Chính sách không tốt sẽ lỡ cơ hội phát triển kinh tế

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh các công nghệ mới phát triển ngày càng nhanh trong cuộc cách mạng 4.0, nhiều hiện tượng kinh tế- xã hội mới xuất hiện, điển hình là trên thị trường vận chuyển.

Với sự xuất hiện của các công nghệ như Uber/Grab, loại hình xe hợp đồng điện tử đã tham gia tích cực và làm thay đổi môi trường hoạt động cũng như phúc lợi của xã hội. Tuy nhiên, tại các thành phố lớn của Việt Nam, đang xuất hiện xu thế đưa ra các quy hoạch hay chính sách mang tính phản ứng đối với các hiện tượng mới này. Cụ thể là quan điểm hạn chế số lượng (cấp hạn ngạch) đối với xe hợp đồng điện tử để giảm thiểu tắc nghẽn giao thông và ngăn chặn gián đoạn ngành taxi truyền thống.

  Các diễn giả đang trao đổi tại cuộc tọa đàm khoa học.

Tại cuộc tọa đàm khoa học "Chính sách quy hoạch giao thông đô thị trong kỷ nguyên số" diễn ra ngày 8/9 tại Hà Nội, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, việc kiểm tra, kiểm soát thuế của xe hợp đồng điện tử như Uber, Grab là dễ dàng vì rất minh bạch. Trong khi đó, taxi truyền thống nộp thuế theo kỳ hạn, có khi chậm, nợ...

TS. Nguyễn Đức Thành cũng nêu quan điểm: Có người cho rằng khi xuất hiện Uber thì lượng xe sẽ nhiều hơn, điều này không đúng. Trên thực tế, khi nhiều người chọn đi xe Uber và từ bỏ phương tiện khác (có thể là xe máy, có thể là ô tô riêng, cũng có thể là taxi truyền thống...). Vì thế, một chiếc xe Uber vận hành thì hàm ý rằng ít nhất một loại phương tiện khác tạm dừng. Cho nên, TS. Thành đánh giá: việc hạn chế xe Uber với mục đích làm giảm ùn tắc giao thông là không hợp lý. Thay vì hạn chế xe hợp đồng điện tử, lẽ ra phải đẩy taxi truyền thống phát triển lên một bước mới - ứng dụng công nghệ để giành lại thị phần.

Trong khi đó, ông Đặng Quang Vinh (CIEM) cho rằng, câu chuyện taxi đã được đề cập đến trong thảo luận chính sách từ 2012 để quản lý loại hình này như: taxi sơn chung một màu, quản lý chặt hơn về giá, bắt taxi phải giảm giá khi giá xăng giảm… Hiện tượng mới xuất hiện là dịch vụ vận chuyển có tính chất giống taxi dựa trên nền tảng công nghệ giúp người sử dụng dịch vụ biết trước giá, thông tin của nhau mang lại lợi ích: giá thấp hơn, chất lượng cao hơn, độ an toàn, tin cậy cao hơn. “Mục tiêu của Nhà nước là cân bằng sự phát triển có những quy định đảm bảo bên này không lạm dụng sức mạnh gây hại cho bên kia. Cách thức quản lý về mặt chính sách mới cho phép thử nghiệm hiện đại điện tử Uber, Grab nhưng một số địa phương đã có phản ứng tiêu cực” – vị này nói. Đồng thời cho rằng, sự phản ứng này chưa dựa trên sự nhận thức đầy đủ, thấu đáo cho lợi ích của cả nền kinh tế cần đánh giá chi tiết hơn để có chính sách tốt nhất trong bối cảnh hội nhâp kinh tế. Chỉ thị của Thủ tướng về việc chuẩn bị công nghệ CN 4.0 ở Việt Nam, nếu chính quyền các cấp không có sự lựa chọn chính sách cẩn trọng sẽ bỏ lỡ những chủ trương tốt và bỏ lỡ cơ hội việc làm, thúc đẩy tiêu dùng.