Chứng khoán Mỹ “hồi sinh” sau phiên bán tháo, Dow Jones vọt hơn 300 điểm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -  Cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt quay đầu tăng mạnh trong ngày 21/12 sau khi trải qua phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 9.

Cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng tăng mạnh trong ngày 21/12. Ảnh: AP
Cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng tăng mạnh trong ngày 21/12. Ảnh: AP

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số Dow Jones tăng 322,35 điểm (tương đương 0,87%) lên mức 37.404,35 điểm và Nasdaq Composite nhích 1,26% lên 14.963,87 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng cộng 1,03% lên 4.746,75 điểm và chỉ còn cách mức đóng cửa kỷ lục khoảng 1%.

Đà khởi sắc của S&P 500 diễn ra trên diện rộng, khi hơn 450 mã chứng khoán thuộc chỉ số này đi lên. Cổ phiếu Micron Technology có mức tăng ấn tượng nhất với 8,6% nhờ kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng trong quý trước cũng như do công ty đưa ra dự báo tích cực cho quý hiện tại. 

Cổ phiếu của các công ty bán dẫn cũng phục hồi mạnh trong phiên ngày thứ Năm. Trong đó, cổ phiếu Intel và Advanced Micro Devices (AMD) lần lượt tăng 2,9% và 3,3%. 

Salesforce là một trong những mã cổ phiếu dẫn đầu đà tăng điểm trong nhóm chỉ số Dow Jones, khi nhảy vọt 2,7% nhờ việc được ngân hàng Morgan Stanley nâng triển vọng.

Trong ngày 20/12,  thị trường Phố Wall chứng kiến phiên giảm mạnh nhất trong nhiều tháng. Chỉ số Dow Jones và Nasdaq Composite đã có phiên giao dịch khó khăn nhất kể từ tháng 10, và đứt mạch tăng 9 phiên liên tiếp. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 ghi nhận phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 9.

Chiến lược gia trưởng Rhys Williams tại Spouting Rock Asset Management, nhận định: “Thị trường Phố Wall chuyển trạng thái từ tăng xuống giảm khá nhanh. Tôi cho rằng phiên bán tháo hôm 20/12 chỉ là một đợt điều chỉnh kỹ thuật sau một khoảng thời gian tăng mạnh mẽ".

Từ mức chốt phiên thấp nhất vào tháng 10 đến nay, chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều phục hồi hơn 15%, còn Nasdaq Composite leo dốc hơn 18%.  

Lực đẩy chính cho thị trường cổ phiếu trong thời gian gần đây là kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm tới,  với đợt giảm lãi suất đầu tiên có thể diễn ra từ tháng 3/2024 và tổng số lần giảm lãi suất trong năm 2024 có thể lên đến 6 lần.

Thị trường đang đặt cược khả năng 71,3% Fed sẽ giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 3, theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME.

Giới đầu tư đang chờ Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát của Fed ưa chuộng - để dự đoán quyết định về chính sách của Ngân hàng T.Ư Mỹ. Dự kiến, chỉ số này sẽ được công bố vào ngày thứ Sáu.

Theo CNBC, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Mỹ trrong quý 3 dự kiến thấp hơn dự báo của giới phân tích. Theo ước tính của Cục phân tích kinh tế, GDP trong quý 3/2023 có thể đạt mức tăng 4,9%, thấp hơn mức dự báo 5,1% của các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones.

Theo chuyên gia kinh tế cấp cao Simon MacAdam tại Capital Economics, việc điều chỉnh các tuyến vận tải hàng hóa qua Biển Đỏ để tránh các cuộc tấn công của lực lượng Houthi khó có thể đảo ngược những tiến bộ đã đạt được trong cuộc chiến chống lạm phát . 

“Chúng tôi dự đoán đợt tăng giá dầu gần đây chỉ kéo dài trong ngắn hạn, tình trạng thiếu hụt hàng hóa sẽ không xảy ra và chi phí vận chuyển hàng hóa sẽ không biến động” – chuyên gia MacAdam cho hay.

Capital Economics nhận định rằng hoạt động sản xuất hàng hóa sẽ không bị ảnh hưởng bởi tình hình bất ổn ở Biển Đỏ cũng như việc tàu hàng phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng và miền nam châu Phi, với khoảng cách xa hơn.