Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào trong ký ức của con trai Trung tướng Phạm Hồng Sơn] Bài 2: Kế hoạch mật từ thị trấn nhỏ ven biển miền Trung

Phạm Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kế hoạch Chiến dịch phản công chiến lược năm 1971 của quân đội ta được thực hiện tại một thị trấn nghỉ mát nhỏ của miền Trung - Sầm Sơn, nơi mà tình báo Mỹ hoàn toàn không ngờ tới.

Ở đây, các sĩ quan chủ chốt của Bộ Tổng Tham mưu (BTTM), các chỉ huy chiến dịch và các tư lệnh chiến trường quan trọng nhất liên quan đã tụ họp và hoàn toàn chẳng có máy điện thoại nào trong các phòng nghỉ!
Lang thang gần hòn Trống Mái, đền Độc cước và chùa Cô Tiên, tôi còn thấy mấy khẩu pháo 88 ly trong các hầm ở vách núi trông ra biển, thỉnh thoảng gặp cả mấy chú đặc công nước ngồi gác đầu khu. Hồi đó đang chiến tranh và còn nhỏ nên tụi tôi cũng không thấy ngạc nhiên, bây giờ đọc về các cán bộ tình báo bên mình như Anh hùng Phạm Xuân Ẩn phát hiện về việc Phái bộ hỗ trợ quân sự của Mỹ tại Việt Nam (Military Assistance Command, Vietnam - MACV) chuẩn bị các chiến dịch Dewey Canion II và Lam Sơn 719 kịp báo sớm cho phía ta mới thấy đúng là Mỹ tuy mạnh nhưng hệ thống tình báo hoàn toàn không phát hiện được một sự kiện tụ họp nhiều sĩ quan cao cấp của BTTM Quân đội nhân dân Việt Nam kỳ lạ đến như vậy cùng sự xuất hiện của các lực lượng bảo vệ ở thị trấn nhỏ ven biển miền Trung thì cũng kém thật! Sau này tôi tình cờ đọc thấy có bài báo về vấn đề tình báo Mỹ ở Việt Nam, trong đó có nhắc tới cuốn Vietnam Chronicles: The Abrams Tapes, 1968 - 1972 của tác giả Lewis Sorley ghi lại biên bản các cuộc họp của Bộ chỉ huy chiến trường của Mỹ ở Nam Việt Nam (MACV) nói rằng: “Chỉ huy quân báo của MACV cho hay Washington đã gài được người vào hàng ngũ quan trọng ở Hà Nội, và bằng một cách nào đó, Mỹ đã nghe được đường điện thoại liên lạc giữa các binh trạm trên đường Trường Sơn! Lần đầu tiên chúng ta (Mỹ) đã có điệp viên nằm vùng tại những nơi quan trọng và họ đang cung cấp những tin vô cùng quý giá”.
 Kế hoạch Lam Sơn 719.
Cũng có thể đó chính là nguyên nhân mà chúng ta tiến hành cuộc họp quyết định Kế hoạch Chiến dịch phản công chiến lược năm 1971 tại một thị trấn nghỉ mát nhỏ của miền Trung, nơi mà tình báo Mỹ hoàn toàn không ngờ tới với sự tụ họp của các sĩ quan chủ chốt của BTTM, các chỉ huy chiến dịch và các tư lệnh chiến trường quan trọng nhất liên quan và hoàn toàn chẳng có máy điện thoại nào trong các phòng nghỉ! Sau chiến tranh, một trong những bài học Mỹ tổng kết được về Chiến dịch Lam Sơn 719: “Cần phải chú trọng tăng cường tình báo bằng con người trong những vùng nằm dưới sự kiểm soát của đối phương!”.

Hàng ngày, bố tôi cùng các chú, các bác trong BTTM họp suốt, chỉ đi bơi biển cùng gia đình buổi sáng sớm và trước bữa cơm chiều, tối tụ họp bàn tiếp hoặc đánh cờ tướng bôi râu! Tôi nhớ các chú, bác ở BTTM hầu hết đều đánh cờ tướng rất giỏi, đặc biệt như bố tôi còn đánh được cả cờ “tưởng”, tức là không cần bàn cờ, mọi đường đi nước bước của hai bên trong suốt trận đều nhớ trong đầu! Hồi đó ai thua lại bị một chú cần vụ bôi cho một vệt râu lên mặt, và mỗi khi thắng được đối phương bằng thế cờ tàn “Pháo chiếu đút đít, tức chiếu hậu thì bác Vũ Lăng lại cười hể hả lắm!

