Chính sách công nghiệp hóa Việt Nam cho giai đoạn mới: Quyết định vẫn là nội lực

GS. Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Tokyo)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhìn một số chỉ tiêu cơ bản có thể thấy công nghiệp hóa của Việt Nam thời gian qua đã tiến triển một bước đáng kể.

Tuy xét về chất và một số mặt khác có thể  thấy Việt Nam chưa phát triển mạnh mẽ như những nước ở vào giai đoạn tương tự, và Việt Nam chưa tạo dựng được một nền công nghiệp có yếu tố nội lực vững chắc.
Còn nhiều dư địa để triển khai theo bề rộng và bề sâu
Giá trị sản phẩm công nghiệp chế biến trong tổng sản phẩm trong nước (GDP) đã tăng từ 14% năm 1992 lên gần 20% những năm gần đây. Đặc biệt cơ cấu xuất khẩu chuyển rất nhanh theo hướng công nghiệp hóa. Tỷ lệ của hàng công nghiệp chỉ còn khoảng 20% vào năm 1992 nhưng đã tăng lên 70% năm 2015. Trong nội bộ hàng công nghiệp cũng có sự chuyển dịch đáng kể. Cho đến khoảng năm 2005, hàng công nghiệp nhẹ như may mạc, giày dép, sản phẩm gỗ chế biến… đóng vai trò chủ đạo trong xuất khẩu, nhưng sau đó máy móc các loại như hàng điện tử, máy in, máy nổ dần dần chiếm ưu thế. Các loại máy móc này chỉ chiếm 8% trong tổng xuất khẩu vào năm 2000 nhưng đã tăng lên 32% năm 2014 (trong thời gian đó công nghiệp nhẹ không thay đổi, với tỷ lệ 24%). Công nghiệp hóa của Việt Nam tiến hành nhanh hơn nhiều nước trên thế giới. Từ năm 1997 đến 2014, giá trị thực của sản lượng công nghiệp Việt Nam tăng trung bình 7,7%/năm, so với 2,2% của trung bình thế giới. Con số tương ứng của các nước ASEAN khác là từ 4 – 6%. Do đó, thị phần của Việt Nam trong tổng sản lượng công nghiệp của thế giới tăng từ 0,03% năm 1991 lên 0,2% năm 2014.

Dây chuyền sản xuất sợi tại Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan, TP Vinh.   Ảnh:  Trần Việt

