Chợ truyền thống: Lo ngại chất lượng hàng hóa

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù chợ truyền thống là nơi tập kết, tiêu thụ hàng hóa nông sản chủ yếu của cả hệ thống bán lẻ nhưng việc truy xuất nguồn gốc, đảm bảo VSATTP lại không dễ dàng khi vẫn còn tình trạng tiểu thương chạy theo lợi nhuận, chấp nhận buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

 Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra VSATTP tại chợ đầu mối phía Nam. Ảnh: Hoài Nam
Tràn lan hàng hóa không rõ nguồn gốc 
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, hiện cả nước có hơn 8.000 chợ, trong đó chợ nông thôn chiếm 76%, chợ thành thị chiếm 24%. Trong số đó, có 94 chợ đầu mối bán buôn trên địa bàn cả nước (chiếm 1,1%). Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, hiện Hà Nội có 2 chợ đầu mối là chợ đầu mối phía Nam, chợ đầu mối Minh Khai và 6 chợ hoạt động theo kiểu đầu mối. Việc mua bán còn mang tính chất cổ điển, không có hợp đồng mua bán cũng không có chứng nhận xuất xứ hàng hóa; cả người mua và người bán đều không quan tâm nhiều đến vấn đề VSATTP, nguồn gốc hàng hóa.

Chị Lê Thị Hồng, một tiểu thương kinh doanh ngành hàng thực phẩm khô ở chợ Đồng Xuân cho biết: Tôi bán hàng gia vị nhiều năm nhưng nếu người bỏ hàng đưa hàng nhái xen vào thì cũng khó nhận biết. Trong làm ăn, chúng tôi tin tưởng nhau vì mối quan hệ lâu năm, còn nhãn mác sản phẩm mỗi ngày mỗi cải tiến, nếu hàng giả, hàng nhái có hình thức, mẫu mã giống hàng thật thì chỉ nhà sản xuất biết, vì chúng quá giống nhau nên khó phân biệt bằng mắt thường.

Mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 (Chi cục QLTT Hà Nội) qua kiểm tra cơ sở kinh doanh tại số 131 Phú Lương (quận Hà Đông) đã phát hiện hơn 1 tấn nguyên liệu gồm bột trà, bột sữa không rõ nguồn gốc để làm trà sữa. Chủ nhân số hàng này là chị Phạm Thị Nguyệt (ở Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) khai nhận, các loại nguyên liệu không rõ nguồn gốc được mua tại một cửa hàng trong chợ Hà Đông, sau đó bán lẻ cho các quán trà sữa với giá 800.000 đồng/bao 25kg. Mỗi bao này có thể pha được hơn 1.000 cốc trà sữa. Kiểm tra mở rộng tại chợ Hà Đông, lực lượng chức năng phát hiện tại ki ốt của chị Đào Thị Sao chứa số lượng lớn nguyên liệu trà sữa đựng trong các bao bì Trung Quốc, không có nhãn phụ hướng dẫn và hạn sử dụng.

Khó xử lý hàng hóa vi phạm

Mặc dù tiểu thương kinh doanh tại hệ thống chợ truyền thống bày bán khá nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo VSATTP, song việc kiểm tra, xử lý lại không hề dễ dàng. Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, hàng hóa được phân phối tại các chợ rất đa dạng, nhiều mặt hàng thực phẩm nông sản tươi sống không có bao bì, tem nhãn, khiến lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn trong việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng. Hệ thống quản lý, thanh tra, kiểm nghiệm VSATTP của các chợ chưa đầy đủ, thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị kiểm tra nhanh tại chỗ…

Đại diện Chi cục Thủy sản Hà Nội cho biết, với mặt hàng thủy hải sản, quy định hiện tại còn không có hình thức, chế tài nào đối với các mẫu thủy hải sản vi phạm tiêu chuẩn kháng sinh tồn dư trong sản phẩm, mỗi mẫu phân tích định lượng phải mất 3 - 5 ngày mới ra kết quả. Do chưa có cơ chế cho tạm giữ lô hàng thủy hải sản nghi vi phạm nên khi cơ quan chức năng có kết quả trên tay thì hàng đã bán hết, chỉ có thể xử lý “nguội” bằng cách phản hồi về địa phương có lô hàng vi phạm để địa phương nhắc nhở, giám sát tại nguồn.

Thực tế cho thấy, thói quen tiêu dùng và nhận thức VSATTP của nhiều người tiêu dùng còn hạn chế nên thường dễ chấp nhận dùng những sản phẩm không rõ nguồn gốc, miễn là giá rẻ, đã tạo cơ hội cho các loại hàng hóa không rõ nguồn tiêu thụ. Trong khi đó, BQL chợ chủ yếu thực hiện chức năng thu phí, buông lỏng công tác truy xuất nguồn gốc hàng hóa, VSATTP. Điều đó cho thấy, để quản lý chất lượng, nguồn gốc hàng hóa tại hệ thống chợ truyền thống, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, đòi hỏi chính BQL và DN khai thác chợ phải nâng cao tinh thần chịu trách nhiệm.
Thịt gia súc, gia cầm bày bán tại hệ thống chợ phải có giấy chứng nhận kiểm dịch và đóng dấu kiểm soát. Nếu nghi ngờ, lực lượng thú y sẽ lấy mẫu kiểm tra. Tuy nhiên, việc giữ sản phẩm trong 48 - 72 giờ đồng hồ để chờ kết quả kiểm nghiệm còn nhiều khó khăn vì nếu kết quả không vi phạm, hàng hóa lưu kho bị giảm chất lượng, hư hỏng thì cơ quan thú y phải chịu trách nhiệm.

Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn