Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Bản chất, xu thế và triển vọng

TS Hồ Văn Chiểu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ -Trung là sự phản ứng trước sự suy giảm kinh tế có thể dẫn tới Mỹ bị Trung Quốc soán ngôi vị trí đứng đầu thế giới.

Nguyên nhân của sự suy giảm là do chu kỳ khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản mà dấu hiệu của nó là sự thất bại của chủ nghĩa tự do mới và những đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 
Phép màu kinh tế Mỹ

Ngày 2/3/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump khai chiến với lý do “quốc gia đang mất nhiều tỷ USD trong thương mại với hầu như tất cả các nước có giao dịch”. Mỹ đã sử dụng triệt để vũ khí bảo hộ mậu dịch: Rút khỏi các cam kết quốc tế vốn dựa trên nguyên tắc mậu dịch tự do; giảm thuế nội địa, tăng thuế nhập khẩu. Tổng thống Mỹ đòi Trung Quốc phải chấm dứt ăn cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ và phải bồi thường cho Mỹ… Nhiều nước đã phản đòn. Canada, Trung Quốc, Mexico, EU và các nước khác đều đã hạn chế hàng xuất khẩu từ Mỹ.

Theo thống kê của WTO, tính từ tháng 5 - 10/2018, cuộc chiến đã gây thiệt hại cho kinh tế thế giới gần 500 tỷ USD. Nếu tính cả hiện tượng thoái vốn và các đồng nội tệ mất giá ở các nước mới nổi, thì số thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ USD. Ngày 2/8/2018, ông Trump tuyên bố: “Ở khắp mọi nơi, chúng ta đang thấy những ảnh hưởng của phép màu kinh tế Mỹ”. GDP của Mỹ năm 2017 đã tăng trưởng tới 3,9%.
 Công nhân tại Nhà máy sản xuất điện thoại Huawei, Trung Quốc.
Quy mô nền kinh tế hiện đã vượt qua con số 20.000 tỷ USD, tăng thêm 1.400 tỷ USD chỉ trong 19 tháng. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế đã chứng minh, đó không phải là sự thật. Trước hết, thâm hụt thương mại tiếp tục tăng 100 tỷ USD, năm 2017, đã lên tới 566 tỷ USD. Dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào Mỹ giảm từ 146, 5 tỷ USD (quý I/2016) xuống còn 51,3 tỷ USD (quý I/2018). Năng suất lao động Mỹ vào năm 2017, chỉ tăng 0,2%. Trước tình hình đó, Tổng thống Mỹ quyết định sử dụng công cụ tiền tệ để đòi lại “giá trị”. Ông tăng chi để kích cầu, làm cho thâm hụt ngân sách thời ông Trump lên đến 1.469 tỷ USD. Dưới thời ông Trump, nợ công của Mỹ tăng 2.520 tỷ USD, lên mức 21.520 tỷ USD.

Nguy cơ bị soán ngôi

Trước hết, giới tinh hoa của Mỹ đã nhận ra: Địa vị đứng đầu thế giới của Mỹ trong trật tự hiện hành đang bị xói mòn, có nguy cơ bị soán ngôi trong cuộc cạnh tranh kinh tế toàn cầu. Sự suy giảm này có nguồn gốc từ thất bại của chủ nghĩa tự do mới, một chủ thuyết làm nền tảng cho giới tài phiệt Mỹ quản trị nền kinh tế toàn cầu. Để khắc phục mâu thuẫn đó, hai giải pháp chiến lược đã được thực thi. Một là, Mỹ đã dựa vào đế chế bá quyền của đồng USD, cung ứng tư bản ứng trước cho toàn thế giới. Hai là, chuyển giao công nghệ sang các nước đang phát triển để khai thác “nhân công giá rẻ’’ hợp với trình độ các nước đang phát triển. Việc chuyển dịch vốn, công nghệ và nhà xưởng cùng với việc đào tạo nghề ở các nước đang phát triển đã tạo điều kiện cho cách mạng công nghiệp, thúc đẩy toàn cầu hóa.

Trong 2 ngày 7 và 8/1 các quan chức Mỹ và Trung Quốc có cuộc gặp và làm việc tại Bắc Kinh để thảo luận về việc chấm dứt cuộc chiến thương mại. Đây là cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên kể từ khi thỏa thuận đình chiến trong 90 ngày được thống nhất tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Papua New Guinea vào tháng trước. 
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực đó, chủ nghĩa tự do mới kiểu Mỹ cũng chứa đựng những mâu thuẫn ngày càng gay gắt. Trước hết là việc di chuyển vốn và nhà xưởng sang các nước đang phát triển đã làm thế giới phân thành hai bán cầu: Công nghiệp hóa ở các nước đang phát triển và phi công nghiệp hóa ở các nước phát triển. Tại đó, khi sản xuất công nghiệp chuyển đi, giới tài phiệt đã tài chính hóa các quan hệ kinh tế. Thay việc đầu tư vào các ngành sản xuất vật chất, họ dồn vốn vào kinh doanh tiền tệ, mở rộng các trung tâm tài chính, làm suy yếu nền sản xuất công nghiệp.

Khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ Hai, tỷ trọng ngành chế tạo của Mỹ chiếm một nửa ngành chế tạo toàn cầu, đứng đầu ngành chế tạo thế giới. Tuy nhiên bắt đầu từ chối tiêu chuẩn và của đồng USD vào năm 1971, kinh tế Mỹ bắt đầu nhanh chóng chuyển sang lĩnh vực tài chính, tỷ lệ liên quan đến sản xuất trong hoạt động tài chính ngày càng thấp. Thoát ly khỏi nền kinh tế thực, Mỹ đã biến thành nền “kinh tế sòng bạc”. Khống chế nền kinh tế sòng bạc, giới tài phiệt Mỹ đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và cuộc khủng hoảng Eurozone, cướp đoạt hàng chục nghìn tỷ USD. Nhưng hậu quả của quá trình đó đã suy giảm nền kinh tế thực, đe dọa địa vị kinh tế vả sức mạnh của Mỹ và Mỹ đang dứng trước nguy cơ bị soán ngôi.

Về mặt xã hội của quá trình đó đã làm gia tăng bất bình đẳng, phân hóa giàu nghèo đang đạt tới tột đỉnh: 62 người giàu nhất sở hữu tài sản bằng 3,5 tỷ người. Có tới 250 triệu người thất nghiệp và số nợ lên tới trên 60.000 tỷ USD trên phạm vi toàn cầu. Tại nước Mỹ, tổng số nợ công và tư lên tới 67.000 tỷ USD, tức là gần 400% GDP. Số người thất nghiệp đã có lúc lên tới 15 triệu người.

Triển vọng của trật tự kinh tế mới

Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đòi hỏi phá bỏ những kìm hãm, làm gia tăng những xung đột trên phạm vi toàn cầu. Trí tuệ nhân tạo đã giải phóng sức lao động của con người, nhưng lại đặt ra vấn đề nạn thất nghiệp. Nếu không giải quyết được bài toán này, phong trào chống toàn cầu hóa của chủ nghĩa dân túy tiếp tục lan rộng.

Cuộc chiến tranh thương mại do Tổng thống Mỹ phát động đã đi chệch hướng, không đáp ứng đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra, không tháo gỡ những bế tắc bắt nguồn từ khủng hoảng cấu trúc hệ thống toàn cầu gây ra. Thay bằng tháo gỡ cấu trúc quản trị kinh tế toàn cầu của giới tài phiệt Mỹ, ông Trump đã phá đi hệ thống cung ứng và giao dịch toàn cầu dựa trên giá trị của chủ nghĩa tự do. Thay vì đẩy mạnh quá trình toàn cầu hóa và hội nhập, một quá trình đưa nước Mỹ lên địa vị đứng đầu thế giới ông đã giương cao ngọn cờ biệt lập vị kỷ. Thay vì đầu tư cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông đã kêu gọi, hoặc bắt ép hồi hương những ngành công của cuộc cách mạng 1.0, 2.0 như dệt may, năng lượng hóa thạch, xe hơi nhằm tái công nghiệp hóa đất nước.

Đối với Việt Nam, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện nay đang tạo ra những cơ hội và thách thức. Về cơ hội, có thể thầy việc khống chế thương mại của cả hai bên đã tạo cơ hội cho Việt Nam tăng hàng xuất khẩu cả vào Mỹ và Trung Quốc. FDI cũng tăng lên đáng kể (hơn 3 tỷ USD năm 2018) do các tập đoàn dịch chuyển từ Trung quốc sang. Nhưng, thách thức cũng hết sức to lớn. Trước hết, cuộc công phá của Mỹ vào hệ thống cung ứng toàn cầu sẽ làm cho lượng cầu của thế giới giảm mạnh, trong dài hạn tất yếu sẽ tác động mạnh đến tiêu thụ hàng Việt Nam. Song, Việt Nam đã có phương án đối phó với những biến động này.