Tuy nhiên, xét về chất và một số mặt khác có thể thấy, với quy mô dân số lớn và nguồn lao động dồi dào, Việt Nam còn nhiều dư địa để triển khai công nghiệp hóa theo bề rộng và bề sâu. Cụ thể, Việt Nam có hai yếu tố thuận lợi đó là đang trong thời đại dân số vàng và là nước đi sau dòng thác công nghiệp của khu vực và thế giới. Với hai thuận lợi đó, các nước đi trưóc như Nhật, Hàn Quốc đã kết hợp nguồn lực lao động phong phú với công nghệ du nhập từ nước ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa, nâng tỷ trọng công nghiệp trong GDP lên tới trên dưới 30%. Trong khi Việt Nam chỉ tăng lên điểm cao khoảng 20% và có khuynh hướng  giảm sau đó. Ở đây có hai yếu tố quan trọng cần đề cập đến, một là năng suất lao động, hai là cơ cấu công nghiệp thay đổi theo hướng ngày càng phát triển ngành có hàm lượng lao động thấp hơn. Mặc dù chưa biết yếu tố nào quan trọng hơn nhưng nếu so sánh Việt Nam với Indonesia hoặc Philippines, những nước có cơ cấu công nghiệp không khác Việt Nam nhiều, ta có thể nói năng suất lao động của Việt Nam khá thấp.
Bên cạnh đó, công nghiệp hóa Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào FDI song khu vực này không nối kết chặt chẽ với nền kinh tế quốc dân. Hiện, vốn FDI chiếm tới 50% sản lượng công nghiệp và 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong một số mặt hàng, vai trò của FDI trong xuất khẩu còn cao hơn nữa. Chẳng hạn xuất khẩu điện thoại di động tùy thuộc 100% vào FDI. Trong tổng nguồn vốn đầu tư của xã hội, kể cả vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng do Nhà nước thực hiện, tỷ lệ của FDI tại Việt Nam rất cao. Lũy kế tất cả các dự án đầu tư (từ năm 1988 đến cuối năm 2015), có tới 80% DN FDI và 100% vốn nước ngoài. Trong giai đoạn gần đây số dự án liên doanh còn ít hơn nữa. Trong giai đoạn đầu, Luật Đầu tư nước ngoài không cho phép 100% vốn nước ngoài nên FDI phải liên doanh với DN trong nước (thường là DN Nhà nước và bên Việt Nam không có vốn nên chỉ góp bằng tiền cho thuê đất, hầu hết tương đương 30% vốn pháp định của dự án FDI). Nhưng Luật Đầu tư lúc đó có những điều khoản vô lý (chẳng hạn quy định phải có sự nhất trí 100% trong hội đồng quản trị thì các quyết định về kinh doanh mới được thông qua) và người tham gia kinh doanh phía Việt Nam thường hành động như một quan chức chứ không phải là kinh doanh. Do đó, dần dần nước ngoài muốn đầu tư 100% vốn để tự mình quyết định kế hoạch kinh doanh, và Nhà nước Việt Nam cũng phải sửa luật để đáp ứng yêu cầu đó. Kết quả là các dự án FDI sau đó hầu hết là 100% vốn thì trong nước phải có nhiều DN có đủ tin cậy, có khả năng góp vốn và nhất là có các nguồn lực kinh doanh (managerial resources) để có thể hoạt động chung với DN nước ngoài. Nói chung dù là quốc doanh hay tư nhân, DN trong nước phải mạnh và có uy tín. Tư bản dân tộc yếu nên kết cuộc FDI dễ “làm chủ” trong nhiều lĩnh vực kinh tế Việt Nam.
Và những hệ lụy
Nhìn cơ cấu các quốc gia, các lãnh thổ đầu tư ở Việt Nam có thể thấy phần lớn DN FDI là những công ty của các nước thuộc thế hệ công nghiệp hóa thứ tư và có cả Malaysia và Trung Quốc là những nước thuộc thế hệ thứ năm, nghĩa là khoảng cách phát triển giữa họ với Việt Nam không lớn. Các dự án FDI của các nước thuộc thế hệ công nghiệp hóa thứ tư và thứ năm (chỉ kể 6 nước và vùng lãnh thổ nằm trong top 10 trong Biểu 6) chiếm tới 54% kim ngạch đầu tư lũy kế cho đến cuối năm 2015. Nếu kể cả các nước nằm ngoài top 10 (như Thái Lan chẳng hạn), tỷ lệ của thế hệ thứ tư và thứ năm càng lớn hơn nữa. Như đã nói, những công ty xuất phát từ những nước này hầu hết có lịch sử ngắn, nguồn lực kinh doanh, trách nhiệm xã hội nên chất lượng công nghệ di chuyển theo thường không cao và dễ gây va chạm tại nước mà họ đến đầu tư. Tại Việt Nam nhiều dự án FDI gây hậu quả nghiêm trọng về môi trường hoặc có quan hệ xấu với công nhân viên đều là những dự án của nước thuộc thế hệ công nghiệp hóa thứ tư hoặc thứ năm.
Trong 10 nước đầu tư nhiều nhất, chỉ có Nhật, quốc gia công nghiệp đầu tiên ở Á châu, là có vai trò đáng kể.
Hệ quả tất yếu là hàng công nghiệp sản xuất là xuất khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu là lắp ráp, gia công, chậm chuyển dịch lên các giai đoạn cao trong chuỗi giá trị toàn cầu. Gần đây linh kiện điện tử, linh kiện máy in, máy điện thoại di động bắt đầu sản xuất tại Việt Nam nhưng mới dừng lại ở những chủng loại, công đoạn có giá trị thấp và chủ yếu dùng lao động giản đơn. Nhiều cơ sở sản xuất lại do công ty nước ngoài đầu tư. Công nghiệp phụ trợ rất quan trọng nhưng thời gian gần đây mới có vài chính sách khuyến khích phát triển. Các công ty lắp ráp có vốn nước ngoài phải nhập khẩu linh kiện và các sản phẩm trung gian. Nói chung là chưa hình thành sự nối kết hàng dọc (vertical linkages) giữa FDI với công ty bản xứ, việc chuyển giao công nghệ từ FDI đến công ty bản xứ xem như rất yếu.
Thực trạng trên khiến nền kinh tế có sự phân hóa giữa hai khu vực: Khu vực FDI và khu vực DN trong nước. Đây là hiện tượng gây ra cơ cấu hai tầng (duaslim) làm cho kinh tế khó phát triển bền vững.
Ngoài ra, đặc trưng của quá trình chuyển sang kinh tế thị trường theo bước tuần tự theo kiểu Việt Nam, trong đó DN Nhà nước được ưu tiên tiếp cận các nguồn lực trong nước và cơ chế khuyến khích DN tư nhân phát triển chậm được cải thiện. Cho đến giai đoạn hiện nay còn quá nhiều DNNN được hưởng các ưu đãi về vốn, về đất và các nguồn lực khác. Hậu quả là đầu tư lãng phí, kém hiệu suất, trong khi DN tư nhân gặp khó khăn trong kinh doanh.
Hàng công nghiệp sản xuất là xuất khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu là lắp ráp, gia công, chậm chuyển dịch lên các giai đoạn cao trong chuỗi giá trị toàn cầu. Gần đây linh kiện điện tử, linh kiện máy in, máy điện thoại di động bắt đầu sản xuất tại Việt Nam nhưng mới dừng lại ở những chủng loại, công đoạn có giá trị thấp và chủ yếu dùng lao động giản đơn.
(Còn nữa)