Chuỗi chương trình "Ngược xuôi rối nước": Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà hát Múa rối Thăng Long vừa phối hợp với nhóm TiredCity tổ chức chuỗi chương trình “Ngược xuôi rối nước”. Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng đông đảo của công chúng, tìm ra hướng đi mới trong việc phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống múa rối.

 Chuỗi chương trình ''Ngược xuôi rối nước'': Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống
Cách nhìn của giới trẻ

Trong không khí đông vui, nhộn nhịp của phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm vào dịp cuối tuần, nhiều em thiếu nhi với bút chì, giấy trắng ngồi tập trung trước cổng Nhà hát Múa rối Thăng Long chăm chú vẽ hình ảnh chú Tễu, thuyền rồng, Trạng Nguyên. Khung cảnh ấn tượng ấy được tạo nên bởi hiệu ứng của chương trình “Ngược xuôi rối nước” - do các bạn trẻ thuộc nhóm TiredCity lên ý tưởng và phối hợp với Nhà hát Múa rối Thăng Long tổ chức. Điểm nổi bật trong chuỗi hoạt động là lần đầu tiên những nhân vật thân quen của sân khấu múa rối như chú Tễu, Trạng Nguyên, tứ linh (Long - Lân - Quy - Phượng) được tiếp cận thông qua trưng bày có chủ đề “Một phường rối nước”. Cùng với đó, khách tham quan được nghe những câu chuyện về hoạt động nhà nông vốn quen thuộc với cha ông ta như “Em bé chăn trâu thổi sáo”, “Đánh cáo bắt vịt”, giúp người xem hiểu thêm và có cái nhìn gần gũi hơn với nghệ thuật múa rối.

Linh Nhật Phương – thành viên TiredCity chia sẻ: Với mong muốn giới thiệu những câu chuyện xoay quanh rối nước cũng như lan tỏa nét đẹp của bộ môn nghệ thuật truyền thống, TiredCity tổ chức chương trình “Ngược xuôi rối nước”. Chuỗi sự kiện gồm trưng bày chủ đề “Một phường rối nước”, talkshow giữa giới trẻ và diễn viên Nhà hát Múa rối Thăng Long, trải nghiệm tham quan sân khấu biểu diễn, thưởng thức 14 màn rối nước đặc sắc nhất được chắt lọc từ 400 trò rối nước cổ truyền như “Trống hội Thăng Long”, “Múa rồng”, “Tễu giáo trò”, “Cấy, cầy, tát nước”. TiredCity mong muốn tạo ra sân chơi để công chúng, đặc biệt là giới trẻ có cơ hội để khám phá và trải nghiệm môn nghệ thuật dân gian đã trở thành niềm tự hào, một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Việt Nam.

Tập trung khai thác, quên đầu tư lâu dài

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Nhà hát Múa rối Thăng Long gặp nhiều khó khăn bởi lượng khách quốc tế giảm mạnh. Trước tình hình trên, Nhà hát Múa rối Thăng Long đang phát triển những hướng đi mới, hướng về đối tượng khách nội địa, đặc biệt là thiếu nhi, đồng thời sửa chữa và nâng cấp cơ sở vật chất. Trong bối cảnh đó, Nhà hát đã nhận được lời đề nghị giúp đỡ từ các bạn trẻ thuộc nhóm TiredCity về việc tổ chức chương trình “Ngược xuôi rối nước”.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc điều hành Nhà hát Múa rối Thăng Long - NSƯT Chu Lượng chia sẻ: "Thông qua chương trình “Ngược xuôi rối nước”, tôi thấy giới trẻ hiện nay dành nhiều sự quan tâm cho nghệ thuật dân gian truyền thống nói chung và rối nước nói riêng. Từ lâu, vẫn khẳng định, rối nước là loại hình nghệ thuật giá trị, di sản văn hóa nhưng chưa được được quan tâm thích đáng. Đôi khi, chúng ta tập trung vào khác mà quên đi vấn đề đầu tư lâu dài".

Lãnh đạo Nhà hát Múa rối Thăng Long cho biết, trong buổi talkshow, ông đã thấy được sự khát khao tiếp cận nghệ thuật rối nước của giới trẻ thông qua các câu hỏi đặt ra tại chương trình. “Buổi giao lưu chỉ phát hành 100 vé nhưng thực tế rất nhiều người đăng ký. Ý tưởng của TiredCity là gợi ý để Nhà hát và ngành nghệ thuật có những biện pháp thu hút sự quan tâm của giới trẻ về văn hóa truyền thống" - NSƯT Chu Lượng chia sẻ. Có thể thấy, thông qua chuỗi chương trình "Ngược xuôi rối nước", giới trẻ có thể hiểu được sâu sắc hơn về nghệ thuật múa rối, cũng như giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống ông cha để lại, để từ đó có trách nhiệm cùng bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa ngàn năm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần