Chịu áp lực từ dịch COVID-19 lây lan rộng, giá dầu có tuần sụt mạnh nhất hơn 10 năm

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu ngọt nhẹ WTI chốt phiên cuối tuần giảm còn 44,76 USD/thùng, lao dốc 16% trong tuần và ghi nhận tuần lao dốc mạnh nhất kể từ tháng 12/2008.

Giá dầu mỏ thế giới giảm sâu trong cả 5 phiên giao dịch của tuần này, đẩy thị trường năng lượng chứng kiến tuần giảm mạnh nhất trong hơn 1 thập kỷ, giữa bối cảnh sự lây lan nhanh của dịch bệnh COVID-19 bên ngoài Trung Quốc đại lục khiến các thương nhân thêm lo ngại về những tác động đối với nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
Trong phiên giao dịch ngày 24/2, giá dầu thế giới hạ gần 4%. Nhà phân tích năng lượng Eugen Weinberg của Commerzbank Research nhận định nhu cầu đối với các tài sản rủi ro có vẻ đang tăng trở lại.
Giá dầu mỏ tiếp tục chứng kiến đà đi xuống trong những phiên giao dịch sau đó, khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết dự trữ dầu thô thương mại của nước này trong tuần kết thúc ngày 21/2 tăng 500.000 thùng so với tuần trước đó.
 Giá dầu thế giới có tuần giảm mạnh nhất hơn một thập kỷ.
Thị trường “vàng đen” tiếp tục lao dốc mạnh khi chốt phiên 28/2, trong đó giá dầu WTI lao dốc hơn 16% tính chung trong tuần, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất trong hơn 11 năm, với sự lây lan dịch COVID-19 trên thế giới được dự báo sẽ làm giảm đáng kể nhu cầu dầu thô toàn cầu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/2, giá dầu ngọt nhẹ WTI giao tháng 4 trên sàn Nymex hạ 2,33 USD (tương đương khoảng 4,9%) còn 44,76 USD/thùng, nâng tổng mức lao dốc trong tuần lên hơn 16%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 19/12/2008, theo dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy. Trong tháng qua, giá mặt hàng dầu này đã giảm 13%.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 4 trên sàn London sụt 1,66 USD (tương đương 3,2%) xuống 50,74 USD/thùng và lao dốc gần 14% từ đầu tuần đến nay, ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 15/1/2016. Giá dầu Brent cũng sụt hơn 13% trong tháng 2.
Cả 2 mặt hàng dầu Brent và dầu WTI đều khép phiên tại mức thấp nhất kể từ tháng 12/2018.
Các chuyên gia phân tích cho rằng đà sụt giảm mạnh càng làm tăng áp lực lên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đồng minh, còn gọi là nhóm OPEC+, khi họ chuẩn bị tổ chức cuộc họp vào tuần tới để thảo luận về khả năng cắt giảm thêm sản lượng nhằm cân bằng cung cầu. Nhóm OPEC+ sẽ nhóm họp về chính sách sản lượng ở Vienna (Áo) từ ngày 5-6/3/2020.
“Nga đã đưa ra nhiều ý kiến ủng hộ muộn hơn, trong khi Ả Rập Saudi đã tuyên bố đồng ý việc cắt giảm sâu hơn để hạn chế tác động của dịch COVID-19 đối với nhu cầu” – chuyên gia hàng hóa cấp caoi Robbie Frase tại Schneider Electric, nhận định. “Ả  Rập Saudi cũng thông báo cắt giảm xuất khẩu sang Trung Quốc 500.000 thùng/ngày, mặc dù con số đó chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng nhu cầu bị mất”.
Các báo cáo mới công bố ngày 28/2 cho hay các thành viên OPEC chủ chốt đang tìm kiếm ủng hộ cho việc cắt giảm sản lượng nhiều hơn dự kiến trước đó.
Một ủy ban kỹ thuật của nhóm OPEC+ trước đó đã khuyến nghị mở rộng cắt giảm hiện tại là 1,7 triệu thùng/ngày đến cuối năm, và đề xuất thực hiện cắt giảm thêm sản lượng cho đến cuối quý II/2020.
Nhóm OPEC+ đã cắt giảm sản lượng dầu trong những năm gần đây để hỗ trợ giá “vàng đen”. Hồi tháng 12/2019, các nước OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu thêm 500.000 thùng/ngày, nâng tổng mức cắt giảm sản lượng lên 1,7 triệu thùng/ngày./.