Chờ hướng mới gỡ vướng “room” nước ngoài

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 3 năm thực hiện Nghị định 60/2015/NĐ-CP, câu chuyện nới room tới 100% cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tại các DN vẫn chưa giải quyết được.

 Sản xuất linh kiện điện tại Công ty SamSung Việt Nam. Ảnh: Đức Tám
Điều này đòi hỏi Chính phủ cần sớm đánh giá, có giải pháp gỡ vướng trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng.
Vẫn chờ lời giải khả thi

Theo quy định, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại trong ngành ngân hàng là 30%, các ngành khác là 49%. Với các DN có 51% vốn ngoại trở lên sẽ không được kinh doanh một số ngành nghề như phân phối lúa gạo, đường mía, thuốc lá, dầu thô, dược phẩm, đưa người Việt Nam đi làm việc nước ngoài… Chưa kể, nếu DN kinh doanh nhiều ngành nghề và trong đó có ngành nghề thuộc loại hạn chế với NĐTNN thì điều kiện áp dụng riêng về tỷ lệ sở hữu, hình thức đầu tư.

Cụ thể, nếu tỷ lệ sở hữu của NĐTNN trên 51% thì được coi là công ty nước ngoài. Theo đó DN phải đáp ứng các thủ tục đầu tư theo quy định đối với NĐTNN khi thực hiện các hoạt động đầu tư góp vốn, mua cổ phần tại TTCK Việt Nam. Ngoài ra, khi tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại từ 51% vốn, DN còn chịu sự ràng buộc về các khoản đầu tư. Đây chính là lý do khiến DN niêm yết không mấy “mặn mà” với việc nới room cho NĐTNN.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2019, Chủ tịch Dragon Capital Dominic Scriven chia sẻ, vấn đề nới room chiếm 80% bức xúc của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc. Chủ tịch Dragon Capital cũng kiến nghị Chính phủ nên xem xét lại điều 23 của Luật Đầu tư liên quan đến việc các DN Việt Nam có sở hữu nước ngoài trên 51% thì xem là DN ngoại. Đây là điều không phù hợp, tạo ra cạnh tranh không công bằng cho các DN. “Đối với khối ngân hàng, hiện nhiều ngân hàng thương mại đang nỗ lực tăng vốn, do đó chúng tôi kiến nghị Chính phủ cho phép các ngân hàng mở room ngoại từ 30% lên 49%" - Chủ tịch Dragon Capital cho hay.
Điều gì xảy ra khi khối ngoại mua hết “tỷ lệ được phép nắm giữ”?

Mục đích của quy định trên là tránh việc NĐTNN thâu tóm các DN Việt Nam. Ông Lê Anh Tuấn - Kinh tế trưởng, Phó Tổng Giám đốc đầu tư, Quỹ đầu tư Dragon Capital chia sẻ: "Từ trước đến nay cứ nói DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam là xấu, là mất thương hiệu. Đây là một quan điểm đánh đồng, NĐTNN có thể là riêng lẻ và họ có chiến lược, quan điểm khác nhau. Đừng đánh đồng DN nước ngoài M&A là thâu tóm, thù địch".

Theo ông Tuấn, trên thực tế, ngay cả ở thị trường Thái Lan và một số nước khác cũng chưa nước nào bị ảnh hưởng đến thị trường bởi việc nới room. Do đó, lo ngại thâu tóm từ bây giờ thì hơi thái quá.

Chia sẻ quan điểm này, TS Nguyễn Thành Long - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho rằng: "Không phải thâu tóm hiểu theo nghĩa tiêu cực. Thâu tóm bình thường chỉ là hoạt động tập trung kinh tế, tạo sức cạnh tranh. Trong khi đó, thâu tóm theo nghĩa tiêu cực là thâu tóm thù nghịch đó là việc bán tài sản lớn mà Đại hội đồng cổ đông không biết".

Tuy nhiên, theo ông Long, theo quy định, Đại hội đồng cổ đông sẽ là người quyết định mức độ tham gia của NĐTNN ở mức độ nào. Bên cạnh đó, nếu NĐTNN mua trên 25% vốn của một DN thì đã phải thực hiện chào mua công khai về giá, thời gian mua.

Dù câu chuyện nới room đã được bàn đến từ khá lâu nhưng vẫn luôn được giới đầu tư quan tâm, nghe ngóng, đặc biệt Chính phủ đang trong giai đoạn nghiên cứu sửa đổi cả Luật Đầu tư và Luật Chứng khoán, nên đây là cơ hội thuận lợi nhất định hình lại bài toán về room. Có thể nhìn thấy một số ảnh hưởng thực tế khi NĐT ngoại tham gia và nội như: tính minh bạch và hiệu quả của DN sẽ cải thiện dần theo thời gian; các DN sẽ được hỗ trợ xây dựng chiến lược phát triển mang tính toàn cầu hơn, tham gia mạnh hơn vào chuỗi sản xuất ở nhiều tập đoàn lớn.