Chính sách hỗ trợ đã “ngấm” vào doanh nghiệp

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Với quan điểm đồng hành, sát cánh cùng DN, thời gian qua Quốc hội, Chính phủ, cùng các Bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng cho DN. Chính sách đã “ngấm” vào DN, tạo động lực giúp DN bứt phá.

Nhiều giải pháp tháo gỡ, tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, tạo động lực giúp DN bứt phá. Ảnh: Thanh Hải
Nhiều giải pháp tháo gỡ, tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, tạo động lực giúp DN bứt phá. Ảnh: Thanh Hải

Nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi

Thời gian qua Chính phủ luôn lấy người dân, DN làm trung tâm phục vụ. Quốc hội, Chính phủ đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, thông qua các đạo luật quan trọng, ban hành hàng loạt quyết sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các thị trường đất đai, xây dựng, bất động sản, thị trường tín dụng…

Song song với đó, tiếp tục áp dụng các chính sách giãn, hoãn, giảm thuế, phí, chính sách tiền tệ đảo chiều từ thắt chặt sang nới lỏng, linh hoạt thông qua việc giảm lãi suất điều hành, cho phép cơ cấu lại nợ, triển khai các gói tín dụng ưu đãi, tăng khả năng tiếp cận vốn cho DN. Sau một thời gian, chính sách đã “ngấm” vào cuộc sống, giúp DN bứt tốc. DN và người dân cảm nhận được nỗ lực đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ.

Với sự chỉ đạo thường xuyên, liên tục của Chính phủ đã tạo áp lực thúc đẩy quá trình cải cách của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương. Từ đó, các hoạt động đối thoại DN, lắng nghe tiếng nói từ cộng đồng DN nhằm nắm bắt, tiếp thu những kiến nghị, phản hồi được thực hiện thường xuyên hơn.

 

Những năm gần đây, Quốc hội, Chính phủ đã quyết liệt đồng hành, tháo gỡ không ít rào cản về mặt thể chế, chính sách nhằm mở rộng không gian kinh tế, giảm chi phí không cần thiết cho DN. Các chính sách thuế đi vào cuộc sống đã góp phần làm giảm chi phí cho DN, giúp giảm giá thành sản phẩm, kích cầu tiêu dùng trong nước.

Ngoài ra, dòng tiền tín dụng cũng được khơi thông, hạ lãi suất, giúp DN tiếp cận nguồn vốn giá rẻ. Các chính sách hỗ trợ đã ngấm vào DN, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.

TS Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng thư ký
Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Theo đó, riêng trong năm 2023, về cải cách quy định, thủ tục hành chính đã cắt giảm 628 quy định kinh doanh tại 53 văn bản quy phạm pháp luật. Đã thực thi phương án đơn giản hóa 535/1.086 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thủ tục hành chính, đạt 49,26%. Đã đơn giản hóa 147 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; thực thi phương án phân cấp 86 thủ tục hành chính tại 26 văn bản quy phạm pháp luật.
Nhiều chính sách đi rất nhanh vào thực tế, có hiệu lực ngay với DN, đặc biệt là chính sách tài khóa, giãn, giảm thuế, số đông DN được hưởng lợi và công bằng.

Công ty cổ phần Prime Yên Bình (Vĩnh Phúc) là DN được thụ hưởng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8%. Nhờ việc giảm thuế này, DN đã tiết kiệm chi phí hàng tỷ đồng mỗi năm. Phó Giám đốc Công ty cổ phần Prime Yên Bình Nguyễn Hải Đăng cho biết, nhờ có nguồn tiền này, công ty đã đầu tư vào cải tiến thiết bị, từ đó, giảm chi phí giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, khi thuế VAT giảm thì giá thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng sẽ hạ, khả năng mua và sử dụng tăng lên thì sản lượng cũng sẽ ổn định.

