Chứng khoán châu Á giảm mạnh do FED chưa chắc chắn về đợt hạ lãi suất mới

Nguyễn Thu (Theo Reuters, CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cổ phiếu châu Á giảm điểm trong phiên 26/6 sau khi phát biểu của các quan chức FED làm dấy lên một số nghi ngờ về khả năng hạ lãi suất trong tháng 7 tới.

Chứng khoán châu Á lao dốc
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell hôm 25/6 cho biết, ngân hàng này đang đánh giá xem liệu những bất ổn kinh tế hiện nay có đòi hỏi phải hạ lãi suất hay không. Ông Powell lưu ý FED sẽ dùng cách tiếp cận chờ xem về những thay đổi kinh tế gần đây diễn ra nhanh chóng như thế nào.
“Ngân hàng trung ương cũng tin rằng lạm phát của Mỹ sẽ quay trở lại mức mục tiêu 2%, dù với tốc độ chậm hơn kỳ vọng” - ông Powell nói thêm. Chủ tịch FED cũng cho biết Cơ quan này vẫn độc lập với “các lợi ích chính trị ngắn hạn”.
 Thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt giảm điểm trong ngày 26/6.
Trước đó, thị trường chứng khoán thế giới đã phục hồi mạnh trong tháng này, đặc biệt các cổ phiếu trên sàn Phố Wall đang ghi nhận mức tăng cao kỷ lục, sau khi FED phát tín hiện sẽ cắt giảm lãi suất vào đầu tháng tới tại cuộc họp chính sách hồi tuần trước.
Theo dữ liệu mới nhất từ ​​chương trình FedWatch của CME Group, các hợp đồng tương lai của quỹ liên bang cho thấy các nhà giao dịch giảm dự đoán còn khoảng 27% khả năng FED hạ lãi suất xuống một nửa điểm trong tháng 7, giảm mạnh so với tỷ lệ 42% ngày 24/6.
Chỉ số chứng khoán Australia giảm 0,15% trong phiên giao dịch này. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc hạ 0,1%. Tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei cũng sụt 0,6%.
Trên thị trường Trung Quốc, chỉ số tổng hợp Thượng Hải giảm 0,15% và chỉ số Hang Seng trên sàn Hồng Kông mất 0,1%.
Chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á-Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản giảm 0,2%.
Chiến lược gia cấp cao Masahiro Ichikawa của Sumitomo Mitsui DS Asset Management cho biết, mặc dù các bình luận của ông Powell không làm thay đổi kỳ vọng rằng FED sẽ sớm nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng lại tác động tiêu cực đến thị trường cổ phiếu”.
Nhà đầu tư đang tập trung vào hội nghị thượng đỉnh G20. Kỳ vọng trên thị trường về một bước đột phá trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là khá thấp, do đó, bất kỳ dấu hiệu cải thiện nào cũng có thể là tin vui đối với tài sản rủi ro.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số Dollar Index, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, tăng 0,15% lên 96,289 điểm. Chỉ số này phục hồi từ 95,843 điểm trong ngày 25/6, mức thấp nhất kể từ ngày 21/3, sau những bình luận từ các quan chức hàng đầu của FED.
Tỷ giá đồng USD so với yen Nhật nhích 0,2% ở mức 1 USD đổi được 107,385 yen sau khi chạm đáy gần 6 tháng là 106,780 yen. 
Phố Wall phủ sắc đỏ do giới đầu tư thất vọng với FED
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong ngày 25/6, dẫn đầu là đà giảm mạnh của lĩnh vực công nghệ, sau khi những nhận định từ các quan chức hàng đầu FED làm dịu tâm lý lạc quan của nhà đầu tư về khả năng hạ lãi suất trong tháng tới.
Lĩnh vực công nghệ thuộc S&P 500 sụt 1,8% khi cổ phiếu Microsoft lao dốc hơn 3%.
Chủ tịch FED Jerome Powell ngày 25/6 nói rằng sự không chắc chắn dần lớn hơn về thương mại quốc tế và nỗi lo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể bắt đầu thể hiện qua dữ liệu kinh tế, mặc dù các quan chức FED không biết điều đó có thể kéo dài bao lâu hoặc mức độ nghiêm trọng của nó ra sao.
Phát biểu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York, ông Powell cho biết: “Câu hỏi mà các đồng nghiệp của tôi và tôi đang phải đối mặt là liệu những sự bất ổn này sẽ tiếp tục gây sức ép đến triển vọng và do đó có cần phải bổ sung chính sách điều chỉnh hay không”.
Chủ tịch FED tại St. Louis, ông James Bullard nói với Đài Bloomberg rằng ông không nghĩ nền kinh tế Mỹ đủ mạnh để đảm bảo cắt giảm 50 điểm cơ bản vào tháng 7 tới.
Những nhận định của ông Powell và Bullard đã góp phần làm tăng tâm lý tiêu cực trong phiên, vốn đã bị khơi dậy bởi chỉ số niềm tin người tiêu dùng thấp nhất trong hơn 1 năm rưỡi.
Chứng khoán Mỹ nhuộm sắc đỏ trong phiên 25/6.
Conference Board cho biết chỉ số niềm tin người tiêu dùng giảm xuống 121.5, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2017, thấp hơn cả dự báo giảm xuống 131,1 từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Refinitiv. Conference Board đã chỉ ra rằng căng thẳng thương mại leo thang là nguyên nhân dẫn đến sự mất niềm tin.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/6, chỉ số Dow Jones sụt 178 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 31/5. Chỉ số S&P 500 lùi 0,95% và chỉ số Nasdaq Composite giảm 1,5%.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã lùi xuống đáy trong phiên, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm rớt xuống dưới mốc 2%.
Thị trường cũng đang chờ cuộc họp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, vào cuối tuần này. Cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của 2 nhà lãnh đạo kể từ khi các cuộc đàm phán thương mại đổ vỡ vào tháng 5, dẫn đến Mỹ nâng thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tờ Bloomberg đưa tin các quan chức Mỹ đã làm giảm kỳ vọng vào cuộc họp này bằng cách khẳng định Mỹ sẽ không thay đổi lập trường về việc Trung Quốc phải thực hiện những cải cách kinh tế quan trọng.