Chứng khoán Mỹ: Nhà đầu tư ồ ạt bán tháo, Dow Jones sụt gần 800 điểm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt lao dốc do lo ngại lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga trở thành hiện thực, đẩy giá dầu tăng vọt và khiến lạm phát vượt tầm kiểm soát.

Chỉ số Dow Jones lao dốc gần 800 điểm trong phiên ngày 7/3. Ảnh: CNBC
Chỉ số Dow Jones lao dốc gần 800 điểm trong phiên ngày 7/3. Ảnh: CNBC

Thị trường Phố Wall giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 7/3 khi nhà đầu tư gia tăng lo ngại rằng giá năng lượng leo thang do xung đột Nga-Ukraine sẽ khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc và lạm phát tăng mạnh.

Chốt phiên giao dịch ngày thứ Hai, chỉ số Dow Jones “bay” 797,42 điểm, tương đương 2,37%, xuống còn 32.817,38 điểm, chịu tác động từ đà lao dốc gần 8% của cổ phiếu American Express. Chỉ số S&P 500 mất 3% về mức 4.201,09 điểm, giảm sâu vào vùng điều chỉnh. Chỉ số này đã sụt hơn 12% so với mức đóng cao kỷ lục. Chỉ số Nasdaq Composite cũng giảm 3,6% còn 12.830,96 điểm, và hiện đang ở trong trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống do đã giảm hơn 20% kể từ mức đóng cửa cao kỷ lục mọi thời đại.

Trong bối cảnh xung đột vũ trang Nga-Ukraine tiếp diễn, giới đầu tư đang theo dõi xem liệu sự gián đoạn nguồn cung năng lượng toàn cầu do cuộc xung đột tại Ukraine có thể tác động thế nào đến nền kinh tế.

Chiến lược gia trưởng Jim Paulsen của Leuthold Group nhận xét: "Tình trạng lạm phát đình trệ đang nhanh chóng trở thành mối quan tâm chủ yếu trong các chiến lược quản lý danh mục. Việc chuẩn bị cho kịch bản tăng trưởng giảm tốc và lạm phát tăng cao đang là nỗi lo và là nhân tố khiến nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra cổ phiếu”.

Giá dầu mỏ trong phiên giao dịch đầu tuần có thời điểm tăng kỷ lục lên mức cao nhất kể từ năm 2008 sau tin Mỹ và châu Âu đang xem xét cấm vận dầu mỏ Nga. Giá dầu WTI của Mỹ chạm 130 USD/thùng, sau đó hạ nhiệt còn 119,4 USD. Giá dầu Brent cũng tăng lên 139, 13 USD/thùng và giảm còn 123,31 USD ở cuối phiên.

Cổ phiếu dầu mỏ tiếp tục giao dịch khởi sắc, với Baker Hughes tăng 4,7%; Chevron tăng 2,1%, và Exxon Mobil tăng 3,6%. Trong khi đó, cổ phiếu ngân hàng là nhóm giảm mạnh nhất do tâm lý bất an của nhà đầu tư về tăng trưởng kinh tế. Citigroup giảm 1,8% và US Bancorp hạ 3,9%.

Cổ phiếu McDonald’s, Starbucks và Nike đồng loạt giảm điểm do nhà đầu tư cho rằng mức giá xăng hơn 4 USD/gallon ở Mỹ sẽ gây bất lợi đối với người tiêu dùng. Trong ngày 6/3, giá xăng bình quân ở Mỹ tăng lên mức 4,06 USD/gallon - mức cao nhất kể từ năm 2008, theo dữ liệu của AAA. Cổ phiếu hàng không, các hãng tàu du lịch và công ty lữ hành cũng đồng loạt đi xuống vì lý do tương tự.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 6/3 nói rằng Mỹ và các nước đồng minh châu Âu đang xem xét cấm nhập khẩu dầu thô và khí đốt của Nga nhằm đáp trả việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi viết trong một bức thư gửi các đảng viên Cộng hòa rằng Hạ viện Mỹ đang "xem xét những điều luật mạnh mẽ" để cấm nhập khẩu dầu của Nga nhằm "tăng cường cô lập Nga khỏi nền kinh tế toàn cầu".

Các nhà dự báo nhận định rằng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại và lạm phát ở nước này sẽ tăng cao hơn, kinh tế châu Âu sẽ tiến sát mức suy thoái, và kinh tế Nga sẽ sụt giảm với tốc độ hai con số do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine.

Theo một cuộc khảo sát ý kiến chuyên gia của CNBC với sự tham gia của 14 nhà dự báo, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ năm nay có thể đạt 3,2%, thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 2.

Bên cạnh đó, giới phân tích ở Phố Wall cũng hạ triển vọng thị trường cổ phiếu Mỹ. Ông Ed Yardeni, một nhà đầu cơ giá lên kỳ cựu, đã chuyển sang quan điểm giá xuống, khi dự báo S&P 500 sẽ giảm 16% trong năm nay và kết thúc năm ở mức 4.000 điểm.

Tuần trước, Dow Jones và S&P 500 giảm khoảng 1,3% mỗi chỉ số và đó là tuần giảm thứ tư liên tiếp của Dow Jones. Nasdaq mất khoảng 2,8% trong tuần.

Tuần này sẽ có nhiều số liệu kinh tế quan trọng của Mỹ được công bố, bao gồm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến công bố vào ngày 10/3. Theo dự báo, CPI tháng 2 của Mỹ tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cục Dự trữ Liên bang (FED) sẽ họp phiên thường kỳ trong hai ngày 15-16/3. Nhà đầu tư kỳ vọng lãi suất sẽ được nâng thêm 0,25 điểm phần trăm sau cuộc họp này để kiềm chế lạm phát.