Chờ đợi đột phá của đăng kiểm sau phân cấp phân quyền cho các địa phương

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc phân cấp phân quyền gắn với thanh tra, kiểm soát chặt hoạt động đăng kiểm cho các địa phương được kỳ vọng sẽ giúp ngành đăng kiểm thay đổi mạnh mẽ trong thời gian tới.

Các trung tâm đăng kiểm được giảm tải khác nhiều nhờ những giải pháp "giải cứu" trong thời gian qua.
Các trung tâm đăng kiểm được giảm tải khác nhiều nhờ những giải pháp "giải cứu" trong thời gian qua.

Đăng kiểm lại được “tiếp sức”

Nghị định 30/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới đã chính thức có hiệu lực từ ngày 8/6 vừa qua. Một trong những nội dung quan trọng trong nghị định này là phân cấp quản lý theo hướng quy định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước, thanh tra, kiểm tra, giám sát của UBND, Sở GTVT các tỉnh, TP.

Giới chuyên gia nhìn nhận, đây có thể sẽ là một cú hích tiếp theo giúp ngành đăng kiểm thay đổi và vượt qua khó khăn. Trước đó, cú hích đầu tiên đến từ việc tự động gia hạn đăng kiểm cho ô tô không kinh doanh đến 9 chỗ đã và đang mang tới những hiệu ứng rất tích cực.

Theo Nghị định 30, Sở GTVT các địa phương được giao trách nhiệm tổ chức quản lý hoạt động kiểm định xe cơ giới; thanh tra kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc thực hiện quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới và quy định của pháp luật liên quan khác trên địa bàn. Đồng thời, Sở GTVT các địa phương cũng sẽ là đơn vị thực hiện cấp, cấp lại, tạm đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới; kiểm tra, đánh giá việc duy trì điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và hoạt động kiểm định.

Các đơn vị đăng kiểm được cấp, tạm đình chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe giới; danh sách đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ thuộc phạm vi quản lý cũng sẽ được Sở GTVT các địa phương thông báo (bằng văn bản hoặc thông qua chương trình phần mềm) kết quả thực hiện các nội dung quy định trên đến Cục Đăng kiểm Việt Nam và công bố danh sách trên Trang thông tin điện tử của mình.

Các địa phương sẽ có thời gian chuẩn bị từ giờ đến hết năm 2025 trước khi chính thức thực hiện các nhiệm vụ trên. Trong thời gian các địa phương chuẩn bị, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới, đánh giá duy trì  điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, hoạt động của đơn vị đăng kiểm khi Sở GTVT chưa thực hiện được và có văn bản đề nghị.

Phân cấp, phân quyền quản lý công tác đăng kiểm cho các địa phương phải gắn chặt với thanh tra, kiểm tra, kiểm soát.
Phân cấp, phân quyền quản lý công tác đăng kiểm cho các địa phương phải gắn chặt với thanh tra, kiểm tra, kiểm soát.

Giao quyền nhưng phải giám sát chặt

Trên thực tế, tầm quan trọng của việc phân cấp, phân quyền gắn với thanh tra, kiểm soát chặt hoạt động đăng kiểm cho các địa phương đã được nhắc đến rất nhiều trong thời gian qua, đặc biệt là sau vụ bê bối xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định, quá trình tìm hiểu tiêu cực trong đăng kiểm xe cơ giới xảy ra vừa qua, ông nhận thấy, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho Sở GTVT các địa phương nhưng không đi cùng với giám sát, kiểm tra.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, việc nở rộ các trung tâm đăng kiểm, một số địa phương cho thành lập trung tâm đăng kiểm vô tội vạ đã dẫn đến việc một số trung tâm đăng kiểm không đủ doanh thu để bù đắp chi phí, từ đó, xảy ra tình trạng lôi kéo các phương tiện vận tải đến thực hiện đăng kiểm và gây ra những tình huống tiêu cực như du di bỏ qua lỗi không đạt. Thậm chí, còn có hành vi dung túng, thông đồng cùng các chủ phương tiện để cơi nới và kiểm định cho phương tiện cơi nới.

