Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện: Điều chỉnh để tăng hấp dẫn

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị quyết 28 – NQ/TW của T.Ư đặt mục tiêu đến năm 2021 lực lượng nông dân và lao động phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện chiếm 1% lực lượng lao động.

Để đạt được mục đề ra cần có những thay đổi phù hợp để tăng tính hấp dẫn của loại hình BHXH này với người dân, bởi trong gần 10 năm triển khai, đến nay tỷ lệ này mới đạt 0,47%.
Hướng đến đối tượng tiềm năng

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, hiện có khoảng 71% số người lao động trong toàn xã hội chưa tham gia BHXH, trong đó phần lớn là nông dân, lao động tại nông thôn và lao động phi chính thức. Đây là nhóm đối tượng tiềm năng để phát triển BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, nhóm đối tượng này lại ít được tiếp cận các thông tin, chính sách về BHXH tự nguyện.
 Bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa hấp dẫn người lao động tự do. Ảnh: Phạm Hùng
Mở xưởng cơ khí chuyên gia công các vật dụng bằng tôn, thép, gia đình anh Hoàng Văn Th. (Thanh Thùy, Thanh Oai, Hà Nội) có 4 người là lao động chính ngay tại xưởng gia đình. Tính bình quân, thu nhập mỗi tháng của gia đình anh Th. không dưới 30 triệu đồng nhưng không ai tham gia BHXH tự nguyện. Mức thu BHXH thấp nhất chỉ khoảng hơn 300.000 đồng/tháng/người là không quá khó với gia đình, tuy nhiên anh Th. lại hoàn toàn không biết về cách thức cũng những thông tin chính sách về BHXH tự nguyện. “Tôi vẫn mua BHYT tự nguyện cho cả nhà nhưng cứ nghĩ phải đi làm ở công ty hay Nhà nước mới được đóng BHXH” – anh Th. bày tỏ. Hay như bà Nguyễn Thị Ngân (Quốc Oai, Hà Nội) chia sẻ, bà ở nhà buôn bán nhiều năm nay nhưng chưa từng thấy cán bộ nào đến tuyên truyền về BHXH tự nguyện. Do vậy, hàng tháng thay vì tham gia BHXH, bà Ngân đều mang tiền đi… gửi ngân hàng.

"Cần thông qua các tổ chức đoàn thể tại địa phương, phối hợp, lồng ghép cùng tuyên truyền về BHXH tự nguyện. Cán bộ cơ quan BHXH, phụ nữ, đoàn thanh niên sẽ là những kênh truyền thông chính trong hệ thống, để nhiều người biết đến tính ưu việt của chính sách xã hội này và sẵn sàng tham gia." - Giám đốc BHXH Hà Nội Nguyễn Đức Hòa

Thậm chí, kể từ 1/1/2018, Nhà nước có chính sách hỗ trợ một phần đóng BHXH tự nguyện đối với các hộ nghèo, cận nghèo, song tỷ lệ tham gia cũng không mấy cải thiện. Trên thực tế, đầu mối của cơ quan BHXH được đặt ngay tại cấp xã, phường, thị trấn nhưng chưa tiếp cận nhiều đến nông dân hay lao động tự do hoặc có thì vẫn nặng về tuyên truyền BHYT. Do vậy, ông Lưu Quang Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH cho rằng, cơ quan bảo hiểm cần xuống tận nơi, gặp gỡ tiếp xúc với nhóm đối tượng tiềm năng này để tư vấn cho người dân hiểu được những lợi ích khi tham gia BHXH.

Thay đổi cơ chế đóng, hưởng

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Quân cho biết, hiện nhiều người dân muốn đóng BHXH tự nguyện nhưng lại ngại chờ đợi tới 20 năm sau mới được hưởng chế độ. Bên cạnh đó, dù người dân rất quan tâm đến các chế độ hưởng ngắn hạn như ốm đau, thai sản thì BHXH chỉ quy định 2 chế độ hưởng dài hạn là hưu trí và tử tuất. Đây là điểm kém hấp dẫn của BHXH tự nguyện với các loại hình bảo hiểm tư nhân khác. Do vậy, Nghị quyết 28 đã đề cập đến vấn đề giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu xuống 15 năm, hướng tới 10 năm với mức tính toán phù hợp, đồng thời từng bước mở rộng các chế độ hưởng của BHXH tự nguyện.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Nhà nước phải thay đổi cơ cấu hỗ trợ “30 - 25 - 10” bằng một cơ cấu “50 - 50” hoặc có thể cao hơn thì mới khuyến khích được nhiều người tham gia. “Cùng với việc điều chỉnh chính sách, Nhà nước cần hỗ trợ những người đến tuổi lao động tham gia BHXH từ nguồn phúc lợi chung. Đối tượng hỗ trợ gồm tất cả lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp và khu vực phi chính thức như trách nhiệm xã hội mà các DN đang đóng thay cho người lao động (14%) để mọi người đều có lương hưu”- ông Lợi kiến nghị.

Được biết, trong năm 2018 - 2019, Chính phủ sẽ theo dõi, đánh giá việc triển khai chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Từ đó, có những điều chỉnh phù hợp, bảo đảm tính hiệu quả của chính sách, giúp tạo thói quen, văn hóa đóng góp, chia sẻ của mọi người dân khi tham gia vào chính sách này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần