Chủ động, linh hoạt giúp doanh nghiệp vượt khó

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chiều 11/10, Bộ Tài chính đã họp báo thường kỳ quý III/2012 thông báo về những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý từ nay đến cuối năm.

Gỡ khó doanh nghiệp: Bớt gánh nặng thuế, phí

Từ đầu năm đến nay, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước đạt 498.490 tỷ đồng, bằng 67,3% dự toán, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2011. Các khoản thu nội địa (không gồm khoản thu sử dụng) số thu đạt thấp, trong đó thu xuất nhập khẩu giảm 5,9% so với cùng kỳ.

Theo Bộ Tài chính, so với tiến độ cùng kỳ một số năm gần đây, số thu NSNN từ đầu năm đến nay chậm hơn, nguyên nhân chủ yếu do tác động không thuận từ khó khăn, thách thức của nền kinh tế, kết hợp với việc thực hiện các giải pháp ưu đãi thuế để hỗ cho SXKD, thị trường.

Đến nay, ngành thuế đã thực hiện gia hạn khoảng 11.000 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng các tháng 4,5 và 6/2012 cho trên 190.280 DN; Gia hạn 2.933 tỷ đồng nợ thuế thu nhập DN cho khoảng 71.630 DN; Giải quyết giảm 50% tiền thuê đất năm 2012 cho khoảng 2.425 DN, với số tiền giảm 250,3 tỷ đồng; Giải quyết miễn và hoàn thuế môn bài năm 2012 cho 33.510 hộ đánh bắt hải sản và hộ làm muối, với số tiền khoảng 10 tỷ đồng…

Chủ động, linh hoạt giúp doanh nghiệp vượt khó - Ảnh 1

Công tác quản lý về giá được tăng cường để đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Ảnh: Việt Linh

Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, việc đồng thời hoàn thành hai mục tiêu hỗ trợ DN, duy trì, phát triển hoạt động SXKD và hoàn thành mục tiêu thu NSNN là thách thức lớn trong 3 tháng cuối năm. Ông Trần Văn Thu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, tổng số nợ thuế lên tới 6,8% số thu nội địa, trong đó riêng DNNN chiếm tới 13% số nợ trên.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, thời gian tới Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ xây dựng lộ trình cải cách hệ thống thuế trong dài hạn đến 2020 phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho DN tập trung toàn lực vào hoạt động phát triển SXKD, tạo nguồn thu ổn định cho NSNN.

Tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá

Chia sẻ khó khăn với DN, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, cùng với việc đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ DN, công tác quản lý về giá sẽ được tăng cường hơn nữa như: kiểm soát chặt chẽ các loại giá, phí của các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu (đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá,...), đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như sữa, thuốc chữa bệnh cho người, gas, cước vận tải, lương thực, thực phẩm... và giá cả các loại hàng hóa là nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất.

Về giá xăng dầu, theo dự báo, giá thị trường thế giới còn diễn biến phức tạp, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định theo Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; Chỉ đạo, kiểm tra các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối tổ chức tốt khâu nhập khẩu và cung ứng xăng dầu, bảo đảm không được để thiếu nguồn, cũng như không được để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, gây tình trạng bất ổn cho thị trường trong nước; Tiếp tục được thực hiện nhất quán theo nguyên tắc chia sẻ lợi ích, trách nhiệm, quyền lợi giữa hộ tiêu dùng, DN kinh doanh xăng dầu đầu mối và Nhà nước; Sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ thuế, phí và Quỹ bình ổn giá xăng dầu không để giá xăng tăng liên tục trong thời gian ngắn, gây tác động bất lợi đến sản xuất và tâm lý người tiêu dùng.

Với các mặt hàng Nhà nước còn kiểm soát giá trực tiếp như điện, nước, than ... thời gian tới Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành chức năng xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh trên cơ sở đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá đến sản xuất và đời sống nhân dân; Hạn chế thấp nhất tác động xấu đến sản xuất và đời sống người dân, cũng như việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về quản lý giá; Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả thị trường, có biện pháp thích hợp để bình ổn giá theo quy định của pháp luật.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Tài chính, đến nay đã có 23/53 Đề án tái cấu trúc tập đoàn, tổng công ty được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các tập đoàn kinh tế tiếp tục xây dựng kế hoạch thoái vốn tại các DNNN không cần nắm giữ cổ phần chi phối; Tăng cường tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh, tiết giảm 5 - 10% chi phí quản lý, tập trung giảm giá thành sản phẩm và nâng cao hiệu quả SXKD; đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp...