Chờ một bước đột phá

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một quy định riêng về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực và tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình một cách hợp lý (tài sản bất minh) vừa được bổ sung vào Dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) để xin ý kiến, nhận được nhiều quan tâm của dư luận.

Vẫn còn những quan điểm khác nhau về cách xử lý với tài sản bất minh, nhưng trên hết đều cho rằng, rất cần có những quy định tạo hành lang pháp lý cho việc minh bạch nguồn gốc tài sản.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Như nhiều ý kiến nhận định, một trong những điều khó khăn nhất của công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) là kiểm soát tài sản. Đây cũng là một trong các hạn chế của luật hiện hành. Việc thiếu quy định về xử lý tài sản bất minh là nguyên nhân dẫn đến hiệu quả công tác đấu tranh PCTN hạn chế. Thực tế cho thấy, có trường hợp kê khai có nhà, biệt thự, nhưng tiền làm là vay của người khác, để chứng minh tài sản bất minh là vấn đề khó vì không thể kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội. Cũng bởi thế, việc thu hồi tài sản tham nhũng hiện vẫn là một bài toán không dễ giải. Trong khi đó, hiện một số trường hợp kê khai không đúng, cũng chỉ có thể áp kỷ luật đối với người kê khai, không thể đụng được vào khối tài sản không giải trình được nguồn gốc của họ. Muốn tịch thu khối tài sản này thì phải qua một vụ án hình sự, từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và có khi không còn tài sản để xử lý. Đây chính là trở ngại cần bước đột phá để vượt qua.
Với quy định mới được đưa vào Dự Luật này, cơ quan soạn thảo cũng đã đề xuất những cách thức xử lý. Như trường hợp qua xác minh, nếu kết luận tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc việc giải trình về tài sản, thu nhập tăng thêm không hợp lý, cơ quan thuế sẽ xem xét thực hiện việc truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45%. Đồng thời nhấn mạnh “việc thu thuế không loại trừ việc xử lý trách nhiệm hình sự hoặc tịch thu tài sản nếu sau đó lại chứng minh được tài sản là bất hợp pháp, do phạm tội mà có”.
Có quan điểm đồng tình với đề xuất này, cũng có những quan điểm cho rằng, xử lý tài sản bất minh không thể bằng thuế, như thế sẽ vi phạm các quy định của luật khác. Cần quy định hành vi làm giàu bất hợp pháp, không chứng minh được nguồn gốc của tài sản là hành vi tội phạm và do tòa án phán xử. Ý kiến khác quyết liệt hơn khi đề xuất cán bộ, công chức phải minh bạch tài sản, nếu không chứng minh được nguồn gốc hoặc giải trình không rõ ràng thì phải tịch thu... Nhưng dù với góc nhìn nào, các ý kiến đều đồng tình, nếu tài sản không xác minh được nguồn gốc hợp pháp thì phải xử lý, nếu không quy định được sẽ tiếp tục thất bại trong PCTN.
Quyền về tài sản là một trong những quyền lớn nhất của con người. Truy thu thuế hay thu hồi tài sản bất minh cũng đều là vấn đề mới và khó, song đây là sự chờ đợi của người dân khi sửa đổi luật lần này. Dù vẫn cần nghiên cứu để có những quy định cụ thể, toàn diện hơn, giúp bao quát được hết vấn đề, khoa học và phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhưng với việc Dự Luật không còn “bỏ ngỏ” quy định này, hy vọng sẽ tạo được sự đột phá. Nói khác đi, nếu có được biện pháp xử lý, thì quy định về minh bạch, kiểm soát thu nhập sẽ tạo chuyển biến trong công tác PCTN và không còn những lúng túng trong xử lý vi phạm. Bởi quy định của luật mới trao thẩm quyền cho cơ quan chức năng kiểm soát có quyền truy đến cùng nguồn gốc của các loại tài sản; mới tránh được tình trạng “chuyển dịch quyền sở hữu” không kiểm soát.