Chính thức thông qua Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021

Khang Nhi-Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 9/6, với tỷ lệ 440/442 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 91,10% tổng số đại biểu Quốc hội), Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021 đã chính thức được Quốc hội thông qua.

Trình bày báo báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn Phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021. Đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với các nội dung trong dự thảo Nghị quyết; đồng thời đóng góp một số ý kiến cụ thể. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình như sau:

Đối với nội dung Dự thảo Nghị quyết, có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung xem xét các báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ nêu rõ, nội dung về xem xét báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 đã được Quốc hội quyết định đưa vào Chương trình giám sát của năm 2020, theo đó sẽ trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 10. Về việc xem xét báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, ý kiến của đại biểu Quốc hội là phù hợp. Tuy nhiên, nội dung này sẽ được Quốc hội thảo luận, góp ý kiến cùng với văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (dự kiến tại kỳ họp thứ 10). Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho giữ như dự thảo.

Có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 11 việc xem xét báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề trong nhiệm kỳ khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra rằng, việc xem xét kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề trong nhiệm kỳ khóa XIV đã được Quốc hội quyết định đưa vào Chương trình giám sát năm 2020; theo đó, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ đánh giá toàn diện việc thực hiện của các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

 Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021 trước khi biểu quyết thông qua.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bổ sung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 11 việc xem xét các báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020; đề nghị rút việc xem xét báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 tại kỳ họp thứ 11; đồng thời, bổ sung việc xem xét báo cáo về nội dung này năm 2021 vào kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV nhằm thực hiện đúng quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (điểm a khoản 2 Điều 13).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được báo cáo như sau, hàng năm, Chính phủ đều có báo cáo riêng trình Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nội dung này đượcthảo luận tại các phiên họp về công tác tư pháp và tình hình kinh tế-xã hội; hơn nữa, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội sẽ thảo luận báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳcủa các cơ quan, trong đó bao gồm các nội dung mà đại biểu đề xuất. Vì vậy, xin phép không bổ sung các báo cáo này vào chương trình giám sát năm 2021.

Về thời điểm trình báo cáo hàng năm của Chính phủ liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, ý kiến của đại biểu là đúng với quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, báo cáo này được trình Quốc hội tại kỳ họp giữa năm (khoản 4 Điều 67); đồng thời, đểbảo đảm sự cân đối, hài hòa giữa các nội dung của 2 kỳ họp, đề nghị Quốc hội cho phép Chính phủ báo cáo nội dung này tại kỳ họp giữa năm như thông lệ đã thực hiện tại các kỳ họp trước đây.

 Toàn cảnh buổi họp.

Đồng thời, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung trình Quốc hội khóa XV xem xét báo cáo đánh giá về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại kỳ họp thứ nhất. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, thời gian qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nước ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng, thực hiện nhiệm vụ “kép”, vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân vừa duy trì sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội. Hơn nữa, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo trình Quốc hội về kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các giải pháp khắc phục kinh tế từ nay đến cuối năm 2020. Căn cứ tình hình thực tế dịch bệnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội về công tác phòng, chống dịch Covid-19vào thời điểm thích hợp; do đó, xin phép Quốc hội không đưa nội dung này vào Nghị quyết.

Cũng có ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc việc Quốc hội khóa XV xem xét báo cáo về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, vì cho rằng nội dung này quá rộng, mang tính tổng kết trong khi vừa mới kết thúc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa mới. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy nội dung này đã được đánh giá kỹ trong các báo cáo hàng năm gửi đến các vị đại biểu Quốc hội cũng như trong báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ của Chính phủ dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 11. Do vậy, trong bối cảnh Quốc hội khóa XV vừa mới bước vào hoạt động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, không đưa nội dung xem xét báo cáo về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội vào Chương trình giám sát năm 2021.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ, ngoài những nội dung trên, về kỹ thuật lập pháp, các ý kiến góp ý cụ thể về câu, chữ, kỹ thuật văn bản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý như trong dự thảo Nghị quyết./.