Chưa có phương án xử lý tài sản không rõ nguồn gốc

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 13/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về một số vấn đề lớn trong Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Quy định thu thuế thu nhập cá nhân với tài sản, thu nhập không giải trình hợp lý vẫn còn những băn khoăn.

Băn khoăn với các phương án
Nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với phương án thu thuế thu nhập cá nhân (phương án 1); một số ý kiến tán thành phương án xử phạt hành chính (phương án 2). Ngoài 2 phương án mà Chính phủ trình xin ý kiến, theo Chủ tịch Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, còn phương án do đại biểu Quốc hội đề xuất. Theo đó, đề nghị quy định cụ thể: Tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc sau khi có kết luận phải phân biệt rõ: Nếu tài sản, thu nhập có dấu hiệu do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có, tài sản, thu nhập chưa nộp thuế thì xử lý như phương án 1. Riêng tài sản, thu nhập tuy người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc nhưng nếu không thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì vẫn thuộc về người có nghĩa vụ kê khai; do đó, không cần phải sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân.
 Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Mai Bộ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Văn Điệp
Qua cân nhắc các phương án tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu, Ủy ban Tư pháp và Cơ quan trình Dự Luật thống nhất chọn phương án thu thuế thu nhập cá nhân. Đây là phương án có nhiều yếu tố hợp lý, đáp ứng được các yêu cầu về phòng, chống tham nhũng, phù hợp với điều kiện của nước ta hiện nay và khả thi nhất. Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Tư pháp và Cơ quan trình Dự Luật đề nghị UBTV Quốc hội báo cáo cấp có thẩm quyền và xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu về 2 phương án: phương án thu thuế thu nhập cá nhân và phương án do đại biểu đề xuất.

Vấn đề khó, cần tiếp tục nghiên cứu

Thảo luận về vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Mai Bộ cho rằng, đối với tài sản kê khai không trung thực, không giải trình được hợp lý về nguồn gốc đó là quan hệ sở hữu. Do đó, đề nghị xử lý phải theo con đường tố tụng dân sự, tức là giao cho tòa án. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt vấn đề, nếu bằng con đường tố tụng dân sự để xử lý tài sản tăng thêm mà không giải trình được nguồn gốc hoặc giải trình không hợp lý thì ai là nguyên đơn, ai là bị đơn dân sự? Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng phân vân về cơ sở để áp dụng mức thuế thu nhập cá nhân 45% như Dự Luật đề xuất và cho rằng, những nội dung liên quan đến thuế thì phải sửa đổi bằng luật thuế để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Dự án Luật PCTN (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu và qua 2 Kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên, về xử lý tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý nguồn gốc, còn rất nhiều ý kiến thảo luận. Quy định trong Dự Luật hiện nay chưa thuyết phục cả pháp lý và lý luận thực tiễn. Bởi nếu tài sản tham nhũng tịch thu 100%, nhưng tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp mà thu thuế, gọi là thu nhập vãng lai thì không có cơ sở thuyết phục. UBTV Quốc hội yêu cầu, các cơ quan liên quan cần tiếp tục bàn bạc để đưa ra phương án hợp lý hơn và báo cáo với cơ quan có thẩm quyền, báo cáo với Bộ Chính trị, sau đó xin ý kiến đại biểu Quốc hội trước khi trình ra Quốc hội tại Kỳ họp tới.

Chiều 13/7, trước khi bế mạc Phiên họp thứ 25, UBTV Quốc hội đã tổng kết Kỳ họp thứ 5 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần