Chưa cụ thể cơ chế bảo vệ người tố cáo từ luật

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơ chế bảo vệ người tố cáo là một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm khi thảo luận Dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về việc nên hay không thu hẹp đối tượng bảo vệ để khuyến khích người dân thực hiện quyền tố cáo.

3 nội dung bảo vệ
Dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) vừa đưa ra thảo luận tại phiên họp vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục được hoàn chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Về quy định liên quan đến người được bảo vệ, Dự Luật quy định theo hướng thu hẹp đối tượng được bảo vệ chỉ bao gồm người tố cáo.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo nhận thấy, về cơ bản, quyền và lợi ích hợp pháp người tố cáo, những người liên quan đến người tố cáo đều được bảo vệ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, cần có những biện pháp tích cực, chủ động hơn để bảo vệ kịp thời, hiệu quả quyền của người tố cáo. Dự Luật kế thừa quy định về đối tượng bảo vệ là người tố cáo, xác định rõ hơn đối tượng “người thân thích của người tố cáo” là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất quy định tại Bộ luật Dân sự, đồng thời xác định rõ các căn cứ, điều kiện để được bảo vệ.
 Hình minh họa.
Dự Luật cũng quy định nội dung bảo vệ gồm: Bảo vệ bí mật thông tin, bảo vệ vị trí việc làm, bảo vệ các quyền công dân tại nơi cư trú của người tố cáo, thu hẹp hơn so với Luật hiện hành. Bên cạnh đó, để khắc phục hạn chế trong áp dụng pháp luật thời gian qua, tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện trên thực tế, Dự Luật cũng được chỉnh lý, bổ sung các quy định về trách nhiệm của các cơ quan trong việc bảo vệ, nội dung các biện pháp bảo vệ, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp bảo vệ.
Rõ để khả thi
Quy định này là một nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội và cũng có những quan điểm khác nhau, tuy nhiên các ý kiến đều cho rằng quy định về nội dung bảo vệ cần cụ thể, thiết thực để có tính khả thi. Như cần làm rõ nội dung bảo vệ những gì, phạm vi bảo vệ đến đâu, ai là người quyết định bảo vệ, lực lượng nào làm nhiệm vụ bảo vệ, biện pháp bảo vệ là gì. Tất cả những vấn đề này đều phải được làm rõ, nếu không trong thực tiễn không thể làm được.
Theo ĐB Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam), theo Dự Luật, các quy định về đối tượng, phạm vi, thời hạn bảo vệ, trình tự thủ tục bảo vệ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ người tố cáo nhằm bảo vệ người tố cáo có tính khả thi hơn, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội mà không chồng chéo, trùng lặp với các quy định của luật khác như pháp luật về dân sự, hình sự, hành chính. Tuy nhiên, cần nghiên cứu quy định cụ thể hơn về biện pháp bảo vệ, công tác phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc xử lý, giải quyết tố cáo nói chung và công tác bảo vệ người tố cáo nói riêng.
ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, nên mở rộng thêm đến vợ, chồng, con chưa thành niên, như vậy không mở rộng thêm quá nhiều mà cũng không để lọt người được bảo vệ. Nếu Dự Luật chỉ bảo vệ người tố cáo thì chưa đủ, người tố cáo được bảo vệ chặt chẽ của cơ quan chức năng thì muốn trả thù sẽ quay sang người thân, mà vợ, chồng, con là gần gũi nhất. Như vậy tương đối phù hợp, ít tốn kém và không gây khó khăn cho cơ quan bảo vệ.
Nhiều ý kiến đề xuất, cần quy định từng giai đoạn trách nhiệm cơ quan nào chủ trì, phối hợp, nhằm đề cao trách nhiệm của các cơ quan trong việc giải quyết tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo.