Chứng khoán 14/6: Mua mới hay cơ cấu lại danh mục đầu tư?

Diệu Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- VN-Index tiếp tục chinh phục mốc cao mới, vượt ngưỡng 1.120 điểm. NVL của Novaland gây chú ý, khi trao tay hơn 77 triệu cổ phiếu trong phiên. Giới phân tích cho rằng, xu hướng ngắn hạn duy trì hiện tại vẫn là xu hướng tăng giá.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

VN-Index leo dốc, một cổ phiếu trao tay khủng

Tâm điểm của phiên 14/6  là giao dịch của cổ phiếu Novaland (NVL). Khối lượng khớp lệnh cao nhất thị trường, đạt hơn 77,6 triệu đơn vị, gấp hơn hai lần so với mã đứng thứ hai là HPG.

Đây cũng là phiên thanh khoản cao nhất của NVL kể từ cuối tháng 11/2022 và ghi nhận phiên có thanh khoản lớn thứ 3 của cổ phiếu này kể từ khi niêm yết, sau 2 phiên 22/11/2022 (hơn 128,5 triệu cổ phiếu) và 28/11/2022 (hơn 104 triệu cổ phiếu). NVL tăng kịch trần lên 15.600 đồng/cổ phiếu.

Thông tin mới nhất về NVL là báo cáo giao dịch của nhóm cổ đông lớn. Theo đó, CTCP NovaGroup, đã bán ra hơn 14,42 triệu cổ phiếu NVL từ ngày 10/5 đến 08/6 và giảm sở hữu tại NVL xuống còn 539,95 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 27,69%.

Ngoài ra, Công ty CP Diamond Properties, một cổ đông lớn khác của NVL đã bán ra hơn 4,54 triệu cổ phiếu NVL từ ngày 9/5 đến 1/6 và giảm sở hữu tại NVL xuống còn hơn 197 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 10,1%.

Cùng với NVL, nhiều bluechip tăng giá mạnh mẽ, hỗ trợ đắc lực cho đà tăng của VN-Index. VCB, VHM giao dịch tích cực nhất. VCB tăng tiếp 1,5% lên 102.500 đồng/cổ phiếu. Nhóm ngân hàng có BID, HDB củng cố thêm đà tăng cho chỉ số chính. Các mã lớn như nhóm Vingroup, BVH, GVR, ... cùng tăng giá.

Cổ phiếu thép đặc biệt tích cực. HPG, HSG, NKG giữ thanh khoản cao, giá tiếp tục tăng. HPG tăng 2% lên 23.400 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh 37 triệu đơn vị. NKG trao tay hơn 21 triệu cổ phiếu, cao nhất trong 1 quý vừa qua. Câu chuyện thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong năm 2023 được kỳ vọng là cú hích cho sự tăng trưởng nhu cầu sắt thép phục vụ xây dựng.

Bên cạnh lực cầu mạnh mẽ trong nước giúp các cổ phiếu thép đua nhau khởi sắc, nhà đầu tư nước ngoài cũng tham gia cuộc đua tích cực khi mua ròng mạnh nhất cổ phiếu HPG với gần 150 tỷ đồng. Tính chung trên toàn thị trường trong phiên 13/6, nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại mua ròng 11,77 triệu đơn vị, trong khi phiên giao dịch hôm qua ngày 12/6 bán ròng 2,96 triệu đơn vị. Tổng giá trị là mua ròng 224,64 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với phiên trước đó (mua ròng 81,59 tỷ đồng).

Kết thúc phiên này, VN-Index tăng 6,44 điểm (0,58%) lên 1.122,46 điểm. HNX-Index tăng 0,88 điểm (0,38%) lên 230,25 điểm. UPCoM-Index tăng 0,47 điểm (0,56%) lên 85 điểm. Thanh khoản thị trường tăng nhẹ, giá trị khớp lệnh HoSE hơn 16.440 tỷ đồng.

Thị trường hấp dẫn để đầu tư tích lũy

Chứng khoán Tân Việt (TVSI) nhận định, xu hướng ngắn hạn duy trì hiện tại vẫn là xu hướng tăng giá. Nhà đầu tư muốn mua mới hay cơ cấu danh mục nên tập trung vào các nhóm ngành dẫn đầu như bất động sản, chứng khoán, thép và ngân hàng hoặc các nhóm ngành hồi phục sau như cảng biển, hóa chất, dược phẩm và bán lẻ.

Nhóm phân tích của Chứng khoán ACBS cho rằng, VN-Index vẫn đủ hấp dẫn để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu ở mức giá hợp lý. ACBS kỳ vọng, một số quy định quan trọng sẽ được xem xét tại kỳ họp Quốc hội tháng 5 sẽ tác động tích cực đến đầu tư công và nhiều lĩnh vực khác như bất động sản, xây dựng, y tế, cung ứng vật liệu.

Việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất cơ bản ba lần kể từ đầu năm có thể tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường chứng khoán nhờ kỳ vọng dòng tiền nhàn rỗi sẽ chuyển dịch sang thị trường chứng khoán khi lãi suất huy động giảm, lãi suất thấp cũng có thể cải thiện lợi nhuận của các công ty sử dụng nhiều nợ và thúc đẩy việc mở rộng kinh doanh nhờ tăng cường vay vốn để nắm bắt cơ hội trong bối cảnh nhu cầu yếu từ cả thị trường bên trong và bên ngoài.

Lo ngại của nhà đầu tư hiện nay không chỉ đến từ bên ngoài với nỗi lo suy thoái do giá cả tăng cao kéo dài, bất ổn địa chính trị thế giới và sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư nước ngoài, mà còn từ bên trong với tình trạng thiếu điện làm gián đoạn hoạt động sản xuất và kinh doanh. Đồng thời rủi ro ngắn hạn trên thị trường trái phiếu vẫn còn do lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vào quý II, III/2023, tuy nhiên áp lực này đang giảm dần sau khi nhiều ngân hàng đã mua lại lượng lớn trái phiếu sau khi thông tư 03/2023/TT-NHNN được ban hành.

Do đó, đánh giá triển vọng trong ngắn hạn, ACBS kỳ vọng tích cực với nhóm chứng khoán và bất động sản khu công nghiệp. Do việc hạ lãi suất điều hành cũng như lãi suất huy động của NHNN sẽ tác động tích cực đến nhóm chứng khoán.

Đối với nhóm bất động sản khu công nghiệp, các doanh nghiệp sẽ hưởng lợi từ xu hướng mở rộng, di dời hoặc đa dạng hoá cơ sở sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Dự kiến nguồn cung đất công nghiệp ở phía Bắc nhiều hơn phía Nam nhờ cơ sở hạ tầng phát triển và giá thuê đất có thể tiếp tục tăng, nhưng với tốc độ chậm hơn. Trong dài hạn, ACBS kỳ vọng vào nhóm ngân hàng; bất động sản khu công nghiệp; hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng (FMCG, dệt may, bán lẻ) và năng lượng điện sẽ được hưởng lợi.