân -Tư lệnh Quân Khu 5 ra họp, tụi tôi cũng không quan tâm lắm vì còn mải đi bắn chim, đá bóng và đi tắm biển, chỉ biết rằng bố và các chú các bác đang bàn việc quân sự mà thôi.

Trưa Hè Sầm Sơn thời ấy rất đặc biệt, đầy nắng ấm mà trong vắt, yên tĩnh đậm mùi riêng của biển, vẳng tiếng gió lướt giữa rừng phi lao chen lẫn tiếng sóng dội ầm ì, thỉnh thoảng đệm thêm vài tiếng cu gáy loang tan xa đi mãi. Nó đặc biệt đến nỗi hàng chục năm sau, khi trở lại thị xã Thanh Hóa, một buổi trưa hè đứng bên cửa sổ tầng 2 Tòa nhà văn phòng UBND tỉnh tôi lại dường như thấy luồng không khí mát rượi đậm hương vị tuổi thơ ấy vụt nhẹ qua theo gió biển đưa vào và nỗi nhớ cồn cào tới mức phải ghé qua Sầm Sơn ngay với mong muốn dù là chỉ một phút để được thả mình vào không gian tuổi thơ.

(Còn nữa)