Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh trả lời chất vấn trước HĐND TP

Nhóm PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 9/12, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh làm rõ, trả lời vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm.

Ngày 9/12, tại Kỳ họp thứ 3, HĐND TP khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó tập trung vào 2 nhóm vấn đề được cử tri, và nhân dân TP quan tâm.
  Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh báo cáo, giải trình và trả lời chất vấn các vấn đề đại biểu HĐND quan tâm
Hai vấn đề bao gồm: Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Việc triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-9 trên địa bàn thành phố và việc thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố.
Cuối phiên chất vấn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh báo cáo, giải trình và trả lời chất vấn các vấn đề đại biểu HĐND quan tâm.
Đặt câu hỏi chất vấn Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ĐB Nguyễn Thị Lan Hương đề nghị Chủ tịch UBND TP cho biết quan điểm về vấn đề việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch.
ĐB Vũ Mạnh Hải nêu vấn đề Hà Nội có kế hoạch thành lập các trạm y tế lưu động tại các quận, huyện, tuy nhiên việc trang bị kịp thời về trang thiết bị và nhân lực cho trạm y tế lưu động còn rất khó khăn. Đề nghị Chủ tịch UBND TP cho biếtTP đã có hướng dẫn cụ thể thế nào trong việc này?

ĐB Nguyễn Nguyên Quân đặt vấn đề về việc thu hút đầu tư của TP, đề nghị Chủ tịch UBND TP cho biết trong thời gian tới các hoạt động xúc tiến đầu tư của TP được tổ chức thế nào? Có giải pháp đổi mới công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ?

ĐB Nguyễn Bích Thủy đề nghị Chủ tịch UBND TP cho biết kết quả hoạt động của Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục đầu tư?

Tiếp tục chất vấn Chủ tịch UBND TP, ĐB Duy Hoàng Dương cho biết, TP đã xây dựng chương trình chuyển đổi số, mục tiêu tổng quát tới năm 2025, Hà Nội sẽ thuộc nhóm 5 địa phương dẫn đầu. Tuy nhiên, theo báo cáo thông tin xếp hạng do Bộ TN&TT công bố, Hà Nội đang đứng thứ 43/63 tỉnh, TP. Vậy TP có chỉ đạo, giải pháp đột phá gì trong năm 2022 để cải thiện vị trí xếp hạng?

ĐB Trần Hợp Dũng đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm không hoàn thành chỉ tiêu cấp nước sạch khu vực nông thôn.

ĐB Nguyễn Thanh Bình đề nghị Chủ tịch cho biết giải pháp trọng tâm đột phá gì trong việc đầu tư nâng cấp hệ thống y tế, đặc biệt là đầu tư, xây dựng, cải tạo các bệnh viện, khắc phục tình trạng chậm tiến độ các dự án bệnh viện?

ĐB Lê Minh Đức (Tổ Thạch Thất) đề nghị Chủ tịch UBND TP cho biết lý do, trách nhiệm khi thực hiện thu hồi các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai?

ĐB Dương Minh Ánh chất vấn Chủ tịch UBND TP có giải pháp gì để xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, để Hà Nội trở thành TP xanh - TP vì hòa bình - TP đáng sống?Tập trung mọi nguồn lực cho công tác chống dịch

Trả lời câu hỏi của ĐB, Chủ tịch UBND TP khẳng định: Từ câu chuyện ứng dụng CNTT trong phòng chống dịch và mở rộng ra là cải cách hành chính, chuyển đổi số… vừa là cơ hội vừa là thách thức, UBND TP là luôn nhận được chỉ đạo và quyết sách kịp thời Ban Thường vụ Thành ủy, trong đó Chỉ thị 08 không chỉ thể hiện quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô trong triển khai tinh thần Nghị quyết của Ban Chấp hành T.Ư lần thứ 4 vừa rồi, Nghị quyết 128 của Chính phủ và các hướng dẫn có liên quan, mà còn thể hiện chủ trương quyết sách của riêng Thủ đô trong thích ứng trong giai đoạn tới, trong đó có một nội hàm rất quan trọng là ứng dụng CNTT vào phòng chống dịch. Chủ trương này đã có trong Nghị quyết Đại hội Đảng thứ XIII và có nét riêng của Thủ đô thể hiện trong tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng TP lần thứ XVII. 

