Chủ tịch Hà Nội và chuyện "xử" bộ máy cồng kềnh

Theo Quốc Phong/Vietnamnet.vn
Chia sẻ Zalo

Cách đây khoảng nửa tháng, tôi có dịp trò chuyện cùng ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Biết tôi làm báo từ lâu, ông cho biết, nếu có dịp sẽ mời tôi xuống các cơ sở thuộc Hà Nội để viết về mô hình "chính quyền điện tử" đang được thành phố triển khai ra sao, hiệu quả mức nào.

Ông kể, năm 2014, khi còn ở Công an Hà Nội, ông đã chứng kiến hàng ngày cảnh người dân xin cấp hộ chiếu ở ngay cạnh cổng trụ sở Công an Thành phố và bị ùn ứ vì quá tải. Cả một phòng Xuất nhập cảnh của CA thành phố mà ông chịu trách nhiệm khi đó rất đông nhân lực. Vậy mà cả ngày anh em căng mắt ra soi để kiểm tra mà rồi cũng chỉ soát được có 300 hồ sơ để cấp Hộ chiếu, dù thành phố đã tổ chức thêm một  địa điểm khác trong Hà Đông để giúp người dân khỏi phải đi xa.
Để xây dựng một chính quyền phục vụ dân, sẽ có rất nhiều điều cần đổi mới. Ảnh minh họa: Zing.vn
Để xây dựng một chính quyền phục vụ dân, sẽ có rất nhiều điều cần đổi mới. Ảnh minh họa: Zing.vn
Thấy vậy, tướng Chung đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, xin phép để Hà Nội được áp dụng thí điểm công nghệ thông tin mới vào việc cấp hộ chiếu để xử lý nhanh, tránh dồn ứ, gây phiền hà cho người dân. Nhiều khi vì lo hộ chiếu chậm muộn mà người dân phải chạy vạy nhờ vả thân quen và cả cò mồi.

Theo tướng Chung, sau một thời gian ngắn, phòng Xuất nhập cảnh của CA Hà Nội đã giảm quân số được 25 cán bộ, chiến sĩ, trong khi hiệu suất công việc được nhân lên nhiều lần. Nếu như nhu cầu của người dân vào mùa du lịch có xin cấp đến 2.000 cuốn hộ chiếu/ ngày đi nữa, CA Hà Nội vẫn phục vụ tốt.

Cách đây ít ngày,  Hà Nội vừa tổ chức lễ khai trương hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tại 24 phường thuộc quận Long Biên và Nam Từ Liêm.  Đây là một nội dung trọng tâm trong triển khai ứng dụng CNTT của Thủ đô và sẽ tiếp tục được mở rộng.

Được biết, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu từ Giám đốc sở, Chủ tịch UBND cấp quận, huyện đến cấp phường, xã phải trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo các chương trình cải cách hành chính, công nghệ thông tin tại đơn vị. Ngay đầu tháng 8/2016, UBND TP đã thí điểm cán bộ không dùng sổ sách làm việc mà thay vào đó là điện thoại thông minh hoặc iPad...

Những câu chuyện trên khiến tôi liên tưởng đến chuyện cải cách hành chính. Hiện nay biên chế công, viên chức nhà nước quá cồng kềnh, nói thì nhiều mà không giảm được bao nhiêu, thậm chí ngược lại. Tính ra, cứ 40 người dân Việt Nam lại đang phải gồng lưng nuôi 1 “ông/bà” công chức.

Trong bối cảnh đó, có thể nói chủ trương chính phủ điện tử mà Chính phủ đã gợi mở chính là một hướng đi cần thiết để xử lý vấn đề này. Tại phiên họp Chính phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh phải quyết liệt cải cách thủ tục hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử ở tất cả các ngành, các cấp.

Việc xây dựng chính quyền điện tử như thành phố Hà Nội và ở một số địa phương khác đã và đang triển khai cần được nhìn nhận như một phương pháp đúng để tinh giản biên chế. Làm tốt điều này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách đang phải dành cho quỹ lương và bộ máy công quyền mới tinh gọn được đội ngũ nhân lực quá đông mà hiệu suất không cao.

Tuy nhiên, khi thực hiện, chúng ta cũng cần lường trước để tránh những “vết xe đổ”, như sự việc một số người đã lợi dụng "Đề án 112" (đề án tin học hoá hành chính nhà nước của Văn phòng Chính phủ chủ trì) cách đây hơn 15 năm. 23 bị cáo đã phải ra toà với cáo buộc lợi dụng chức vụ và quyền hạn[1].

Nếu không có bộ máy tham mưu giỏi cho người đứng đầu chính quyền địa phương thì kinh phí đầu tư cho mô hình chính quyền điện tử sẽ rất tù mù đối với người lãnh đạo. Bởi lẽ ngân sách để đầu tư nói trên không hề nhỏ, lại rất kỹ thuật thuần tuý. Chúng ta rất cần có một hệ thống cán bộ thực sự giỏi chuyên môn về công nghệ thông tin, và phải có cả thực tiễn về hệ thống hành chính hiện nay để giúp cho lãnh đạo thực thi.