Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh: Tiếp tục triển khai phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, thiết thực

Trần Long - Thuỳ Linh - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Đại hội thi đua yêu nước TP Hà Nội giai đoạn 2020-2025 diễn ra sáng 3/10, Chủ tịch UBND TP, Chủ tịch Hội đồng Thi đua, Khen thưởng TP Chu Ngọc Anh đã phát động phong trào thi đua giai đoạn 2020-2025 với chủ đề “Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, thi đua xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại”, trong đó đề ra 5 nội dung cần tập trung thực hiện.

 Chủ tịch UBND TP, Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng TP Chu Ngọc Anh phát động phong trào thi đua giai đoạn 2020-2025.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP đề nghị, tiếp tục quán triệt và thực hiện đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, thực hiện nghiêm túc Luật Thi đua, Khen thưởng sửa đổi, bổ sung năm 2013; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vị trí, vai trò của các phong trào thi đua. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo bước chuyển bền vững, có sức lan tỏa của các phong trào thi đua. Đồng thời, tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách, các khâu yếu, việc khó trong việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ chính trị ở các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị.
 Cùng với việc tổ chức phát động cần tổ chức sơ kết, tổng kết phong trào; kịp thời, chú trọng triển khai các phong trào thi đua theo chuyên đề với nội dung, hình thức phù hợp, tiêu chí cụ thể để phong trào thi đua phát triển toàn diện, bền vững, thực chất, lôi cuốn đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia; thường xuyên phát hiện nhân tố mới, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến, hướng dư luận vào cái tốt, cái tích cực, đẩy lùi tiêu cực. 
Qua đó, khơi dậy và nhân lên mặt tích cực trong mỗi con người, mỗi đơn vị và trong cộng đồng xã hội. Đồng thời làm cho thi đua trở thành biện pháp quan trọng trong việc xây dựng con người mới, xây dựng Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Hà Nội ngày càng trong sạch, vững mạnh. Thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về thi đua, khen thưởng; tránh khen thưởng tràn lan, chú trọng khen thưởng người lao động, người trực tiếp sản xuất kinh doanh, học tập và công tác có sáng kiến, sáng tạo trong các lĩnh vực và các đơn vị; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp các ngành trong thực thi pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng, kiện toàn đội ngũ làm công tác về thi đua khen thưởng để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. 
Chủ tịch Hội đồng Thi đua, Khen thưởng TP đề nghị, sau Đại hội, các sở, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội TP, các quận, huyện, thị xã, các cơ quan, đơn vị căn cứ vào tình hình thực tiễn của đơn vị tiếp tục phát động phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp và thiết thực nhằm thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. 

“Thay mặt lãnh đạo TP, tôi kêu gọi các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân toàn TP phát huy truyền thống Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình ra sức thi đua đạt thành tích cao nhất góp phần thiết thực vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2020 - 2025), quyết tâm xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn hiến, văn minh hiện đại…” - Chủ tịch UBND TP, Chủ tịch Hội đồng Thi đua, Khen thưởng TP Chu Ngọc Anh nhấn mạnh. 

Phương hướng, nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2020-2025

Với chủ đề Đại hội giai đoạn 2020-2025 “Đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, thi đua xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại”, TP Hà Nội xác định công tác thi đua, khen thưởng trong 5 năm tới tiếp tục đổi mới, tập trung vào 5 nhiệm vụ chủ yếu. Đó là:

1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về thi đua, khen thưởng, tiếp tục quán triệt thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TƯ của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”; trong đó: Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Gắn các phong trào thi đua yêu nước với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Coi trọng việc phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền nhân rộng điển hình tiên tiến.

2. Đổi mới việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, bám sát nhiệm vụ trọng tâm, các khâu yếu, việc khó của mỗi địa phương, đơn vị. Tiếp tục hưởng ứng các phong trào do T.Ư phát động, xây dựng các giải pháp phù hợp, nhân rộng các mô hình, điển hình mới, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong tổ chức triển khai phong trào.

3. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phát hiện, tuyên truyền, bồi dưỡng, nhân điển hình tiên tiến, thực hiện đồng bộ tốt cả 4 khâu: Phát hiện - bồi dưỡng - tổng kết - nhân điển hình tiên tiến. Có kế hoạch cụ thể để bồi dưỡng, xây dựng các mô hình mới, nhân tố mới trong từng năm và cả giai đoạn. Tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông để đẩy mạnh công tác tuyên truyền tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, “Người tốt - Việc tốt” trên các lĩnh vực.

4. Nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, công tác, khen thưởng thành tích trong lao động sáng tạo. Quan tâm khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất, các tập thể, cá nhân dũng cảm cứu người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân… Thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng. Phát huy vai trò của các ngành, các cấp, các đoàn thể và các kênh thông tin trong việc phát hiện các điển hình để khen thưởng.

5. Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng và vai trò tham mưu của cơ quan chuyên trách công tác thi đua, khen thưởng các cấp. Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp theo hướng ổn định, tạo sự thống nhất từ thành phố đến cơ sở. Bố trí đủ số lượng công chức, viên chức có năng lực, trình độ; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác thi đua, khen thưởng.