Chính thức dỡ trần khuyến mại 50%

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Nghị định 81/2018/NĐ-CP vừa được ban hành có hiệu lực từ 15/7/2018, DN được khuyến mại, giảm giá 100% giá trị hàng hóa, dịch vụ, thay vì mức trần 50% như trước đây.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/7/2018. Nghị định này quy định hạn mức khuyến mại, giảm giá của hàng hóa, dịch vụ như sau:

Trong trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung (giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại, giảm giá) thì được khuyến mại, giảm giá 100% giá trị hàng hóa, dịch vụ.

Hạn mức khuyến mại, giảm giá 100% cũng được áp dụng với các hoạt động khuyến mại trong khuôn khổ chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng quyết định.

Ngoài trường hợp nêu trên, hạn mức khuyến mại, giảm giá không được vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại trước thời gian khuyến mại.

Cũng theo Nghị định này, không áp dụng hạn mức giảm giá tối đa khi thực hiện khuyến mại giảm giá cho: Hàng hóa dịch vụ khi thực hiện chính sách bình ổn giá của nhà nước; hàng thực phẩm tươi sống; hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp giải thể, phá sản, thay đổi địa điểm, ngành nghề sản xuất kinh doanh.

Quy định mới nói trên được coi là một bước tiến dài so với quy định hiện hành và dự thảo trước đây.

Cụ thể, dự thảo trước đây đề xuất: “Thương nhân có thể giảm giá tối đa 70% trong các trường hợp khuyến mãi theo các chương trình tập trung (tháng khuyến mãi, mùa khuyến mãi, tuần lễ khuyến mãi, ngày khuyến mãi…) do Nhà nước chủ trì tổ chức hoặc khuyến mãi theo các chương trình xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ, UBND cấp tỉnh quy định. Đối với các trường hợp khuyến mãi khác vẫn duy trì hạn mức tối đa là 50% như hiện nay”.

Theo các doanh nghiệp, hạn mức tối đa 50% là bất hợp lý và không thực tế nhưng đã tồn tại hơn 10 năm qua. Quy định này bó buộc doanh nghiệp không thể bán hàng để thu hồi vốn trong những thời điểm như kinh tế khó khăn, sức mua của người tiêu dùng xuống thấp, hàng hóa tồn kho cao, dòng tiền bị ngưng trệ. Trong khi đó, cơ quan quản lý thì gặp khó trong việc thực thi.