Để giải quyết được vấn đề trên, người đứng đầu Bộ GTVT nhấn mạnh cần thực hiện phân cấp, phân quyền công tác quản lý hoạt động kiểm định xe cơ giới cho các địa phương đi đôi với việc siết chặt kiểm tra, song song với các giải pháp liên quan đến con người, ứng dụng công nghệ. Đây sẽ là giải pháp tốt nhất để nâng cao công tác quản lý cũng như ngăn chặn tiêu cực trong hoạt động đăng kiểm.

TS Nguyễn Xuân Thủy – Chuyên gia giao thông cho rằng, công tác “giải cứu” ngành đăng kiểm đang đi đúng hướng, đó chính là tháo gỡ từ cơ chế, chính sách. “Cơ chế, chính sách đang là nút thắt lớn nhất đối với ngành đăng kiểm. Thế nên, muốn “giải cứu” được ngành đăng kiểm thì phải bắt đầu từ việc tháo gỡ những nút thắt đó” – TS Nguyễn Xuân Thủy nói.

Theo chuyên gia giao thông này, trong thời gian qua, nhiều chính sách quan trọng ra đời đã và đang giúp đăng kiểm từng bước vượt qua được khó khăn. Có thể kể đến là Thông tư 02 với điểm nhấn quan trọng là cho phép giãn cách chu kỳ đăng kiểm đối với một số phương tiện cơ giới. Mới đây, việc tự động gia hạn đăng kiểm đối với ô tô cá nhân đến 9 chỗ cũng góp phần giảm tải cho các trung tâm đăng kiểm một cách đáng kể.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền đánh giá, sự ra đời của Nghị định 30 với điểm nhấn là phân cấp, phân quyền công tác quản lý hoạt động đăng kiểm cho Sở GTVT các tỉnh, TP sẽ giúp nêu cao vai trò quản lý của các địa phương.

“Khi một doanh nghiệp muốn mở trung tâm đăng kiểm, Sở GTVT địa phương sẽ có trách nhiệm trong việc rà soát, xem xét việc có cần thiết mở thêm trung tâm đăng kiểm trên địa bàn đó hay không, vị trí đặt trạm có phù hợp không, để đảm bảo các đơn vị đăng kiểm hoạt động trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, cùng phát triển” – ông Nguyễn Văn Quyền nói.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Sở GTVT các địa phương có lợi thế là nắm rõ quy mô phương tiện, khả năng gia tăng mỗi giai đoạn, lại có lực lượng Thanh tra có đủ thẩm quyền để thanh tra, phát hiện tồn tại và có chế tài xử lý kịp thời, đủ sức răn đe. Trong khi đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam lại chưa có chức năng thanh tra chuyên ngành. Do đó, việc phân cấp phân quyền gắn với thanh tra, kiểm soát chặt hoạt động đăng kiểm cho Sở GTVT các địa phương là chính xác và phù hợp bởi vừa giúp quản lý chặt chẽ hơn hoạt động kiểm định xe cơ giới vừa góp phần nâng cao an toàn phương tiện và bảo vệ tính mạng con người.

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, công tác kiểm tra đối với hoạt động đăng kiểm mà Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện vẫn chưa thật sự phát huy được hiệu quả. Các chuyên gia cho rằng, muốn đảm bảo được hiệu quả giám sát, thanh tra trong lĩnh vực đăng kiểm, cần một đơn vị có đầy đủ công cụ pháp lý, đó là có thẩm quyền, chức năng thực hiện thanh tra và có lực lượng thanh tra. Cả hai điều này, Sở GTVT các địa phương đều có.

 

Nghị định 30 cũng quy định tạm đình chỉ 3 tháng đối với trung tâm đăng kiểm và thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên nếu đưa ra các yêu cầu hoặc ban hành các thủ tục không có trong quy định do Bộ GTVT ban hành về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân; từ chối cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới trái quy định của pháp luật.