Theo tinh thần chung, Thủ đô rất chủ động ứng dụng CNTT trong phòng chống dịch, đã phối hợp tất cả các bộ ngành với tinh thần chỗ nào cần phần mềm cho tiêm chủng, xét nghiệm, an sinh xã hội… thì đều chủ động. Thống nhất một nền tảng trong phòng chống dịch, Hà Nội luôn chủ động đi trước một bước, làm sao nền tảng đó được kết nối với dữ liệu cơ sở căn cước điện tử công dân, sau này kể cả đánh giá kinh tế vĩ mô và thu ngân sách…, song cần có chỉ đạo chung để thống nhất nền tảng này. Về thể chế, năm 2021 TP tập trung cao đội cho kiến trúc điện tử khung, chương trình chuyển đổi số, ban chỉ đạo. Ngay từ đầu năm 2022 TP sẽ cụ thể hóa việc này, như 30% đóng góp trong kinh tế số. Xung quanh công tác cải cách hành chính, chủ trương này còn thể hiện trong chương trình công tác của Thành ủy, gắn trách nhiệm của người đứng đầu một cách thực chất nhất, làm sao ý chí của hệ thống chính trị các cấp tập trung vào sự hài lòng của người dân và DN; tập trung vào hành động thực chất; giải pháp và chất lượng dịch vụ, hướng tới một trung tâm điều hành thông minh của TP.

Thay mặt UBND TP, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cũng trân trọng tiếp thu ý kiến tại Kỳ họp. Trên cơ sở đó, yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tập trung xử lý, giải quyết kịp thời, thỏa đáng, nhất là những khó khăn, vướng mắc và những vấn đề thực tiễn đặt ra để vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, vừa tạo thuận lợi thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô.

Làm rõ thêm một số nội dung các đại biểu quan tâm, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, UBND TP đã chỉ đạo các ngành, các cấp, cùng phối hợp cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân Thủ đô tập trung mọi nguồn lực phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn, sức khỏe cho Nhân dân, UBND TP đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt để thực hiện “mục tiêu kép”- vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh, vừa đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, TP Hà Nội đã triển khai thực hiện linh hoạt, hiệu quả chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, HĐND TP.

Năm 2021, UBND TP đã báo cáo, trình Ban Chấp hành Đảng bộ TP phê duyệt, thông qua 08/10 chương trình công tác lớn của Thành ủy khóa 17; báo cáo 976 đề án, dự án, nội dung công việc tại các hội nghị Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy; tham mưu, báo cáo Thành ủy ban hành Chương trình hành động số 14 với 283 nhiệm vụ cụ thể; Chương trình công tác số 15 với 296 nội dung và phân công cụ thể đến các cấp, các ngành; đồng thời ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội 17 Đảng bộ TP.

Bên cạnh đó, chính quyền các cấp TP đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP và các tổ chức thành viên tổ chức giám sát tại các quận, huyện, thị xã nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân Thủ đô quan tâm đối với những vấn đề cấp bách như: Tiến độ các dự án khu công nghiệp, các dự án đầu tư công, xây mới các trường học, bệnh viện; Mở rộng các tuyến đường giao thông kết nối giao thương trên địa bàn TP, quan tâm chính sách đền bù giải phóng mặt bằng; Quy hoạch phát triển các khu vực sông Hồng, Sông Đuống; Cải tạo các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, ổn định giá các loại vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, thức ăn trong chăn nuôi; Hỗ trợ đầu tư ngân sách đối với các địa phương xây dựng nông thôn mới; Giải quyết ô nhiễm môi trường; Việc tiêm vaccine đối với trẻ em; Tăng cường giám sát các lĩnh vực quy hoạch đô thị, giao thông, ô nhiễm môi trường, an sinh xã hội, phòng cháy chữa cháy...

“Thay mặt UBND TP, tôi xin tiếp thu đầy đủ các ý kiến sâu sắc, xác đáng để tập trung chỉ đạo khẩn trương có giải pháp. Trong thời gian tới, UBND TP sẽ tập trung, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra và mong muốn của đại biểu, Nhân dân Thủ đô” – Chủ tịch UBND TP nói.

Kinh tế duy trì tăng trưởng dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch

Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cũng cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch, bệnh Covid-19 nhưng kinh tế vẫn duy trì tăng trưởng: 6 tháng đầu năm, trên địa bàn TP đã phát sinh nguy cơ lây lan dịch bệnh từ đầu đợt dịch lần thứ 4, các hoạt động kinh tế vẫn duy trì phát triển, chỉ số GRDP của TP đạt 6,02% (cao hơn so với cả nước đạt 5,64%).

Tính chung, quý 4 ước tăng trưởng đạt 6,69% và cả năm 2021 ước đạt 2,92%, đạt mức thấp so với kế hoạch, chủ yếu là do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, nhất là khi quý III hầu như các ngành, lĩnh vực suy giảm mạnh. Tuy nhiên với xu hướng phục hồi tích cực trong quý IV là rất quan trọng, thể hiện sự nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời là tính chủ động, kịp thời, hiệu quả của TP.

Các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Tổng thu NSNN trên địa bàn ước đạt 108,3% dự toán T.Ư giao, đạt 101,5% so với dự toán HĐND TP giao. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội huy động ước đạt 411,3 nghìn tỷ đồng. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt khoảng 2 tỷ USD. Vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới ước đạt 345 nghìn tỷ đồng với khoảng 25,19 nghìn doanh nghiệp. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số CPI bình quân ước tăng khoảng 1,9-2,4% (thấp hơn mức tăng năm 2020 là 2,67%).
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh báo cáo, giải trình và trả lời chất vấn các vấn đề đại biểu HĐND quan tâm

Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục cải thiện. TP tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, DN và hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Thành lập các Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN. Kịp thời thực hiện các chính sách gia hạn, miễn, giảm nghĩa vụ tài chính. Năm 2021, dự kiến gia hạn, miễn, giảm khoảng 25,66 nghìn tỷ đồng cho khoảng 212,84 nghìn lượt DN, người nộp thuế.

Quản lý và phát triển đô thị chuyển biến tích cực. Các hoạt động, sự kiện văn hóa, xã hội được duy trì tốt, phù hợp với diễn biến dịch Covid-19. Chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững và đổi mới phương pháp dạy, học phù hợp với tình hình mới. Lĩnh vực thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được quan tâm. An sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo.

Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh. Công tác quốc phòng tiếp tục được tăng cường; An ninh trật tự trên địa bàn được đảm bảo. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được quan tâm, nhất là thông qua các hoạt động hợp tác, hỗ trợ phòng chống dịch.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TP, TP còn rất nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập của nhiều ngành, nhiều cấp đã được nhận diện trước đây, nhưng chưa được cải thiện nhiều nay còn rõ nét hơn, cần nhanh chóng tập trung giải pháp để khắc phục.

Đó là, Kinh tế Thủ đô mặc dù có tăng trưởng, nhưng thấp hơn mục tiêu đề ra, 4/5 chỉ tiêu kinh tế chưa đạt. Công tác thực hiện, tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của TP hiệu quả chưa cao. Một số địa phương, đơn vị trong chỉ đạo phát triển kinh tế còn thiếu quyết liệt, nhất là cụ thể hóa các đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết đại hội đảng các cấp, chưa chủ động đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế số chưa phát huy được tiềm năng.

Cải cách hành chính, giải quyết thủ tục hành chính, công tác phối hợp giữa các ngành trong việc thu hút đầu tư còn chậm, ứng dụng CNTT cần tiếp tục được tăng cường. Giải quyết vướng mắc trong triển khai các dự án thu hút đầu tư, nhất là giải phóng mặt bằng còn lúng túng, thiếu quyết liệt. Công tác quản lý nhà nước lĩnh vực quy hoạch, đất đai, tài nguyên môi trường còn nhiều hạn chế, để xảy ra sai phạm, vi phạm pháp luật còn tạo ra các điểm nghẽn, chưa khơi thông được nguồn lực đầu tư, phát triển. Phân cấp, ủy quyền chưa triệt để, giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Công tác phòng, chống dịch bệnh có nơi, có lúc còn lơ là, chủ quan…

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19

Về công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết: Ở giai đoạn 3, TP triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế, với nguyên tắc "5K + Vắc xin, thuốc + Công nghệ thông tin + ý thức của người dân" để phòng, chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên khi một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, lơ là khi đã tiêm đủ liều vaccine. Tốc độ lây nhiễm tăng nhanh cùng các hoạt động kinh tế xã hội của cả nước và hoạt động đi lại của người dân tăng cao những tháng cuối năm khiến số ca nhiễm trong thời gian gần đây có dấu hiệu gia tăng nhanh. “Đến ngày 8/12/2021, TP đã đã ghi nhận 10.948 ca mắc, tương đương 2,15% tổng số ca mắc trong giai đoạn này của cả nước, trung bình 192 ca/ngày. Số ca mắc tăng nhanh nhưng hiện nay TP chỉ có 69/1.057 điểm phong tỏa với quy mô nhỏ nhất có thể, theo nguyên tắc linh hoạt, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh” – Chủ tịch UBND TP thông tin.

Trước những diễn biến nhanh và phức tạp của dịch bệnh, Chủ tịch UBND TP cho hay, TP đã chỉ đạo mở rộng phương án quản lý, cách ly F1 tại nhà và tại các cơ sở cách ly tập trung của TP, cơ sở lưu trú phục vụ cách ly tự nguyện đối với các trường hợp F1 không đủ điều kiện cách ly tại nhà ngành. Chỉ đạo ngành Y tế, chính quyền các địa phương chuẩn bị các phương án cao trong cách ly, thu dung, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 với khả năng đáp ứng đến 100.000 ca nhiễm. Sẵn sàng chuẩn bị oxy y tế (25/32 Bệnh viện với khoảng 3.200 giường bệnh có hệ thống oxy y tế), thuốc và các vật tư tiêu hao đáp ứng các mức độ, cấp độ dịch trên các địa bàn.
 Quang cảnh phiên chất vấn

Công tác thu dung, điều trị được chỉ đạo quyết liệt, đảm bảo khả năng hồi phục sức khỏe đối với các trường hợp nhiễm, hạn chế tối đa việc chuyển tầng điều trị và các trường hợp nặng, nguy kịch. Hiện đang điều trị 4.567 người, trong đó tỷ lệ bệnh nhân thuộc tầng 3: 30 (0,7%); Bệnh nhân thuộc Tầng 2: 741 (16,9%); Bệnh nhân thuộc Tầng 1: 3.626 (82,5%).

Ngày 02/12/2021, UBND TP đã ban hành Phương án cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người nhiễm Covid-19 trên địa bàn Thành phố theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tiếp tục phân cấp, phân luồng, tăng cường phân bổ nguồn lực, ngân sách giúp cấp cơ sở chủ động triển khai các biện pháp; tập trung nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở và tăng cường thành lập mới các trạm y tế lưu động, đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tiếp tục tổ chức tiêm trả mũi 2 và trẻ em dưới 18 tuổi theo tiến độ cấp vaccine của Bộ Y tế (đến nay đã bao phủ cho 92,2% trẻ em từ 15-17 tuổi; 41,4% trẻ em từ 12- 14 tuổi).

Chuẩn bị cách thức vận hành, quản trị xã hội trong tình hình mới

Để ngăn chặn, kiểm soát kịp thời, hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, Chủ tịch UBND TP cho biết TP đã xác định 11 nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch Covid-19. Trong đó nhấn mạnh chuyển đổi tư duy, phương pháp, biện pháp, tổ chức thực hiện từ quản lý không Covid-19 (Zero Covid) sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong.

Chủ động theo dõi sát tình hình dịch bệnh Covid-19, nhất là biến thể do chủng mới Omicron gây ra, sẵn sàng các phương án, kịch bản theo hướng dẫn của Bộ Y tế; Thí điểm thu dung điều trị bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ (F0) trên địa bàn xã phường, thị trấn với phương châm “4 tại chỗ”. Điều chỉnh thời gian thực hiện cách ly tập trung các trường hợp tiếp xúc gần (F1) xuống còn 14 ngày. Thực hiện tốt công tác quản lý cách ly các trường hợp F1, F0 tại nhà đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, huy động tối đa nguồn lực từ các cơ sở y tế T.Ư, ngoài công lập cho công tác phòng, chống dịch bệnh của TP. Thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dưới 18 tuổi theo Kế hoạch của TP. Xây dựng phương án cụ thể, chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện bảo đảm an toàn để sớm tổ chức cho các cháu học sinh cấp 3, cấp 2 tại các quận/huyện/thị xã đi học trở lại.

Tiếp tục củng cố hệ thống y tế cơ sở, bố trí trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc điều trị, ô xy để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, công tác phòng, chống dịch trong mọi tình huống.

Tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, chủ thể của người dân, doanh nghiệp trong chủ động tổ chức phòng, chống dịch và sản xuất kinh doanh, bảo đảm giao thông vận tải, lưu thông hàng hóa, không để xảy ra ách tắc cục bộ. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong mọi tình huống. Kiên quyết kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của TP.

Ưu tiên công sức và thời gian để kiểm soát dịch bệnh

Nhấn mạnh vào việc chuẩn bị cách thức vận hành, quản trị xã hội trong tình hình mới, Chủ tịch UBND TP cho rằng đây là cơ hội cùng cũng là yêu cầu thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số, cụ thể: Trước mắt tăng cường ứng dụng CNTT, cải cách hành chính thực chất theo xu hướng này.

Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm tổng quát, đặc biệt là việc triển khai thực hiện những chủ trương lớn mang tính định hướng dài hạn cho mục tiêu phát triển Thủ đô, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết TP sẽ tập trung chỉ đạo tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Triển khai các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong các ngành, lĩnh vực. Chủ động các kịch bản phòng, chống tương ứng với các cấp độ của dịch. Ưu tiên công sức, thời gian và nguồn lực để kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tạo cơ sở để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Tiếp tục thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Theo tinh thần này, đối với những vấn đề dân sinh bức xúc trong quá trình phát triển đô thị sẽ được UBND TP khẩn trương ban hành văn bản chỉ đạo cùng với việc tổ chức Kế hoạch thanh tra, kỷ luật, kỷ cương gắn cá thể hóa trách nhiệm đối với 6 nhóm vấn đề: công tác quy hoạch; quản lý quy hoạch; quản lý trật tự đô thị; trật tự xây dựng; quản lý đất đai và khai thác khoáng sản; nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 và tạo thuận lợi cho triển khai thực hiện kế hoạch những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, TP sẽ tập trung hoàn thành một số nhiệm vụ lớn, mang tính định hướng dài hạn phát triển Thủ đô. Trong đó, hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Hoàn thiện Quy hoạch điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, báo cáo Bộ Xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý II/2022.

Chủ tịch UBND TP cũng nhấn mạnh, năm 2022, UBND TP tiếp tục đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng sâu sát, quyết liệt, rõ trách nhiệm, với phương châm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Trong đó tiếp tục coi trọng tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng phục vụ người dân và doanh nghiệp; bảo đảm tập trung, dân chủ, trách nhiệm, hiệu quả; các quyết định, chính sách của lãnh đạo UBND TP luôn được công khai, minh bạch.