Chờ luật thuế được sửa

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luật thuế Thu nhập cá nhân hiện hành ra đời vào năm 2007 và sửa đổi một lần vào năm 2012.

Nghĩa là, đạo luật này vẫn đang áp dụng cách hiểu và nguyên tắc của 12 năm về trước lên cuộc sống hiện tại. Trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tục tăng thì các mức đánh thuế cũng như giảm trừ gia cảnh vẫn đứng yên không nhúc nhích.
Cuối cùng thì đại diện Vụ quản lý thuế TNCN - Tổng cục Thuế cũng thừa nhận, sau nhiều năm triển khai, nhiều quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã không còn phù hợp, cần phải sửa đổi.
Cụ thể, trong khi chỉ số giá tiêu dùng biến động ở mức cao hơn 20%, chi phí sinh hoạt ngày một đắt đỏ hơn nhưng mức giảm trừ gia cảnh vẫn đứng yên. Nếu như năm 2013, CPI tăng 6,03%; năm 2014 tăng 4,09%; năm 2015 tăng 0,63%; năm 2016 tăng 4,74%; năm 2017 tăng 3,53%; 8 tháng đầu năm 2018 tăng 2,59%; dự kiến, năm 2019, CPI tăng khoảng 4%.
Nghĩa là sau 6 năm Luật thuế TNCN có hiệu lực, CPI sẽ tăng khoảng 23% và phải điều chỉnh ngưỡng thu nhập chịu thuế theo quy định của luật. Do vậy Luật thuế TNCN hiện hành rất cần phải sửa đổi.
Theo các chuyên gia, sự lạc hậu, không chỉ ở con số “cứng” giảm trừ gia cảnh 3,6 triệu mà còn biểu hiện ở cách mà luật này đưa ra các ngưỡng thu nhập chịu thuế, với những con số cố định như thu nhập 5 triệu đồng/tháng, từ 5 triệu - 10 triệu đồng/tháng…
Trong khi lạm phát, đồng tiền mất giá tính theo hàng năm thì thu nhập đạt ngưỡng chịu thuế lại được ấn định trong nhiều năm, dẫn tới hệ quả là thu nhập thực tế mà người nộp thuế giữ lại ngày càng trở nên ít hơn và giảm dần theo hàng năm.
Về mặt nguyên tắc, thu nhập chịu thuế phải có sự biến thiên theo hướng tỷ lệ thuận với mức độ lạm phát, nhưng sự lạc hậu của Luật Thuế TNCN là đang đưa ra một sự chốt cứng, dẫn tới thu nhập thực tế bị nghịch đảo với lạm phát.
Vì thế, nếu chỉ đề xuất sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh là chưa đủ. Và Luật sửa đổi liệu có “vừa sửa, vừa chạy” theo thực tế cuộc sống như hiện tại hay không là điều mà dư luận có quyền đặt câu hỏi? Ngoài ra, câu chuyện điều chỉnh “chạy đuổi” theo dư luận, theo thực tế với những đề xuất sửa đổi lắt nhắt cũng sẽ dẫn đến tình trạng chưa sửa xong, các quy định đã lạc hậu.
Rõ ràng, cơ quan soạn thảo luật, thực thi chính sách thuế cần phải rà soát, xem xét để đưa ra những đề xuất sửa đổi “mềm” hơn, thực tế hơn, để người dân không phải “méo mặt” chờ được Luật sửa, thì thuế đã đóng oằn vai.
Được biết, hiện, Vụ Chính sách thuế đang chủ trì báo cáo Bộ Tài chính về vấn đề này. Sau đó, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ cho ý kiến trước khi trình ra Quốc hội.