Chứng khoán Mỹ “điên đảo", S&P 500 và Nasdaq Composite lao dốc mạnh nhất 3 tháng

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ ghi nhận tuần giao dịch tồi tệ nhất trong nhiều tháng khi đà bán tháo lan rộng trước lo ngại về đà giảm tốc của kinh tế toàn cầu.

Phiên giao dịch trên sàn chứng khoán New York, Mỹ ngày 7/9/2022. Ảnh: Reuters
Phiên giao dịch trên sàn chứng khoán New York, Mỹ ngày 7/9/2022. Ảnh: Reuters

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 16/9, chỉ số Dow Jones sụt 139,40 điểm (tương đương 0,45%) xuống còn 30.822,42 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,72% về mức 3.873,33 điểm, trong khi đó Nasdaq Composite cũng giảm 0,90% xuống 11.448,40 điểm.

Tính chung cả tuần qua, Dow Jones và Nasdaq Composite mất lần lượt 4,1% và 5,5%. S&P 500 cũng mất gần 4,8%. Đây là tuần giảm sâu nhất của S&P và Nasdaq kể từ tháng 6/2022, đồng thời là tuần giảm điểm thứ 4 trong 5 tuần gần nhất của cả ba chỉ chính trên sàn Phố Wall.

Giá cổ phiếu của FedEx “bay” 21,4%, chứng kiến mức giảm mạnh nhất trong một phiên giao dịch, sau khi hãng vận chuyển này chỉ ra sự suy thoái ở châu Á là một trong những lý do chính dẫn đến triển vọng tiêu cực của công ty. Cổ phiếu các công ty vận chuyển đối thủ UPS và XPO Logistics cũng lần lượt sụt 4,5% và 4,7%, và cổ phiếu Amazon hạ 2,1%.

Diễn biến nhóm cổ phiếu vận tải thường được coi là chỉ dấu dự báo triển vọng thị trường chứng khoán cũng như kinh tế Mỹ. 

Thông báo kém khả quan được FedEx đưa ra ngay sau báo cáo lạm phát nóng hơn dự báo của Mỹ vào ngày 13/9, làm gia tăng lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ buộc phải tiếp tục tăng lãi suất, kìm hãm nền kinh tế để kiềm chế lạm phát. Dữ liệu đó đã khiến Dow Jones “bốc hơi” hơn 1.200 điểm.

Diễn biến của sàn Phố Wall thời gian gần đây trái ngược hoàn toàn với xu hướng khởi sắc từ giữa tháng 6 khi nhà đầu tư lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ trước một loạt báo cáo kết quả kinh doanh khả quan cùng với dữ liệu tăng trưởng việc làm ổn định. Tuy nhiên, kỳ vọng của giới đầu tư về một giai đoạn thị trường giá lên ngày càng mờ nhạt hơn khi dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vừa được công bố hôm 13/9 cho thấy lạm phát tiếp tục diễn biến phức tạp. 

Chuyên gia phân tích đầu tư Callie Cox tại công ty môi giới eToro, nhận xét: “Nhà đầu tư đang rất quan ngại về nền kinh tế toàn cầu và tác động đối với nền kinh tế Mỹ. Hiện kinh tế Mỹ cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề rất nghiêm trọng”.

Trong tuần tới, giới đầu tư sẽ hướng sự quan tâm đặc biệt đến cuộc họp tiếp chính sách của Fed sẽ diễn ra trong hai ngày 20-21/9 tới.

Phần lớn nhà đầu tư dự báo FED sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất trong thời gian tới, rủi ro đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái. Trên thị trường lãi suất tương lai, xác suất FED tăng lãi suất thêm 0,75% hiện ở ngưỡng 76%, theo dữ liệu từ CME Group. Nhà đầu tư trên thị trường Phố Wall cũng gia tăng dự báo ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất với cấp độ tương tự trong tháng 11 tới. 

Trong ngày 16/9, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm, vốn nhạy cảm với kỳ vọng lãi suất, tăng lên 3,859%, mức cao thứ hai từ đầu năm nay. 

Ngân hàng Goldman Sachs cho rằng thị trường Phố Wall sẽ tiếp tục rung lắc trong thời gian tới do nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ khó tránh khỏi rủi ro rơi vào tình trạng suy thoái khi FED phải mạnh tay hơn trong chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát.