Chứng khoán 19/3: Thanh khoản mất hút, khối ngoại xả gần 900 tỷ đồng

Hương Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thanh khoản trong phiên hôm nay giảm một nửa so với phiên hôm qua, chỉ đạt 23 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, khối ngoại tiếp tục xả gần 900 tỷ đồng.

Thanh khoản sụt giảm một nửa

Hôm nay thị trường mở phiên hưng phấn trong khoảng 30 phút đầu tiên, sau đó dòng tiền yếu dần rồi mất hút khiến Vn-Index phục hồi bất thành. Kết phiên hôm nay, VN-Index giảm 1,1 điểm tương đương 0,09% xuống còn 1.242 điểm. 

Toàn thị trường có 350 mã giảm, 381 mã tăng.
Toàn thị trường có 350 mã giảm, 381 mã tăng.

Thanh khoản toàn thị trường chỉ đạt hơn 23 nghìn tỷ đồng, thấp đột biến so với các phiên gần đây. Trong đó bất động sản hút 4,6 nghìn tỷ đồng, ngân hàng hút hơn 3 nghìn tỷ đồng.

Top các cổ phiếu tích cực hôm nay có sự góp mặt của 1 mã thuộc họ Vingroup là VHM và VIC (đóng góp 0,7 và 0,66 điểm). Ở phía ngược lại, người anh em còn lại của họ Vin là VRE (Vincom Retail) lại nằm trong top 3 cổ phiếu tiêu cực nhất phiên khi lấy đi của VN-Index 0,4 điểm, tiếp đó là FPT (-0,66 điểm) và BID (-1,1 điểm).

Cổ phiếu bất động sản hạ nhiệt sau khi ngược chiều thị trường thăng hoa trong phiên hôm qua. Nhiều mã giảm đáng kể như VRE giảm 2,9%, NVL giảm 1,2%, KDH giảm 1,61%, PDR giảm 1,37%, DIG giảm 1,81%, NLG giảm 1,87%, VPI giảm 1,03%, DXG giảm 2,63%, CTD giảm 1,82%, LGC giảm kịch sàn. Tuy nhiên, bộ đôi vốn hóa lớn nhất sàn là VHM - VIC đều tăng gần 2%.

Cổ phiếu ngân hàng giao dịch khá ảm đạm khi đa phần biến động chưa tới 1%. Chỉ có MSB và EIB là tăng trên 1% và OCB giảm hơn 3%. 

Cổ phiếu chứng khoán phân hóa, theo đó, SSI giảm 1,36%, VND giảm 0,65%, VCI giảm 1,93%, VIX giảm 2,28%, FTS giảm 0,83%, BSI giảm 0,86%, VDS giảm 0,91%, ngược lại cũng có vài mã tăng như HCM (1,11%), CTS (1,95%), AGR (0,5%), TVS (0,62%).

Ngành thép có phần hạ nhiệt, kết phiên HPG chỉ tăng 0,68% trong khi HSG tăng 2,54%; tuy nhiên NKG vẫn tăng mạnh 6,33%. Cổ phiếu này cũng ghi nhận mức mua ròng mạnh từ khối ngoại với giá trị lên đến 88 tỷ đồng trong phiên hôm nay, tương đương 3,5 triệu cổ phiếu. Đây cũng là cổ phiếu thứ 2 được khối ngoại xuống tiền mua nhiều nhất trong phiên hôm nay, sau VIC.

Khối ngoại hôm nay tiếp tục phiên bán ròng thứ 6 liên tiếp với 872 tỷ đồng trong đó chủ yếu tập trung bán ròng cổ phiếu của quỹ FUEVFVND (-451 tỷ đồng), tiếp đến là SSI (-159 tỷ đồng), VRE (-85 tỷ đồng), VPB (-80 tỷ đồng)... Ở chiều ngược lại, khối này mua hơn 195 tỷ đồng cổ phiếu VIC, 88 tỷ đồng NKG, 45,7 tỷ đồng HDC ...

Bất ngờ cổ phiếu Eximbank liên tục tăng trong 2 phiên thị trường giảm điểm

Bất chấp vụ lùm xùm liên quan đến khoản nợ tín dụng hơn 8 tỷ của một khách hàng, cổ phiếu của Eximbank vẫn tăng liên tiếp trong 2 phiên thị trường giảm điểm, dù mức tăng không nhiều. Kết phiên hôm nay 19/3, cổ phiếu này tăng 200 đồng/cp tương đương 1,09% lên 18.600 đồng/cp.

Trong con sóng vừa qua, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng mạnh ở mức 2 chữ số, thậm chí TCB, CTG, MBB, BID còn tăng trên 20% từ đầu năm. Bất ngờ trong danh sách này lại có EIB của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Sự xuất hiện của EIB trong nhóm không tăng gây bất ngờ bởi cổ phiếu này là một trong những cái tên được khối ngoại mua ròng nhiều nhất sàn chứng khoán từ đầu năm 2024 với giá trị hơn 500 tỷ đồng. Tuy nhiên áp lực từ dòng tiền nội là nguyên nhân chính đẩy lùi cổ phiếu của Eximbank trong bối cảnh tình hình kinh doanh của nhà băng này cũng không mấy khả quan.

Về kết quả kinh doanh năm 2023, Eximbank ước tính lợi nhuận trước thuế đạt 2.720 tỷ đồng, giảm gần 27% so với thực hiện năm 2022. Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản Eximbank ở mức 201.399 tỷ đồng (tăng 8,8% so với hồi đầu năm); huy động vốn đạt mức 158.329 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đạt 140.524 tỷ đồng. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng vọt lên mức 2,7%.

Sự việc vay thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng, sau 11 năm chậm trả, khách hàng mang nợ hơn 8,8 tỷ đồng tại Quảng Ninh được truyền thông báo chí đăng tin gần đây đã làm dấy lên những mối quan ngại của khách hàng. Sự lo lắng đến từ sự khó hiểu về khoản tiền khủng xuất phát từ số nợ vay rất nhỏ ban đầu (8 triệu đồng); cũng như băn khoăn về việc tại sao ngân hàng "bỏ rơi" khách hàng và món nợ xấu trong một khoản thời gian dài như vậy.