Chứng khoán Mỹ đảo chiều ngoạn mục, Dow Jones nhảy vọt 400 điểm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong phiên ngày 4/11 với sự chú ý của nhà đầu tư hướng đến cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ của Mỹ vào tuần tới.

Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong phiên ngày 4/11. Ảnh: Reuters
Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong phiên ngày 4/11. Ảnh: Reuters

Theo CNBC, đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones tăng thêm 401,97 điểm (tương đương 1,26%) lên mức 32.403,22 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng 1,36% lên 3.770,55 điểm, còn Nasdaq Composite tiến 1,28% lên mức 10.475,25 điểm.

Tất cả 11 nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đều phục hồi mạnh, đặc biệt là các nhóm vật liệu và tài chính. Những cổ phiếu mang tính phòng thủ như y tế và tiện ích chứng kiến mức tăng khiêm tốn hơn.

Mặc dù khởi sắc trong phiên cuối tuần, song cả 3 chỉ số chính trên sàn Phố Wall đều ghi nhận mức giảm trong tuần qua. Cụ thể, chỉ số Dow Jones mất 1,4%, đứt mạch 4 tuần tăng liên tiếp. Trong khi đó, hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt sụt 3,35% và 5,65%, chấm dứt chuỗi 2 tuần tăng liên tiếp.

Giới đầu tư cổ phiếu đang có những quan điểm trái ngược sau báo cáo việc làm mới nhất. Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS) sáng 4/11 cho biết nền kinh tế lớn nhất thế giới tạo ra thêm 261.000 việc làm phi nông nghiệp, cao hơn mức dự báo 205.000 của giới chuyên gia.

Một số nhà đầu tư lo ngại rằng con số 261.000 việc làm mới sẽ là cơ sở để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì lập trường chính sách tiền tệ cứng rắn để kiềm chế lạm phát. Số khác lại cho rằng thị trường lao động đã bắt đầu có dấu hiệu giảm nhiệt, dù với tốc độ còn chậm chạp, vì tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 3,7%.

Phát biểu trên đài CNBC, chiến lược gia trưởng Anthony Saglimbene của Ameriprise Financial cho biết: “Đã có hai câu chuyện khác nhau về cùng một chủ đề được quan tâm trên thị trường Phố Wall ngày hôm nay. Tôi không cho là nhà đầu tư đã kết luận được chính xác số liệu việc làm này có ý nghĩa như thế nào sau những tín hiệu mà Fed phát đi sau cuộc họp chính sách trong tuần này”.

Tỷ lệ lạm phát tại Mỹ trong tháng 10 là 3,7%, cao hơn mức 3,5% trong tháng 9 và tương đương với tháng 8.

Những ngày gần đây, giới đầu tư trên sàn Phố Wall cố gắng giải mã những phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell đưa ra vào hôm thứ Tư, nhằm xác định xem đến thời điểm nào thì Ngân hàng trung ương Mỹ có thể chuyển sang lập trường mềm mỏng hơn, như giảm tốc độ tăng lãi suất, dừng nâng lãi suất, hoặc thậm chí là hạ lãi suất.

Bà Nela Richardson, nhà kinh tế trưởng của ADP, nhận định rằng bên cạnh số liệu việc làm, trong thời gian sắp tới Fed có thể sẽ cân nhắc thêm các dữ liệu kinh tế khác trước khi đưa ra quyết định về chính sách tiền tệ. “Nhiều khả năng Fed sẽ xem xét các dữ liệu về thị trường nhà ở hoặc các biện pháp tài chính khác để hạ nhiệt lạm phát trong bối cảnh thị trường việc làm vẫn tăng trưởng vững vàng” - chuyên gia Richardson nói.

Trong tuần tới, tâm điểm chú ý của nhà đầu tư sẽ là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10. Nếu lạm phát giảm, điều này được xem là dấu hiệu chứng tỏ những đợt tăng lãi suất từ đầu năm đến nay đã bắt đầu phát huy tác dụng và có thể sắp đến thời điểm Fed bớt “diều hâu” hơn.

Ngoài ra, sự chú ý của nhà đầu tư trong tuần tới cũng sẽ hướng đến cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ của Mỹ vào ngày 8/11.

Trong một diễn biến khác, giá nhiều cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Mỹ như Pinduoduo, JD.com và Alibaba đồng loạt đi lên sau khi có nhiều tin đồn và suy đoán về việc Trung Quốc sắp tái mở cửa nền kinh tế sau gần 3 năm phong tỏa chống Covid-19.