Chứng khoán Mỹ đảo chiều ngoạn mục, S&P 500 dứt chuỗi lao dốc liền 4 phiên

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ giao dịch khởi sắc hơn trong phiên giao dịch đầu tháng 9 khi nhà đầu tư kỳ vọng vào số liệu tích cực của báo cáo việc làm tháng 8 sẽ được công bố trong ngày 2/9.

Chỉ số Dow Jones và S&P 500 chấm dứt chuỗi 4 phiên giảm điểm liên tiếp  khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/9. Ảnh: AP
Chỉ số Dow Jones và S&P 500 chấm dứt chuỗi 4 phiên giảm điểm liên tiếp  khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/9. Ảnh: AP

Theo CNBC, các chỉ số chính trên sàn Phố Wall mở cửa phiên giao dịch ngày 1/9 trong sắc đỏ. Tuy nhiên, chỉ số Dow Jones dần chuyển biến khả quan và đóng cửa phiên tăng 145,99 điểm, tương đương 0,46%, và dừng ở mức 31.656,42 điểm. S&P 500 cũng cộng 0,3% lên mức 3.966,85 điểm khi chốt phiên. Đà tăng này đã chấm dứt chuỗi 4 phiên giảm điểm liên tiếp của cả hai chỉ số.

Trong khi đó, Nasdaq Composite giảm khoảng 0,3% xuống 11.785,13 điểm, chứng kiến chuỗi 5 phiên giảm điểm đầu tiên kể từ tháng 2/2022. Tuy nhiên, chỉ số này đã thu hẹp đà giảm sâu ở đầu phiên giao dịch.

Cổ phiếu hãng sản xuất chip Nvidia sụt gần 7,7% sau khi chính phủ Mỹ hạn chế xuất khẩu chip sang Trung Quốc. Cổ phiếu Intel cũng giảm 0,5%, Advanced Micro Devices lao dốc 3%.

Phiên giao dịch trái chiều của chứng khoán Mỹ diễn ra trong bối cảnh lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng vượt mốc 3,5% và ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 11/2007.

Thị trường Phố Wall suy giảm trong những tuần gần đây khi nhà đầu tư đón nhận các bình luận mang tính “diều hâu” của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Lãnh đạo FED thể hiện quyết tâm tăng mạnh lãi suất trong thời gian dài để kiềm chế lạm phát, bất chấp những rủi ro với kinh tế có thể xảy ra.

Theo ngân hàng UBS, tâm lý lo ngại về quan điểm diều hâu hơn của FED đã khiến đà bán tháo tăng mạnh trở lại từ cuối tuần trước.

Ông Mark Haefele, Giám đốc đầu tư của Global Wealth Management, đánh giá: “Chúng tôi dự báo FED sẽ tăng lãi suất thêm 1% vào cuối năm nay nếu lạm phát vẫn tăng cao, điều này sẽ khiến thị trường cổ phiếu tiếp tục biến động mạnh hơn”.

Giới đầu tư đang đánh giá xem liệu các chỉ số cổ phiếu trong tháng 9 có kiểm định lại mức đáy hồi giữa tháng 6 hay không. Trong lịch sử, thị trường chứng khoán Mỹ thường diễn biến tiêu cực vào tháng 9.

Theo thống kê của công ty nghiên cứu CFRA, chỉ số S&P 500 giảm trung bình 0,56% trong các tháng 9 kể từ sau Thế chiến II đến nay, xác suất giảm trong tháng 9 là 56%. Sang tháng 10, chỉ số này tăng trung bình 0,9%. Tháng 11 và tháng 12 cũng là những giai đoạn tích cực cho cổ phiếu với chỉ số S&P 500 tăng bình quân lần lượt 1,4% và 1,6%.

Ông John Lynch - Giám đốc đầu tư của Comerica Wealth Management, nhận định với đài CNBC: “Thị trường có khả năng quay lại mức đáy của tháng 6 trong vài tuần tới khi nhà đầu tư cuối cùng đã nhận ra cường độ thắt chặt chính sách tiền tệ của FED. Lạm phát và suy thoái thường dẫn tới định giá thị trường giảm đi và các nhà đầu tư cần xem xét lại mức định giá khi lãi suất tăng”.

Theo chuyên gia Lynch, việc thị trường không tái lập mức đáy hồi tháng 6 sẽ là một diễn biến quan trọng khi giúp xóa tan những lo ngại về biến động trong những tháng tới.

Hiện nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo việc làm tháng 8, dự kiến được công bố vào sáng ngày thứ Sáu (theo giờ Mỹ). Báo cáo việc làm đặc biệt quan trọng vì đây là một trong những số liệu kinh tế chính yếu cuối cùng để FED cân nhắc trước khi nâng lãi suất tại cuộc họp vào tháng 9 tới.

Các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tạo thêm 318.000 việc làm trong tháng 8 và tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức 3,5%. Mức lương bình quân mỗi giờ cũng được dự báo tăng 0,4% so với tháng trước đó, tương ứng mức tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái.