Chứng khoán Mỹ bất an với Fed, Dow Jones giảm gần 100 điểm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ biến động trái chiều phiên ngày 5/12 trong bối cảnh thị trường không chắc chắn về xu hướng điều chỉnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong phiên ngày 5/12. Ảnh: AP
Chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong phiên ngày 5/12. Ảnh: AP

Chỉ số Dow Jones và S&P 500 giảm phiên thứ hai liên tiếp khi các nhà đầu tư thận trọng theo dõi một loạt dữ liệu kinh tế mới, bao gồm báo cáo việc làm, để đánh giá xác suất cắt giảm lãi suất của Fed vào đầu năm 2024.

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 5/12, chỉ số Dow Jones sụt 79,88 điểm (tương đương 0,22%) xuống còn 36.124,56 điểm. S&P 500 mất 0,06% về mức 4.567,18 điểm. Tuy nhiên, Nasdaq Composite nhích nhẹ 0,31% lên mức 14.229,91 điểm nhờ đà phục hồi của nhóm cổ phiếu công nghệ.

Cổ phiếu GitLab tăng 11,5% sau khi công bố doanh thu và lợi nhuận trong quý 3 vượt kỳ vọng của giới phân tích cũng như đưa ra dự báo mạnh mẽ cho quý hiện tại. Cổ phiếu Nio cộng 1,5% sau khi hãng sản xuất xe điện tới từ Trung Quốc báo cáo mức thua lỗ thấp hơn trong quý III/2023. 

Trước phiên giao dịch ảm đạm này, cả 3 chỉ số chính trên sàn Phố Wall đã mất điểm trong phiên giao dịch đầu tuần, làm gia tăng tâm lý hoài nghi của nhà đầu tư rằng liệu thị trường đã tăng quá nhanh và quá xa hay không. Sự điều chỉnh hôm 4/12 diễn ra sau 5 tuần tăng liên tiếp của cả Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite. 

“Phiên giao dịch hôm nay là sự đảo ngược một chút xu hướng khởi sắc của tháng 11. Hiện còn quá sớm để kết luận là tâm lý ham thích rủi ro của nhà đầu tư đã hết hay chưa” - chiến lược gia trưởng Rhys Williams của công ty Spouting Rock nói với đài CNBC.

Bất chấp diễn biến kém khởi sắc trong hai phiên vừa qua, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đang trên đà ghi nhận quý tăng điểm, cho thấy sức mạnh từ đợt phục hồi của thị trường. 

Đà giảm điểm của các chỉ số chính được thu hẹp ở cuối phiên giao dịch sau khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm mạnh xuống dưới mức 4,2%. Động thái này diễn ra khi dữ liệu cho thấy thị trường lao động tại Mỹ hạ nhiệt.

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, tổng vị trí cần tuyển dụng trong tháng 10 là 8,7 triệu, thấp hơn nhiều so với dự báo từ Dow Jones và cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021. 

Cổ phiếu công nghệ hưởng lợi lớn nhất sau khi đón nhận số liệu việc làm. Các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn như Apple hay Nvidia đều tăng hơn 2%. Trong đó, giá trị vốn hóa của Apple một lần nữa vượt qua ngưỡng 3.000 tỷ USD. 

Trong khi đó, chỉ số Russell 2000 lại giảm hơn 1%. Tuy nhiên, chỉ số của cổ phiếu vốn hóa nhỏ đã đi lên hơn 5% trong tháng qua, làm gia tăng hy vọng về một đợt phục hồi trên toàn thị trường. 

Ông Greg Bassuk - Giám đốc điều hành của AXS Investments, nói rằng diễn biến trên thị trường cổ phiếu hôm 5/12 phản ánh “nhà đầu tư đang không chắc chắn về xu hướng điều chỉnh lãi suất của Fed trong thời gian tới.

Phần lớn các nhà giao dịch tin rằng Fed có thể đã kết thúc chiến dịch thắt chặt tiền tệ do lạm phát đang hạ nhiệt và gần như chắc chắn Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách tuần tới.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, thị trường đặt cược Fed sẽ thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên với mức 0,25% vào tháng 3/2024 và tổng cộng 5 lần hạ lãi suất trong năm tới.

Tuy nhiên, chiến lược gia cấp cao của BlackRock là bà Wei Li hôm 5/12 cảnh báo rằng nhà giao dịch đã sai lầm khi kỳ vọng Fed cắt giảm mạnh lãi suất vào năm 2024.

“Hiện tại, kỳ vọng của thị trường về thời điểm Fed bắt đầu hạ lãi suất cũng như số lần cắt giảm trong năm tới là hơi quá mức. Phải xảy ra vấn đề gì đó thực sự nghiêm trọng thì Fed mới cắt giảm lãi suất mạnh tay như vậy” – chuyên gia Li lưu ý, đồng thời dự đoán rằng trong năm tới sẽ có ít nhất một lần hạ lãi suất.

Trong ngày 8/12 tới, báo cáo bảng lương phi nông nghiệp toàn diện hơn cho tháng 11 sẽ cung cấp sự rõ ràng hơn về tình trạng của thị trường lao động Mỹ.