Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội Nguyễn Tùng Lâm: Đào tạo tiến sĩ phải thực chất

Trần Oanh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 12.000 tỷ đồng để đào tạo 9.000 tiến sĩ (TS) vẫn đang là câu chuyện nóng trên các diễn đàn.

Theo quan điểm của Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội Nguyễn Tùng Lâm, ngành cần quan tâm đến chất lượng đào tạo hơn là số lượng được đào tạo.

Ông có ý kiến gì khi Bộ GD&ĐT đề xuất đào tạo 9.000 TS trong giai đoạn 2018 - 2025?

- Việc đào tạo thêm TS để đất nước có nguồn nhân lực chất lượng cao là chuyện bình thường. Nhưng câu chuyện đào tạo ở đây không bình thường ở chỗ, mới đây, Bộ có văn bản đề nghị xem xét, rút kinh nghiệm về chất lượng đào tạo TS ở các trường, nhưng đến nay chưa có hồi âm. Tôi cho rằng, Bộ phải tổng kết công tác này một cách hết sức khoa học, phải lập hội đồng thẩm định khách quan các luận án TS để nắm được chất lượng đào tạo đến đâu, có đạt chuẩn quốc tế hay không. Quan trọng nhất là đề tài nghiên cứu sinh (NCS) có được ứng dụng vào thực tiễn, giúp ích cho cộng đồng, xã hội?

Để nâng cao chất lượng đào tạo TS, Bộ GD&ĐT mới đây đã ban hành quy chế theo hướng nâng cao các tiêu chuẩn, theo ông có hợp lý không?

- Bộ GD&ĐT cải tiến quy chế nhưng có mấy điểm chưa thật chặt chẽ. Theo tôi, về phía người học phải có trách nhiệm, ký cam kết để đi học thật, làm thật, chứ không phải ghi tên rồi có người học thay, làm thay. Hiện nay, nhiều người học TS chỉ muốn lấy tấm bằng làm đẹp lý lịch chứ không phải vì mang lại lợi ích cho cộng đồng. Một vấn đề nữa, những người được phân công hướng dẫn NCS phải có công trình nghiên cứu về lĩnh vực đó. Thực hiện việc này để tránh tình trạng giống như Viện Khoa học Xã hội Việt Nam vừa qua, một người hướng dẫn hàng chục NCS. Bộ quy định PGS hướng dẫn TS, nhưng thực tế vẫn còn chuyện PGS được phong không thực chất, hình thức, vậy thì khó đảm bảo chất lượng. Bộ cũng nên cho phép TS hướng dẫn NCS nếu họ có công trình nghiên cứu thật. Và Chủ tịch Hội đồng khoa học cũng phải có chuyên ngành và chịu trách nhiệm trước Nhà nước về kết quả xét duyệt.

Bộ GD&ĐT có nhất thiết đặt ra mục tiêu đào tạo giảng viên đạt trình độ TS là 35%?

- Bộ không nên đưa ra chỉ tiêu chung là 9.000 TS, mà nên đào tạo theo nhu cầu thật của người học và cơ sở đào tạo. Nghĩa là từng trường, từng ngành học cần xem xét, tính toán cần bao nhiêu TS, nguồn đào tạo ở trong nước hay nước ngoài, sau đó đăng ký với Nhà nước. Bộ cũng không phải lo đạt 35%, mà để cho các trường tự tính toán trong từng giai đoạn, theo nguồn lực và nhu cầu.

Có ý kiến cho rằng, để việc đào tạo TS bảo đảm chất lượng, tránh tiêu cực thì gửi hết NCS ra nước ngoài?

- Không nên làm vậy, bởi thực tế, nhiều trường ở nước ngoài đào tạo TS không tốt. Những trường danh tiếng lại nhận rất ít NCS và tuyển sinh rất chặt chẽ. Điều quan trọng là dạy thật, học thật và đầu ra là sản phẩm thật. Việc Bộ GD&ĐT quy định đào tạo 5.000 TS ở nước ngoài sẽ là kẽ hở để các đơn vị duyệt các đối tượng đi học cho đủ, thay vì xuất phát từ nhu cầu thực tế. Nếu làm chặt sẽ không thể đạt được ngần ấy TS học ở nước ngoài.

Có một thực tế, nhiều TS đi học ở nước ngoài không muốn trở về bởi mức lương và môi trường làm việc không tương xứng?

- Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện tinh giản biên chế để lấy người tài và thay đổi khung tiền lương. Khi các DN tự kinh doanh, người lao động có thu nhập cao thì các trường cũng nên chuyển hướng để giảng viên có thu nhập thỏa đáng. Các trường nên kiểm tra lại, ai đạt trình độ thì hưởng mức lương mới cao hơn. Đây cũng là cách loại trừ dần những người không đạt yêu cầu.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần