Chủ trương đúng, cách làm hay

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đánh dấu sự đổi thay toàn diện của nông nghiệp, nông thôn và đời sống của người nông dân Thủ đô. Thành quả đó không chỉ đến từ chủ trương đúng đắn, cách làm sáng tạo mà còn nhờ sự chung sức, đồng lòng của đông đảo người dân.

Thực hiện Nghị quyết số 15 ngày 29/5/2008 của Quốc hội, địa giới hành chính của Thủ đô được mở rộng. Diện tích, dân số lớn, tổng đơn vị hành chính nhiều thứ 3 cả nước; hạ tầng kỹ thuật thiếu đồng bộ; sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún… là những yếu tố xuất phát điểm khiến nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) của Hà Nội đứng trước nhiều thách thức.
 Hiện nay huyện Đan Phượng đã xây dựng được 74 tuyến đường với 12,3 km ''đường có hoa''.
Trong bối cảnh đó, TP Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển toàn diện 3 nhóm lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhiều cách làm sáng tạo đã được áp dụng vào thực tiễn triển khai, điển hình là việc lựa chọn, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ xây dựng NTM có trọng tâm, trọng điểm theo thứ tự ưu tiên, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.
Đặc biệt, gần 10 năm qua, TP đã huy động được 76.541 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM. Trong đó, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước từ các tổ chức, DN và Nhân dân là 14.751 tỷ đồng (chiếm gần 20% tổng kinh phí xây dựng NTM).
Chủ trương đúng đắn gắn liền với những cách làm sáng tạo đã giúp nông nghiệp, nông thôn Thủ đô bước sang trang mới với nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Đến tháng 9/2019, tổng số xã đạt chuẩn NTM của Hà Nội cao hơn nhiều so với bình quân chung cả nước, đồng thời vượt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/11/2017 về việc giao kế hoạch các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016 – 2020.
Những kết quả ấn tượng trên không chỉ đến từ sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Thành ủy, UBND TP Hà Nội, mà còn ghi dấu đậm nét những đóng góp hết sức quan trọng của người dân. Việc làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền đã tạo được niềm tin trong Nhân dân về chủ trương đúng đắn của Đảng, chính sách của Nhà nước và TP. Không quá khi nói rằng, những thành quả xây dựng NTM mà Hà Nội có được ngày hôm nay là kết quả tất yếu của sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn Thủ đô.
Lãnh đạo T.Ư và TP Hà Nội đã nhiều lần nhấn mạnh "Xây dựng NTM là quá trình có bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc". Bài toán nâng chất NTM cho Hà Nội trong giai đoạn tiếp theo được đặt ra, đòi hỏi các cấp, ngành tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm và đổi mới cách làm. Nhưng dù trong bối cảnh nào, phát huy dân chủ luôn cần được coi trọng, xem như chiếc chìa khóa và động lực cho sự phát triển.
Muốn vậy, các cấp, ngành từ T.Ư đến TP Hà Nội phải công khai, minh bạch ở tất cả các khâu, nhất là trong việc huy động và sử dụng các nguồn lực đầu tư. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Nhân dân. Bởi thực tiễn cho thấy, ở nơi đâu có đoàn kết nội bộ tốt, phát huy dân chủ thực sự, người đứng đầu quyết liệt vào cuộc thì xây dựng NTM ở đó sẽ đạt kết quả cao và bền vững.