Chính sách giá trần của G7 với dầu Nga thất bại vì Ấn Độ?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà máy lọc dầu tại Ấn Độ đang mua dầu mỏ Nga với giá trung bình 86 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 12/2022 - thời điểm phương Tây chính thức áp giá trần với dầu thô của Moscow.

Hai tàu chở dầu của Nga di chuyển qua Vịnh Laconia, Hy Lạp, ngày 19/9. Ảnh: Bloomberg
Hai tàu chở dầu của Nga di chuyển qua Vịnh Laconia, Hy Lạp, ngày 19/9. Ảnh: Bloomberg

Tờ Bloomberg ngày 11/10 đưa tin việc các khách hàng Ấn Độ mua dầu Nga kèm phí bảo hiểm ở mức giá cao kỷ lục đang thách thức biện pháp trần giá do phương Tây thực hiện nhằm hạn chế nguồn thu từ ngành năng lượng của Moscow.

Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, các nhà máy lọc dầu tại nước này đang nhập khẩu dầu Nga với mức trung bình 86 USD/thùng cho các lô hàng giao trong tháng 8. Đây là mức giá cao nhất của dầu Nga xuất khẩu sang Ấn Độ kể từ tháng 12/2022 - thời điểm biện pháp trần giá 60 USD/thùng của phương Tây đối với dầu Nga có hiệu lực.

Trước đó, Bloomberg hôm 28/9 cho biết giá dầu thô Nga trong tháng 9 ghi nhận tháng tăng thứ 3 liên tiếp vượt mức giá trần 60 USD/thùng của phương Tây.

Dữ liệu của công ty Argus Media Ltd. cho thấy dầu thô từ các cảng phía Tây của Nga tăng mạnh trong tháng 9. Theo đó, dầu Urals hàng đầu của Nga được giao dịch ở mức 85,35 USD/thùng từ cảng Primorsk ở Baltic và 86 USD/thùng từ cảng Novorossiysk ở Biển Đen.

Giới chuyên gia năng lượng lý giải, giá dầu thế giới, bao gồm cả dầu Urals của Moscow, tăng gần 30% trong quý 3 do nguồn cung thắt chặt sau khi Nga và Ả Rập Saudi tự nguyện cắt giảm sản lượng “vàng đen” ra thị trường toàn cầu.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen gần đây cảnh báo, Washington đang cân nhắc biện pháp trừng phạt đối với các hành vi “lách” chính sách trần giá của G7 đối với dầu mỏ Nga vì diễn biến giá dầu thế giới cho thấy cơ chế này không phát huy hiệu quả.

Trong khi đó, Ben Harris, cựu quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ và là một trong những kiến trúc sư của chính sách trần giá, cho biết G7 và EU cần phải tăng mức giá trần với dầu mỏ Nga đi kèm với giải pháp nhằm ngăn chặn hành vi “né” biện pháp hạn chế này.

Trong một diễn biến liên quan, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 11/10 cho biết, ngành năng lượng Nga vẫn giữ vững, thậm chí còn củng cố vững chắc hơn vị thế của nước này trên thị trường dầu mỏ thế giới bất chấp sức ép từ các nước phương Tây.

G7 cùng Liên minh châu Âu (EU) và Australia đã áp đặt cơ chế trần giá 60 USD/thùng đối với dầu của Nga vào tháng 12 năm ngoái. Sau đó, sang tháng 2 năm nay, G7 cùng các nước đồng minh tiếp tục áp trần giá 45 USD/thùng đối với nhiên liệu nặng và 100 USD/thùng với nhiên liệu nhẹ như xăng và dầu diesel của Nga.

Biện pháp trần giá với dầu Nga đã cấm các công ty vận tải, bảo hiểm và tái bảo hiểm phương Tây vận chuyển dầu của Nga trừ khi chúng được bán ở mức bằng hoặc thấp hơn giá trần. Một hạn chế tương tự đã được đưa ra vào tháng 2/2024 đối với việc xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Nga.

Hồi đầu tháng 9 vừa qua, Reuters đưa tin G7 vẫn chưa có kế hoạch xem xét điều chỉnh áp trần giá đối với dầu của Nga dù giá dầu thế giới tăng kỷ lục.

Ban đầu, các nước EU đồng ý xem xét lại mức trần giá 2 tháng một lần và điều chỉnh nếu cần thiết, trong khi phía G7 sẽ xem xét “khi phù hợp” bao gồm cả việc thực hiện và tuân thủ kế hoạch.

Tuy nhiên, G7 đã không xem xét mức trần giá đó kể từ tháng 3/2023. Bốn nguồn tin quen thuộc với các chính sách của G7 cho biết, nhóm này hiện chưa có kế hoạch xem xét điều chỉnh kế hoạch này ngay lập tức.

Ấn Độ và Trung Quốc trở thành những người mua dầu thô chính của Nga sau khi Moscow chuyển hướng xuất khẩu nhiên liệu khỏi phương Tây để đáp trả các lệnh trừng phạt.

Bên cạnh đó, các công ty năng lượng Nga cũng tìm được cách bán dầu thô bằng việc sử dụng nhiều tàu và dịch vụ bảo hiểm không thuộc phương Tây, khiến việc thực thi mức trần giá hiện tại gặp khó khăn khi các công ty cung cấp dịch vụ này nằm ngoài thẩm quyền của họ.

Theo Bloomberg, các tàu chở dầu được phương Tây bảo hiểm vẫn tiếp tục vận chuyển dầu của Nga bất chấp thực tế là  giá dầu Urals đã tăng vọt lên trên giới hạn 60 USD/thùng. Theo hãng tin này, khoảng 40% tàu chở dầu thô từ các cảng Baltic và Biển Đen của Nga được sở hữu hoặc bảo hiểm bởi các công ty có trụ sở tại các quốc gia đã đồng ý hỗ trợ trần giá.