Chủ đầu tư lên tiếng về nhóm người đếm xe tại BOT Ninh Lộc

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ đầu tư của Trạm thu phí BOT Ninh Lộc (tỉnh Khánh Hòa) là Công ty Cổ phần đầu tư BOT Đèo Cả vừa phát đi Thông cáo báo chí về “Nguy cơ mất khả năng kiểm soát tại Trạm thu phí sẽ gây nhiễu loạn thông tin trong xã hội”.

Trong đó, thông cáo báo chí, chủ đầu tư BOT Ninh Lộc có đề cập tới tình trạng một nhóm người lạ xuất hiện và đếm xe tại trạm thu phí Ninh Lộc.
Lo ngại trạm thu phí bị cướp giật giống ở Trạm Dầu Giây
Trong thông cáo phát đi, Công ty Cổ phần đầu tư BOT Đèo Cả cho biết, từ tháng 8/2017 đến nay, do hiệu ứng dây chuyền từ phản ứng người dân ở trạm thu phí BOT QL5, QL6, Biên Hòa, Cai Lậy... tại Trạm thu phí Ninh Lộc đã xuất hiện phản ứng của một nhóm người dân địa phương đòi giảm giá vé tại trạm thu giá Ninh An của dự án với hình thức tương tự các trạm khác là mua vé bằng tiền lẻ hoặc mua vé đưa thừa 100.000 đồng và yêu cầu trả lại.
Chủ đầu tư BOT Ninh Lộc lo ngại nguy cơ cướp giật có thể xảy ra từ việc nhóm người đếm xe tại trạm thu phí.
“Việc thu phí đã diễn ra ổn định trong thời gian dài, nhưng gần đây bị nhiều đối tượng gây rối, nhà đầu tư đã nhiều lần báo cáo với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa có biện pháp tháo gỡ, dẫn đến hiện nay tình hình tiếp tục có diễn biến phát sinh phức tạp” - đại diện Chủ đầu tư khẳng định.
Tiếp đó, từ ngày 26/2/2019 đến nay, tại khu vực thu phí Ninh Lộc xuất hiện một nhóm khoảng 10 người, tiếp cận cabin thu phí, thực hiện việc kiểm đếm xe qua lại và phát tán thông tin lên mạng xã hội, nhóm người này tự cho là giám sát hoạt động của DN. Nhóm người này không được phép và không có cơ quan chức năng cấp phép và không mặc trang phục đúng quy định nhưng nhóm người này vẫn cố tình ngồi cạnh cabin thu phí.
Dự án mở rộng QL1 đoạn Km1374+525 - Km1392 và Km1405 - Km1425+500 tỉnh Khánh Hòa do Công ty CP Đầu tư Đèo Cả - Khánh Hòa làm nhà đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT. Dự án có chiều dài 38,2km, tổng mức đầu tư khoảng 2.644 tỷ đồng. Trạm thu phí hoàn vốn cho dự án được đặt tại Km1425+200 - QL1 (xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa) nằm trong phạm vi đầu tư dự án, được xác định từ khi lập dự án, đảm bảo đủ khoảng cách trên 70km đến các trạm kế tiếp theo trục QL1 và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.
Chủ đầu tư BOT Ninh Lộc cho rằng, những thông tin nhóm người này đưa lên mạng xã hội hoàn toàn không chính xác, có tính chất gây nhiễu loạn thông tin, làm người dân bất an và hoài nghi về tính minh bạch của nhà đầu tư, mất niềm tin vào chủ trương kêu gọi hình thức đầu tư theo hình thức PPP của Đảng và Nhà nước.
Đại diện chủ đầu tư BOT Ninh Lộc cho biết thêm, do “quan ngại có thể xảy ra tình huống nguy hiểm như khống chế, cưỡng chế, cướp bóc tài sản, tương tự như sự việc xảy ra tại Trạm Long Thành - Dầu Giây” nên cán bộ trạm BOT Ninh Lộc đã mời nhóm người trên ra khỏi khu vực nhưng họ không chấp hành.
“Việc giám sát hoạt động thu phí tự phát, làm thay các cơ quan chức năng như trên, nhưng không ai đảm bảo người tiếp cận khu vực này có đủ hành vi, có đủ hiểu biết, đủ năng lực để thực hiện các công việc trên. Trường hợp các đối tượng này tiếp tục có hành vi gây rối như trước đây hoặc xảy ra việc cướp tài sản, thậm chí đe dọa tính mạng của nhân viên thu phí thì trách nhiệm của các bên có liên quan được xử lý thế nào...?” - trích cảnh báo của Chủ đầu tư BOT Ninh Lộc trong thông cáo báo chí.
Đặc biệt, chủ đầu tư BOT Ninh Lộc khẳng định, các nhà đầu tư đã mất đi niềm tin khi bỏ vốn, vay tiền nhưng không có sự chia sẻ hỗ trợ của các bên liên quan trong thời gian qua, các vụ việc tranh chấp thu phí kéo dài, các chỉ đạo của Chính phủ không được thực thi, các cơ quan công quyền gần như bỏ mặc và cách giải quyết không hiệu quả như việc tại Trạm thu phí Cai Lậy... khiến cho chủ trương xã hội hóa các nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực xây dựng giao thông bị ảnh hưởng, các con đường dẫn đến môi trường đầu tư đều bế tắc.
Các cơ quan chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng
Từ những dẫn luận trên, Công ty Cổ phần đầu tư BOT Đèo Cả cho rằng, “nếu để vụ việc kéo dài sẽ là vấn đề lớn về an ninh quốc gia không thể giải quyết được một khi đã lan tỏa”. DN này đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ “về thực trạng hiện nay đồng thời đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo trọng điểm về An ninh thu phí”.
Công ty Cổ phần đầu tư BOT Đèo Cả cũng đề nghị Bộ GTVT có công điện yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam “thành lập ngay Đoàn kiểm tra về tình hình thu phí của Trạm (tức Trạm BOT Ninh Lộc - PV) trong thời gian 3 tháng”. Sau khi có số liệu công khai lên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, tránh gây ảnh hưởng đến dư luận xã hội.
Đối với Văn phòng Chính phủ, Công ty Cổ phần đầu tư BOT Đèo Cả đề nghị “đề xuất việc thành lập Tổ Công tác liên ngành thực hiện việc giám sát thu phí tại Tram Ninh Lộc có sự chứng kiến của địa phương”. Mục đích nhằm “làm rõ thông tin xuyên tạc, các hành vi gây rối” và “xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật của nhóm đối tượng này”.
Đặc biệt, Công ty Cổ phần đầu tư BOT Đèo Cả đề nghị Văn phòng Chính phủ cần có đánh giá kết quả thực hiện các chỉ đạo từ Công điện của Thủ tướng Chính phủ đối với các đơn vị liên quan đến an ninh thu phí trong thời gian qua. Theo Chủ đầu tư BOT Ninh Lộc, việc thực hiện các chỉ đạo từ công điện của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua là “chưa thực hiện nghiêm túc”.