Chùa Phúc Khánh bảo đảm số người dự lễ cầu an trong khuôn viên di tích

Nguyên Bảo - Ảnh: Duy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 23/2 (tức 14 tháng Giêng năm Giáp Thìn), tại Tổ đình Phúc Khánh (quận Đống Đa) đã diễn ra đại lễ cầu an đầu năm Giáp Thìn 2024.

Để bảo đảm hoạt động cầu an diễn ra thuận lợi, trong những ngày diễn ra các buổi lễ, lực lượng chức năng quận Đống Đa đã thường xuyên tuần tra, nắm tình hình để đảm bảo an ninh và trật tự đô thị tại bên trong và bên ngoài khu vực hành lễ…

Quang cảnh bên trong khu vực hành lễ tại Tổ đình Phúc Khánh.
Quang cảnh bên trong khu vực hành lễ tại Tổ đình Phúc Khánh.

Chùa Phúc Khánh hay còn gọi Tổ đình Phúc Khánh là một ngôi chùa cổ, được xây dựng từ thời Hậu Lê. Khoảng hơn chục năm gần đây, cứ vào dịp đầu năm, chùa Phúc Khánh lại tổ chức lễ cầu an để cầu nguyện quốc thái dân an nên thu hút hàng nghìn du khách, phật tử đến hành lễ.

Vẫn như thông lệ, bắt đầu từ ngày 29 tháng Chạp đến khoảng 20 tháng Giêng âm lịch hàng năm, Tổ đình Phúc Khánh lại tổ chức nhiều các khóa lễ cầu an cho các gia đình. Hàng năm, ngôi chùa này thu hút hàng vạn người dân đến đăng ký cầu an.

Có mặt tại Tổ đình Phúc Khánh tối 23/2 (tức 14 tháng Giêng năm Giáp Thìn), phóng viên ghi nhận hình ảnh rất đông du khách, phật tử đi lễ tại đây. Do năm nay khoá lễ được chia làm nhiều ngày nên không xảy ra tình trạng đông đúc tại khu vực trước cửa cũng như trong khuôn viên chùa. Bên trong khuôn viên chùa du khách cũng như các phật tử đều được hướng dẫn ngồi theo hàng để đảm bảo trật tự tại khu vực làm lễ.

Các phật tử đến hành lễ được bố trí ngồi theo hàng để bảo đảm trật tự.
Các phật tử đến hành lễ được bố trí ngồi theo hàng để bảo đảm trật tự.

Đồng thời, bên ngoài cũng như trong khuôn viên chùa đều có lực lượng chức năng của 2 phường Thịnh Quang và Ngã Tư Sở thường xuyên làm nhiệm vụ hướng dẫn, phân luồng nên tình hình an ninh trật tự luôn được đảm bảo.

Đối với công tác bảo đảm an ninh trật tự, lãnh đạo 2 phường Thịnh Quang và và Ngã Tư Sở cho biết, các phường đã yêu cầu các tổ dân phố tuyên truyền, vận động người dân không đốt vàng mã và tiến hành rà soát các cơ sở thờ tự. Trong đó, chùa Phúc Khánh là nơi được người dân đến xin lộc đầu năm đông, được các phường đặc biệt quan tâm, chú trọng tuyên truyền, vận động. Đến nay, chùa Phúc Khánh chỉ làm lễ cầu an, dâng sớ cho các tăng, ni, phật tử, không dâng sao giải hạn, không đốt hình nhân thế mạng…

Clip: Hàng nghìn phật tử tham dự Lễ cầu an tại chùa Phúc Khánh, tối 23/2.

Cụ thể, các phường đã yêu cầu nhà chùa thực hiện tốt các quy định của pháp luật về tổ chức hoạt động tôn giáo, nghiêm cấm việc phát hành, tuyên truyền các loại hình văn hóa phẩm liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo không được cấp phép và các hoạt động mê tín dị đoan. Phường cũng phối hợp với chùa Phúc Khánh tổ chức tuyên truyền, vận động người dân, khách thập phương khi tham gia các buổi lễ nâng cao tinh thần tự giác, bảo đảm an ninh trật tự, thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự.

Liên quan việc đảm bảo hoạt động cầu an tại đây, trước đó, UBND quận Đống Đa đã có Công văn đề nghị chùa Phúc Khánh tổ chức lễ cầu an và các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tại chùa. Theo đó, căn cứ số lượng tín đồ, phật tử, du khách thập phương đăng ký lễ tại chùa để sắp xếp, bố trí các khóa lễ phù hợp trong khuôn viên chùa.

Các phật tử thực hiện tụng kinh tại khu vực bên trong khuôn viên chùa Phúc Khánh.
Các phật tử thực hiện tụng kinh tại khu vực bên trong khuôn viên chùa Phúc Khánh.

Tổ chức các khóa lễ đầu năm bảo đảm trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không đốt vàng mã, tránh những nội dung không phù hợp với truyền thống của Phật giáo. Phối hợp với chính quyền 2 phường (Thịnh Quang, Ngã Tư Sở) và các đơn vị liên quan đảm bảo an ninh, trật tự công cộng, giao thông, vệ sinh môi trường đảm bảo theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước, văn bản chỉ đạo của Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam…

Theo sư thầy Thích Minh Đức - người phụ trách các công việc tại chùa Phúc Khánh, hàng năm, đến Tết Nguyên tiêu, chùa Phúc Khánh thường cử hành khóa lễ cầu an cả năm cho tất cả các gia đình, cũng như cầu nguyện cho quốc thái dân an.

Năm nay, nhà chùa vẫn làm lễ cầu an, bắt đầu từ tối ngày mùng 6 tháng Giêng đến trước rằm tháng Giêng và cử hành nghi thức lễ cầu an cho tất cả các gia đình có nguyện vọng đăng ký. Chùa Phúc Khánh cũng không đốt vàng mã, không rải tiền lẻ.

Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ phân luồng, bảo đảm trật tự giao thông bên ngoài khu vực cổng chùa Phúc Khánh.
Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ phân luồng, bảo đảm trật tự giao thông bên ngoài khu vực cổng chùa Phúc Khánh.

Vừa qua, nhà chùa cũng đã quán triệt với tất cả tăng ni, phật tử trong chùa nhằm bảo đảm thực hiện các nghi thức, tín ngưỡng an toàn, tiết kiệm, đúng pháp luật. Đồng thời, để bảo đảm an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, nhà chùa cũng đã bố trí số lượng phật tử đến cầu an phù hợp với khuôn viên.

Nhà chùa cũng đã có thông báo công khai về các chương trình lễ hội cầu an Xuân Giáp Thìn. Để khắc phục tình trạng hàng vạn người đổ về trong một ngày như trước năm 2019, nhà chùa cũng đã chia nhỏ lễ vào các ngày từ mùng 6 tháng Giêng cho đến 14 tháng Giêng. Mỗi ngày cầu an cho khoảng 2.000 - 3.000 người, không tập trung vào một ngày như trước đây, nhằm bảo đảm an ninh trật tự.