Chứng khoán tiếp tục lao dốc, điều gì đang diễn ra?

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phiên giao dịch ngày 9/2 nhiều nhà đầu tư cho đây là một cơn ác mộng khó lý giải. Nhà đầu tư dường như bị hoảng loạn bởi chỉ số VN-Index đột ngột rơi mất 50 điểm chỉ sau 30 phút giao dịch buổi sáng. Phiên chiều cũng vẫn chìm sâu trong sắc đỏ.

Bluechip tiếp tục náo loạn thị trường

Theo dõi thị trường chứng khoán Mỹ sau khi đóng cửa vào rạng sáng nay (giờ Hà Nội), các chỉ số chứng khoán đều lao dốc. Trong đó, chỉ số Dow Jones giảm gần 1.033 điểm, xuống còn hơn 23.860 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 100,66 điểm, xuống 2.581 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm hơn 274,8 điểm xuống còn hơn 6.777 điểm.

Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng những gì xảy ra ở chứng khoán Mỹ và Anh sẽ không lan sang thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, những lo lắng đã trở thành hiện thực khi chỉ trong 30 phút giao dịch buổi sáng VN-Index đã rơi mất tới gần 50 điểm, mất mốc 1.000 điểm.

Những đợt khớp lệnh liên tục, lực cung giá thấp đã được đẩy ra thị trường khá lớn, nhóm VN30 đều giảm mạnh giá và đứng dưới mốc tham chiếu.
Thị trường chứng khoản.
Một trong những mã giảm sàn và còn dư bán sàn ngay đầu phiên là GAS, giảm tới 6,9% giá, xuống còn 96.800 đồng/cổ phiếu. Khối lượng dư bán sàn lên đến trên 196 ngàn cổ phiếu. Theo sau giảm kịch sàn là PVD, mất 6,8% giá xuống mức 19.100 đồng/ cổ phiếu. Đứng sau là mã PLX giảm gần kịch sàn, mất 6,5% giá xuống còn 72.100 đồng/ cổ phiếu.

Không giảm sàn, nhưng nhiều mã lớn khác đều giảm giá sâu như: ROS cũng giảm tới 6,5% giá xuống mức 143.500 đồng/cổ phiếu. VRE giảm hơn 4% giá xuống mức 47.000 đồng/CP. Các mã VNM, SAB, VIC, VJC đều giảm trên 3% giá so với chốt phiên trước.

Các mã ngân hàng chỉ thu hẹp đà giảm, trong đó BID giảm 1,55% giá và VCB cũng hơn 4% giá. Giảm nhẹ giá còn có STB, CTG. Trong đó mã STB vẫn giao dịch tốt nhất sàn HOSE với 9,16 triệu đơn vị được khớp lệnh phiên sáng. Trong nhóm VN30 chỉ có mã MBB duy nhất đảo chiều tăng giá nhẹ, với mức tăng 1,1% đứng mức giá 28.600 đồng/cổ phiếu cuối phiên.

Chốt phiên buổi sáng, sàn HOSE chỉ có 45 mã tăng, ngược lại có tới 229 mã giảm. VN-Index đứng phiên mất 34,18 điểm, giảm 3,34% giá, xuống mức hơn 989 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 156 triệu đơn vị, với giá trị khớp lệnh đạt 4.052,6 tỷ đồng, tăng tới 62,74% về khối lượng và tăng tới 83,55% về giá trị so với phiên sáng qua.

Sàn HNX sáng nay vẫn đóng cửa trong sắc đỏ, cũng chỉ có 30 mã tăng và 103 mã giảm. Chỉ số HNX-Index giảm 1,73 điểm, tương đương tỷ lệ giảm 1,48% giá xuống hơn 115 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 42,73 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị khớp hơn 601 tỷ đồng, tăng gần 71% về khối lượng và hơn 67% về giá trị so với phiên sáng qua.

Trên sàn UPCoM, sau cú giảm “sốc” đầu phiên đà giảm dần được thu hẹp, khi nhiều mã quay dầu đi lên. Kết thúc phiên, UPCoM-Index vẫn giảm 0,61 điểm, tương đương với tỷ lệ giảm hơn 1% điểm, xuống mức 55,85 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 6,77 triệu cổ phiếu và giá trị khớp đạt 93,18 tỷ đồng.

Như vậy, trong phiên sáng nay các cổ phiếu có mức vốn hóa lớn trên thị trường đều đã giảm mạnh. Nhiều mã đứng phiên ở mức sàn đã khiến cho nhiều nhà đầu tư hoảng loạn không hiểu chuyện gì đang xảy ra trên thị trường chứng khoán những ngày cuối năm.

Mã lớn vẫn làm thị trường rung lắc

Sang phiên chiều, thị trường chứng khoán giao dịch khá sôi động. Nhiều mã lớn đảo chiều tăng giá khớp lệnh trong sắc xanh, như: BID, MBB, VJC, CTD, CII, DHG… đã giúp cho VN-Index vượt lên trên 1.000 điểm sau khi giao dịch 1 giờ.

Dù vậy, nhưng trong VN30 vẫn có những mã giảm sàn như GAS. Lực bán giá sàn vẫn nằm ở nhiều cổ phiếu có vốn hóa lớn. Trong VN30 có 15 mã giảm sâu.

Các mã cổ phiếu bluechip bị bán tháo như: HPG, VNM, VJC, NVL. Trong đó, khối ngoại đã bán ròng trong phiên trên cả 3 sàn mất 6,59 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị khớp lệnh trên 294 tỷ đồng.

HPG dẫn đầu thị trường bán ròng, khối lượng khớp hơn 3,2 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 186,48 tỷ đồng. Sau đó là VNM bị bán ròng 363.210 cổ phiếu, với giá trị bán tương ứng 68,98 tỷ đồng. Bán ròng với giá trị hơn 10 tỷ đồng trong phiên hôm nay còn có các mã VJC, CII, NVL, DIG…

Trên HNX mã PGS cũng là cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất với khối lượng 1,19 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị bán ròng 38,22 tỷ đồng. VGC cũng bị bán ròng 134.900 đơn vị, có giá trị khớp bán hơn 3 tỷ đồng.

Trên UPCoM khối ngoại cũng bán ròng mã IDC với khối lượng 200.600 đơn vị, giá trị tương ứng 4,46 tỷ đồng. Mã ABI cũng bị bán ròng 9.200 đơn vị, với giá trị hơn 203 triệu đồng.

ROS là mã có vốn hóa lớn tiếp tục giảm mạnh tới 6,5% giá xuống sát mức giá sàn 143.500 đồng/cổ phiếu.

Phiên chiều, một số mã lớn đã đảo chiều thành công như: MBB, BID, VPB, STB đều đóng cửa trong sắc xanh với mức tăng từ 0,4% đến hơn 2% giá. Các mã cắt đà rơi của chỉ số VN-Index và đóng cửa trong mốc tham chiếu là: CII, SSI, CTD, DHG, GMD khởi sắc; SAB, NVL…
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/2, chỉ số VN-Index giảm 19,31 điểm, tương đương với mất 1,89% điểm xuống 1.003,94 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 243,23 triệu đơn vị, với giá trị trên 6.434 tỷ đồng, tăng 34% về lượng và 33,8% về giá trị so với phiên hôm qua.
Phiên chiều HNX-Index và UPCoM-Index ddeuf đóng cửa trong sắc xanh. Trong đó, HNX-Index tăng 0,56 điểm lên mức 117,5 điểm. Khối lượng khớp đạt 62,96 triệu đơn vị, và giá trị đạt hơn 891 tỷ đồng, tăng gần 35,5% về lượng và hơn 42% về giá trị so với phiên hôm qua. UPCoM-Index tăng nhẹ 0,02 điểm, lên mức gần 56,5 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 11,37 triệu đơn vị, giá trị khớp đạt hơn 146,6 tỷ đồng. 
Theo nhận định một số chuyên gia tài chính, việc chứng khoán Mỹ, châu Âu lan nhanh sang thị trường chứng khoán toàn cầu đó là nhịp giảm tất yếu kỹ thuật của thị trường. Vì không có thị trường nào tăng liên tục và giảm liên tục. Tuy nhiên, thị trường điều chỉnh mạnh và hơn nữa lại chủ yếu tập trung vào các mã lớn đó là điều bất thường. Vì các đơn vị này cơ bản đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trưởng khá.

Vậy, điều gì làm cho các cổ phiếu này liên tục mất giá? Chuyên gia phân tích, nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư muốn thoát ra khỏi thị trường chứng khoán bởi: Đêm qua (theo giờ Việt Nam), Ngân hàng Trung ương Anh đã công bố sẽ tăng lãi suất đồng bảng nhanh trong năm 2018. Ngoài ra các ngân hàng trung ương trong đó có Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng dự báo tăng lãi suất. Đây mới là mấu chốt dẫn đến nhiều nhà đầu tư bỏ cổ phiếu, chạy theo lãi suất ngân hàng. Một số người còn rút tiền ra tất toán những khoản đầu tư trước đó, như mua nhà ở, đầu tư bất động sản, trả tiền công, tiền lương cho người lao động …

Đối với thị trường Việt Nam và Trung Quốc còn chịu tác động của thời gian khá dài nghỉ Tết Nguyên đán. Một số nhà đầu tư cho biết, nếu họ để tiền trong cổ phiếu thì không sinh lời, nhưng nếu gửi vào ngân hàng thì họ nghỉ Tết mà vẫn có lãi. Mặt khác một số lại trú ẩn đồng tiền trong vàng chờ cơ hội trong dịp thị trường chào đón Vía Thần tài vào ngày Mồng 10 tháng Giêng.

Như vậy, sức hẫn dẫn của lãi suất đang làm nhiều nhà đầu tư chạy theo. Tuy nhiên, chuyên gia vẫn khuyến cáo nhà đầu tư không nên rời bỏ thị trường chứng khoán mà nên nắm giữ đồng thời nhiều công cụ tài chính để hạn chế thấp nhất những rủi ro do thị trường mang đến.