Chứng khoán lao dốc mạnh

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường chứng khoán (TTCK) mở đầu tuần mới (9/3) chìm trong sắc đỏ, với hàng loạt cổ phiếu (CP) bị bán tháo ở mức giá sàn.

Chỉ số chứng khoán liên tục phá thủng các ngưỡng hỗ trợ 850 điểm, 840 điểm, thiệt hại gần 8 tỷ USD vốn hóa. Đã khá lâu rồi VN - Index mới xảy ra tình trạng giảm mạnh đến như vậy.

VN-Index mất hơn 50 điểm

Bước vào phiên giao dịch sáng, thông tin về các ca nhiễm mới Covid-19 đã khiến TTCK chịu ảnh hưởng và nhanh chóng sụt giảm. Áp lực bán trên diện rộng khiến các chỉ số chìm ngập trong sắc đỏ, trong đó VN-Index rơi thẳng xuống dưới mốc 840 điểm, giảm 51,4 điểm (-5,77%), có tới 345 mã giảm, gấp hơn 10 lần mã tăng (31 mã).
Thị trường chứng khoán Việt trong những ngày qua khá ảm đạm do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. 

Ảnh: Công Hùng

HNX-Index giảm 6,95 điểm (-6,12%), xuống 106,7 điểm. Toàn thị trường chứng kiến việc giảm sàn xảy ra với nhiều mã đáng chú ý như BVH, HCM hay PVD. Nhiều nhóm ngành khác cũng xuất hiện các mã giảm sàn như: HSG, HVN, FLC, PNJ, D2D, TCM, DXG, LDG, HCM, ROS, MWG... Trong khi đó, các mã ngân hàng có thời điểm nhích lên trong thời gian ngắn nhưng lực cung mạnh lại đẩy giá đi xuống.
Đầu phiên chiều, thị trường còn bi đát hơn khi nhà đầu tư (NĐT) vẫn bất chấp bán ra bằng mọi giá. Con số các mã giảm sàn hiện đã lên tới 143 mã so với 27 mã tăng và 16 mã đứng giá tham chiếu. Đóng cửa, VN-Index tiếp tục để mất tới 6,28% xuống 835,49 điểm.
Theo tính toán sơ bộ, HOSE đang thiệt hại gần 8 tỷ USD vốn hóa trong phiên 9/3. Chỉ số HNX-Index thậm chí còn đang giảm sâu hơn cả VN-Index khi để mất 7,36% xuống 193,47 điểm.

Chứng khoán Việt giảm mạnh nhất khu vực

Thị trường trong nước giảm là điều đã được dự báo khi bước vào phiên giao dịch đầu tuần này khi các thông tin về các ca nhiễm Covid - 19 mới liên tục được công bố vào 2 ngày cuối tuần. Tuy vậy, việc NĐT bất chấp bán ra các CP lớn nhỏ bằng mọi giá, cho thấy tâm lý bất ổn, hoang mang.
Tại khu vực châu Á, chỉ có NIKKEI 225 (-5,9%) và ASX200 (-6,13%) ghi nhận các mức giảm mạnh. Các thị trường còn lại dù tiêu cực nhưng vẫn chưa thể so sánh được với Việt Nam. Việt Nam thành thị trường tiêu cực nhất khu vực khi mất tới 6,28%.
Nhóm phân tích tới từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, tâm lý thị trường đang chịu tác động từ cả diễn biến dịch bệnh Covid -19 và hoạt động bán ròng của khối ngoại. Tốc độ lây lan dịch bệnh nhanh chóng đã tạo áp lực lên các nền kinh tế và làm dấy lên lo ngại về sự suy thoái toàn cầu.
Mặc dù chưa có những nghiên cứu định lượng cụ thể liệu các DN niêm yết trong nước trên TTCK bị tổn hại như thế nào nhưng tâm lý thị trường đang chịu tác động từ cả diễn biến dịch bệnh và hoạt động bán ròng của khối ngoại.
Tuần qua, NĐT nước ngoài đã bán ròng lên đến 1.482 tỷ đồng trên toàn thị trường. Chỉ tính riêng trên sàn HOSE, kể từ sau Tết Canh Tý đến nay, khối ngoại đã bán ròng tới 3.940 tỷ đồng.
Dịch Covid -19 bùng phát đã tác động mạnh tới thị trường kể từ thời điểm sau Tết Nguyên Đán. Tuy vậy, NĐT nước ngoài bán ròng không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết các thị trường châu Á. Công ty S&P Global cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng này có thể khiến các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương thiệt hại 211 tỷ USD trong năm nay và đẩy tăng trưởng xuống mức 4%, mức yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo có quá nhiều quốc gia chưa triển khai tất cả những biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh gây chết người này.
Tại Việt Nam, Chính phủ vừa ra Chỉ thị số 11/CT-TTg chỉ đạo các giải pháp cấp bách, gỡ khó cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Chính phủ phối hợp cùng các ngân hàng thương mại (NHTM) công bố gói hỗ trợ tín dụng 285.000 tỷ đồng với lãi suất thấp và một gói hỗ trợ từ chính sách tài khóa ít nhất 30.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các NHTM rà soát và tạo điều kiện cho các DN bị ảnh hưởng. Dự thảo thông tư hướng dẫn có thể sẽ sớm được hoàn tất.
Các chuyên gia tới từ BSC nhận định, trạng thái bán ròng chỉ dừng hẳn hoặc chuyển sang mua ròng khi tình hình dịch ổn định và DN nhanh chóng tiếp cận được các gói hỗ trợ thông qua các quyết định điều hành của Chính phủ.

"TTCK Việt Nam đang trong một xu hướng giảm giá dài hạn từ 2018 đến nay và rõ ràng là chưa hề kết thúc. Hiện chỉ số chứng khoán liên tục phá thủng các ngưỡng hỗ trợ 850 điểm, 840 điểm. Ngưỡng hỗ trợ tiếp theo của Vn-Index được cho là mốc 830-835 điểm." - Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng BIDV - BSC