Chính phủ Ecuador tháo chạy khỏi thủ đô

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Động thái đến sau nhiều cuộc biểu tình và phong tỏa các tuyến đường ở thủ đô do các nhóm bản địa dẫn đầu. Những người biểu tình cũng kiểm soát một số tuyến cao tốc trong nước để hàng nghìn người tới thủ đô Quito cho các cuộc biểu tình lớn, được lên kế hoạch vào ngày mai (9/10).

Đung độ đã xảy ra giữa lực lượng an ninh và người biểu tình trên đường phố Ecuador. 
Tổng thống Ecuador, Lenin Moreno tuyên bố trên truyền hình tối 7/10 (giờ địa phương) rằng đã tạm thời chuyển các hoạt động của chính phủ từ thủ đô Quito đến TP cảng Guayaquil. Ông Moreno cũng khẳng định sẽ không suy nghĩ lại việc tăng giá nhiên liệu, đồng thời cáo buộc các đối thủ chính trị đã cố gắng thực hiện đảo chính.
Động thái này đến sau nhiều cuộc biểu tình và phong tỏa các tuyến đường ở thủ đô do các nhóm bản địa dẫn đầu. Những người biểu tình cũng kiểm soát một số tuyến cao tốc trong nước để hàng nghìn người tới thủ đô Quito cho các cuộc biểu tình lớn, được lên kế hoạch vào ngày mai (9/10).
"Những vụ cướp bóc, phá hoại và bạo lực cho thấy có một động cơ chính trị có tổ chức ở đây để gây bất ổn cho Chính phủ, và phá vỡ trật tự hiến pháp, trật tự dân chủ", Tổng thống Ecuador phát biểu trên truyền hình.
Bất ổn bùng nổ kể từ thông báo của Tổng thống Moreno hồi tuần trước về việc chấm dứt các khoản trợ cấp đang kiềm chế giá nhiên liệu, gây ra một cuộc đình công của các công đoàn vận tải. Theo ông Moreno, các khoản trợ cấp nhiên liệu, chi phí bởi nhà nước trị giá 1,3 tỷ USD/năm đã không còn hợp lý, khi Chính phủ Ecuador đã đồng ý cắt giảm chi tiêu công như một phần của thỏa thuận cho vay với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ký hồi tháng 3 năm nay.
Cùng ngày, Bộ Năng lượng Ecuador cũng tuyên bố rằng các hoạt động tại 3 mỏ dầu ở khu vực Amazon đã bị đình chỉ "do sự chiếm giữ của các nhóm người bên ngoài gây ra". Điều này đã ảnh hưởng đến 12% sản lượng dầu của đất nước.
Hàng trăm người biểu tình đã bị bắt giữ, đánh dấu tình trạng bất ổn tồi tệ nhất ở Ecuador trong nhiều năm qua. Lịch sử các cuộc biểu tình do người bản địa lãnh đạo đã từng lật đổ 3 đời tổng thống nước này trong vài thập kỷ.