Năm 2024, Công ty CP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico) dự kiến trình cổ đông thông qua các chỉ tiêu kinh doanh chính: sản lượng tiêu thụ đạt 36.595 xe; doanh thu đạt 24.230 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với mức thực hiện năm 2023; lợi nhuận sau thuế đạt 124,9 tỷ đồng, tăng trưởng 181% so với mức thực hiện của năm 2023; chia cổ tức tỷ lệ 5%.

Chia sẻ về kế hoạch này, lãnh đạo Savico cho biết, Ban điều hành, HĐQT đã nghiên cứu thị trường và dự đoán thị trường ô tô năm nay sẽ tăng trưởng 5-7% so với năm 2023. Theo đại diện Savico, việc giảm thuế VAT 2% đang áp dụng là thông tin có lợi.

Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức thấp trong thời gian tới, hạ tầng giao thông với dự án cao tốc Bắc - Nam đang được triển khai với sự quan tâm thúc đẩy của Chính phủ, từ đó nhu cầu mua ô tô của thị trường sẽ tiếp tục tăng. Đây là cơ hội rất lớn cho thị trường trong mục tiêu dài hạn.

Theo số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, số lượng DN đăng ký thành lập mới năm 2023 đạt 159.294 DN, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022, lần đầu tiên chạm mức kỷ lục. Trong quý I/2024 có 36.244 DN đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký đạt 332.175 tỷ đồng, tăng 6,9% về số lượng DN thành lập mới và tăng 7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023. Vốn đăng ký bình quân trên mỗi DN đạt 9,2 tỷ đồng, tăng 0,1%.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng đánh giá, thời gian qua, DN được hưởng lợi rất nhiều từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương. Qua việc giãn, giảm thuế sẽ giúp DN có nguồn tài chính để nhập nhiều hàng hóa hơn, cũng như thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động.

Đặc biệt, khi DN phát triển, nền kinh tế sẽ phát triển, qua đó nuôi dưỡng nguồn thu ổn định cho ngân sách. Đồng thời, đảm bảo chính sách an sinh xã hội, khuyến khích động viên người lao động nâng cao năng suất, hiệu quả. quý đầu của năm 2024, kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả khả quan và đang dần lấy lại đà tăng trưởng.

Mong muốn kéo dài thời gian hỗ trợ

Các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.Trong bối cảnh đó, để hỗ trợ DN phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, ngày 5/1/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024; Nghị quyết 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ DN chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh thông tin, theo thống kê, hiện nay DN nhỏ và vừa đang đối mặt với 5 khó khăn, bao gồm: thiếu đơn hàng là 52%; thiếu tiếp cận vốn là 32%; thủ tục hành chính còn rườm rà là 25%; Lo ngại hình sự hóa trong hoạt động kinh tế: 9%; thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học công nghệ là 41%.

Do đó, cần tập trung khơi thông các điểm thiếu sót nêu trên. Cụ thể, mở rộng thị trường xuất khẩu để khơi thông các đơn hàng. Khơi thông nguồn vốn bằng cách giải quyết các vấn đề về trái phiếu, vốn ngân hàng, các nguồn vốn từ các quỹ còn chưa hiệu quả. Đồng thời rà soát, tháo gỡ các thủ tục hành chính còn rườm rà; có biện pháp củng cố hơn nữa niềm tin của cộng đồng DN và giới đầu tư tư nhân; khơi thông nguồn nhân lực chất lượng cao.

Để DN vượt qua khó khăn, tận dụng thời cơ, phục hồi và phát triển nhanh, bền vững, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng, cần tiếp tục đẩy nhanh cải cách môi trường kinh doanh, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính, đặc biệt là theo những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.

 

Chính phủ cần tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện các chính sách hỗ trợ, đồng thời xây dựng đội ngũ DN lớn, các “sếu đầu đàn” hùng mạnh để có thể tăng cường sức cạnh tranh trên sân chơi toàn cầu; từ đó tạo bệ đỡ hỗ trợ, dẫn dắt DN nhỏ và vừa trong nước tham gia mạnh mẽ hơn vào cuộc chơi toàn cầu.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh