Chủ tịch GP.Invest Nguyễn Quốc Hiệp: Tránh mất cân bằng cần chuẩn ngay từ khâu triển khai quy hoạch

Lê Mai (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực ra, việc lệch pha cung - cầu trong BĐS đang là tồn tại chung của thị trường hiện nay.

Thế nhưng, trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch GP.Invest Nguyễn Quốc Hiệp lại cho rằng, nếu có việc mất cân bằng tập trung ở một địa bàn, nghiêng về phân khúc cho người có điều kiện thì cũng cần phải xem lại cách tổ chức triển khai quy hoạch tổng thể của địa phương.
Thị trường BĐS Tây Hồ Tây, Hà Nội đang thu hút sự quan tâm của giới đầu cơ và người có nhu cầu nhà ở thật. Theo ông, sự quan tâm có phải do địa thế của khu vực đất này hay do cách truyền thông của các dự án quá hấp dẫn?
- Tôi cho rằng do cả hai yếu tố. Song, sự quan tâm này mang tính bền vững không phải do giới đầu cơ tự làm hàng. Nhiều người muốn được sống ở đây, vì vị thế của khu đất thoáng mát, gần sông, lại được xem là “đầu rồng”, thuận tiện về giao thông. Thế nhưng, quan tâm là một chuyện, sở hữu được căn hộ ở đây hay không lại là chuyện khác. Nhiều người bảo, thị trường BĐS tại đây đang nóng. Tôi nghĩ cần phải phân biệt rõ, nóng về truyền thông dự án hay nóng về giao dịch? Xem ra nóng bởi truyền thông nhiều hơn. Chị cứ xem, trục đường Võ Chí Công có được mấy văn phòng tư vấn BĐS. Chị cứ để ý, các văn phòng này có tấp nập người ra vào không? Điều này cho thấy, nóng vẫn chỉ là đồn thôi. Nhưng thực tế như vậy là mừng, vì thị trường ở đây dành cho người có nhu cầu ở thật. Đối với dự án cao cấp họ đầu cơ cũng là để cho thuê – tức có người ở, không phải để hoang, chờ có giá trị gia tăng rồi bán.
Ông có nói “quan tâm là một chuyện, sở hữu được căn hộ ở đây hay không lại là chuyện khác”, phải chăng ông nói đến sản phẩm căn hộ ở đây “xa tầm với” của số đông người tiêu dùng?
- Đúng vậy. Hầu như các dự án BĐS ở đây nổi bật lên là những dự án cho người có điều kiện, người giàu. Còn người thu nhập trung bình khó với tới, chứ chưa nói người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, để xây dựng một cuộc sống đẳng cấp là cần thiết, nhưng mất cân đối tập trung ở một khu vực đôi khi nó cũng không hẳn đã tốt, ngay bản thân DN BĐS với nhau cũng thấy chạnh lòng.
Vậy theo ông, làm thế nào để tránh sự mất cân bằng về phân khúc như phản ánh ở trên?
- Tôi cho rằng, cần phải chuẩn chỉnh ngay từ khâu triển khai quy hoạch tổng thể của địa phương. Khi triển khai, cần phải tính đến yếu tố hài hòa cho quy hoạch tổng thể, với đủ thành phần cư dân: Người có điều kiện, người giàu, người thu nhập trung bình, người thu nhập thấp,… Trên cơ sở đó để mời các DN phù hợp tham gia đấu giá các dự án, cả lớn, cả nhỏ, cả trung bình. Mỗi DN có cách làm riêng và phù hợp với mỗi phân khúc. Không nên chỉ tập trung ở ở một số DN sẽ mất tính cạnh tranh. Nếu tính cạnh tranh ít đi, mạnh ai nấy làm thì sẽ lệch phân khúc. Khu vực Tây Hồ Tây là ví dụ. Ở đây dự án cao cấp đa phần ở vị trí đẹp, hạ tầng giao thông hoàn thiện, dự án trung bình ít thôi nhưng lại chỉ chỏng chơ mỗi tòa nhà, hạ tầng còn ngổn ngang, thậm chí đường đi lối lại còn khó khăn.
Vì thế, quy hoạch chung chuẩn rồi nhưng phương pháp tổ chức, triển khai quy hoạch các dự án trong khu để làm sao hài hòa cho cả khu đô thị về mặt tổng thể, là điều cần phải cân nhắc, không thể xem nhẹ.
Xin cảm ơn ông!