Ảnh hưởng chiến tranh thương mại: Nhiều nước Đông Nam Á tăng trưởng chậm lại

Hương Thảo (Theo Nikkei)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một sự đánh giá của tờ Nikkei châu Á về ảnh hưởng từ cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung với nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Đông Nam Á.

 
Theo thống kê từ Ngân hàng Phát triển Châu Á, tăng trưởng ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đều chậm lại trong giai đoạn tháng 7 -9 năm nay, sau khi Mỹ và Trung Quốc bắt đầu tăng thuế kiểu "ăn miếng trả miếng". Tốc độ tăng trưởng bình quân của 5 nền kinh tế lớn nhất nhì ĐNÁ trong quý III là 4,5%, giảm từ 5,5% cùng kỳ năm trước.
"Nguy cơ leo thang hơn nữa trong các cuộc xung đột thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và các đối tác thương mại chính của nó có thể gây ra sự sụt giảm mạnh trong kinh doanh toàn cầu và niềm tin của người tiêu dùng", Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore nhận định trong một tuyên bố.
Thái Lan là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, khi tốc độ tăng trưởng hàng năm đã giảm xuống còn 3,3% trong quý III từ mức 4,6% giai đoạn trước đó. Xuất khẩu - chiếm hơn 60% GDP của Thái Lan - giảm 0,1% trong giai đoạn tháng 7-9, chủ yếu là do một sự suy giảm trong các lô hàng sang Trung Quốc - điểm nhập khẩu lớn nhất của Xứ sở chùa vàng.
Roongrote Rangsiyopash - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Siam Cement Group - một tập đoàn công nghiệp lớn của Thái Lan chia sẻ: "Cuộc chiến thương mại dai dẳng đã cắt giảm xuất khẩu của chúng tôi...tình hình khó có thể cải thiện trong những tháng tới".
Các nhà điều hành kinh doanh tỏ ra lo lắng về triển vọng kinh tế, trong khi nhiều ngân hàng lớn của khu vực đang dần siết sự tăng trưởng cho vay. Theo ông Samuel Tsien - Giám đốc điều hành của Ngân hàng Trung Quốc ở nước ngoài tại Singapore - ngân hàng lớn thứ hai trong khu vực xét về quy mô tài sản - đã nhận thấy những căng thẳng thương mại được phản ánh trong nền kinh tế vào năm tới khi nhận định: "Tăng trưởng cho vay mạnh mẽ mà chúng tôi đã trải qua trong năm nay có thể sẽ giảm nhẹ trong năm 2019".
Các chỉ số kinh tế hàng đầu đang báo hiệu sự sụt giảm hơn nữa trong xuất khẩu, mà đáng chú ý là một chỉ số về các đơn đặt hàng xuất khẩu mới trong tháng 10 được cho là thấp nhất kể từ tháng 12/2016.
Các nền kinh tế cũng đang bị tổn thương bởi giá thành cao hơn, xuất phát từ các đồng tiền quốc nội bị trượt giá so với USD. Tại Philippines, Ngân hàng T.Ư đang dần tăng lãi suất để chống lạm phát (6,7% trong tháng 10), trong khi người dân nước này đang trở nên dè chừng trong chi tiêu.
Tuy nhiên không phải tất cả các nền kinh tế trong khu vực đều bị ảnh hưởng trong quý III. Theo Nikkei, Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,88%, tăng từ 6,73% quý II nhờ sự sản xuất ổn định của ngành linh kiện điện thoại thông min và một phần hưởng lợi từ những căng thẳng thương mại khi các nhà sản xuất chuyển hướng nhập khẩu từ ​​Trung Quốc sang các nước láng giềng của quốc gia này.
Thể hiện cái nhìn có phần tích cực hơn, nhà kinh tế học Vishnu Varathan nói: "Tôi nghĩ rằng xu hướng tổng thể của một sự tăng trưởng nhẹ trong nửa cuối năm nay so với nửa đầu vẫn còn được bảo toàn". Ông cũng trích dẫn các số liệu liên quan đến xung đột thương mại yếu hơn và tác động chậm của giá dầu cao hơn trong tháng 9 và tháng 10 để làm dẫn chứng cho nhận định: "Chúng tôi không muốn quá bi quan bởi đây không hẳn là sự tăng trưởng đang sụp đổ".