Bây giờ mới thấy, hóa ra không chỉ trong chơi cờ mà cả trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, BTTM cũng đã dọn sẵn thế cờ “Xe pháo chiếu đút đít” này từ trước khi đối phương lên kế hoạch tiến công tới cả 6 - 7 tháng trời bằng cách điều 2 sư đoàn bộ binh chủ lực (Sư 2 Sao Vàng của Quân Khu V và Sư 324 của Quân khu Trị Thiên) cùng 4 trung đoàn pháo cơ giới và 3 tiểu đoàn tăng, thiết giáp với 88 xe tăng các loại từ PT76, T34/85 và cả T54 mới toanh nằm hầm phục sẵn ở Nam Đường 9 chuẩn bị đánh xe tăng thiết giáp địch và bố trí sẵn 10 tiểu đoàn pháo cao xạ, 25 đại đội và 33 trung đội súng máy phòng không 12,7 ly cải tiến và 14,5 ly thuộc Đoàn 559, bố trí thành 8 cụm phòng không trên tâm điểm là tam giác Bản Đông - Tha Mé - La Hạp với nhiệm vụ chuyên chỉ để đánh các nhóm lớn máy bay lên thẳng trong khi đối phương vẫn tưởng rằng họ sẽ chỉ phải đối mặt với các đơn vị hậu cần - kho và xe tải của 559 còn hai sư chủ lực Bộ sẽ bị động di chuyển từ Bắc Vĩ tuyến 17 vào khi họ bắt đầu Chiến dịch và sẽ bị B52 và không quân chiến thuật Mỹ tiêu diệt ngay trên đường hành quân!

Bọn trẻ con thích đá bóng và đánh bóng bàn. Những đứa ham chơi bóng bàn như thằng Phan Hồng nhà chú Phan Hàm thỉnh thoảng được đánh với bác Khang (chồng cô Nguyễn Thị Bình) nhưng toàn thua vì bác đánh rất giỏi và mưu mẹo, hơn nữa chơi vợt gỗ nên bác không sợ bóng xoáy vợt mút vốn được bọn trẻ con coi là kỹ năng tuyệt đỉnh!

Chủ nhật nghỉ họp, nếu không đi bắn chim thì bố tôi lại cho chú lái xe nghỉ, tự mình lái xe com măng ca chở gần chục cô trong khu đi chợ Sầm Sơn mua đồ biển. Chợ Sầm Sơn khi đó cũng nghèo, phần lớn do dân chài đánh cá ngay gần bờ mang lên bán các buổi sáng sớm. Nhớ nhất dịp đó tôi xuống bếp lấy cơm (do ít thức ăn nên các gia đình thường nhận cơm mang về nhà ăn với đồ ăn thêm do các cô, các bà tự chế biến thêm) tình cờ thấy các chú cấp dưỡng đang làm thịt một con cá to như cái bàn, da dày và đen, thịt trắng ăn lại có xương sụn! Tôi hỏi cá gì thấy bảo “cá lợn”, nhớ mãi mà không hiểu vì sao nó lại có tên như thế. Mấy hôm trước tâm sự trên Facebook với Phan Hồng mới hiểu tại sao các chú ấy gọi là cá lợn! Kỷ niệm khó quên là hôm xuống bếp ăn tập thể lấy cơm mang về phòng ăn tại phòng (vì các gia đình còn có thức ăn bổ sung), chứng kiến một ngư dân đang thực hiện phi vụ "đổi cá biển lấy thịt lợn" theo phương thức 1:1. Bác ngư dân hồn nhiên bảo: Cá có đầu, lợn cũng có đầu; cá có đuôi, lợn cũng có đuôi. Vậy đổi ngang một (cân) lấy một (cân). Anh quản lý bếp ăn lưỡng lự một lúc, sau đành đồng ý. Con cá nặng khoảng bảy tám chục cân gì đó, đầu hơi to, được nhà bếp xẻ ra đem kho với khế và gừng.

Cuối tháng 10/1970, bố tôi lại lên đường ra trận. Trong hơn tháng đầu, thỉnh thoảng bố tôi mới gửi được một lá thư về nhà do trên cương vị Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng B70, ông được giao nhiệm vụ thành lập và tổ chức Binh đoàn B70, đơn vị quy mô chiến dịch - chiến lược lớn nhất của quân đội Nhân dân Việt Nam cho tới thời điểm đó bao gồm ba sư đoàn bộ binh chủ lực của Bộ là 304, 308, 320 và công việc thành lập, tổ chức và huấn luyện, chấn chỉnh đơn vị mới chiếm hầu hết thời gian của ông, trong khi hạn mà Bộ Tổng tư lệnh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt ra đòi hỏi yêu cầu đơn vị phải sẵn sàng chiến đấu trước cuối tháng 10/1970 lại quá ngắn - chỉ hơn 1 tháng kể từ ngày bắt đầu thành lập. May là Bố tôi đã trưởng thành từ lò luyện 308 - Đại đoàn Quân Tiên Phong từ những ngày đầu thành lập và từng là Tư lệnh 2 trong 3 sư đoàn đó trong những năm trước (308 giai đoạn 1955 - 1958 và 320 giai đoạn 1955 - 1956) nên ông nắm rất vững mọi vấn đều liên quan.

(Còn nữa)