Chương trình sách giáo khoa mới: Giáo dục giới tính từ tiểu học

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện tượng trẻ em bị xâm hại, bị lạm dụng ngày càng nhiều, trong khi chương trình giáo dục tiểu học hiện hành chỉ có học sinh (HS) lớp 4, 5 được học vài tiết về giáo dục giới tính, còn lớp 1, 2, 3 hoàn toàn bị bỏ trống.

Khuyết kiến thức trong trường
Bà Ngô Thị Thanh - Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Từ Liêm thừa nhận, khá nhiều HS hiện nay chưa có các kỹ năng tự bảo vệ mình trước những nguy cơ bị xâm hại. Khắc phục điểm yếu đó, trường đã chọn khâu đột phá của năm học này là giáo dục kỹ năng sống cho HS. Tuy nhiên, ngoài lồng ghép trong một số tiết học đạo đức, kỹ năng sống, hoạt động tập thể, chương trình ngoại khóa..., trường mới chỉ tổ chức truyền thông tại sân trường, mời bác sĩ của trung tâm dân số nói chuyện chuyên sâu với HS khối 4, 5 vì cho đây là lứa tuổi đang ở giai đoạn phát triển về thể chất và thay đổi tâm lý. Vậy là với HS lớp 1, 2, đây vẫn là câu chuyện xa vời.

Giờ học Tự nhiên xã hội của học sinh lớp 4 trường Tiểu học Nam Thành Công. Ảnh: Phạm Hùng

Ở góc độ chuyên gia, bà Lê Thị Lan Anh – Viện trưởng Viện Giáo dục & Trí tuệ Việt cũng khẳng định, các nhà trường đang dừng lại ở các lớp liên quan đến môn Sinh học đơn thuần, giáo viên (GV) lại không được đào tạo bài bản. Hơn thế, GV vẫn giữ tâm lý ngại ngùng khi nói đến giới tính, lúng túng về phương pháp, kỹ năng khi giảng dạy cho trẻ. Chương trình học thì rời rạc, HS không nắm được tại sao con trai lại vỡ tiếng, con gái lại có kinh nguyệt... “Ở nước ngoài, giáo dục giới tính được đưa vào giảng dạy từ bậc mầm non. Các tiết học được GV đưa hình ảnh, sách, truyện... rất sinh động. Sách hoặc hình ảnh giới thiệu cho HS từ lúc trẻ lọt lòng, đến biết bò, đi... nam, nữ đến giai đoạn nào phát triển rất cụ thể, bài bản. Còn ở Việt Nam, giáo dục về giới tính chuyên sâu và tình dục an toàn đang khuyết hẳn trong trường học” - bà Anh nhấn mạnh.
Giáo dục trẻ biết phòng tránh bạo hành, xâm hại tình dục là vô cùng cần thiết, nhưng thời lượng tuyên truyền, giáo dục về chủ đề nhạy cảm này cho HS còn ít và chưa bài bản. Thậm chí HS hỏi cô giáo về vấn đề giới tính, cô giáo vẫn “đỏ mặt”, không giải thích rõ ràng, hời hợt và không đi vào cụ thể. Đây là tình trạng chung trong các nhà trường hiện nay.
Tích cực giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường
Thiếu kỹ năng tự bảo vệ mình trước các nguy cơ mất an toàn là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ bị bạo hành, xâm hại tình dục. Thế nên, vấn đề đặt ra hiện nay là trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới dự kiến được áp dụng từ năm 2018, vấn đề giáo dục giới tính sẽ được phân bổ ra sao?
Chia sẻ về câu hỏi này, ông Tạ Ngọc Ký - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết, trong chương trình giáo dục phổ thông, ngoài chương trình, nội dung thể hiện trong chương trình sách giáo khoa (SGK) về giáo dục giới tính, phòng chống xâm hại trẻ em thì còn có các phần giáo dục từ nhà trường thông qua các hoạt động ngoại khóa. Bộ GD&ĐT cũng có thêm Thông tư 04/2014/TT-BGDĐT quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống, hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Tất cả những nội dung đó tạo cơ sở hành lang pháp lý cho các nhà trường tích hợp các nội dung về giáo dục kỹ năng sống, phòng tránh xâm hại cho trẻ em.
Trao đổi xung quanh giáo dục giới tính cho HS, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng chia sẻ, SGK vào chương trình mới sẽ đề cập nhiều hơn tới vấn đề giới tính. Các bài học giúp HS nhận thức được việc bảo vệ mình trước vấn đề xâm hại sẽ có trong các môn như Khoa học đời sống, Kiến thức pháp luật, Sinh học ở các cấp học... Tuy nhiên, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, việc bảo vệ trẻ em không chỉ cần chương trình giáo dục tốt để trang bị kiến thức cho các em, mà cần cả sự phối hợp từ gia đình, xã hội, của các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó, giáo dục và sự quan tâm của gia đình là hết sức quan trọng.
Những vụ việc liên quan an toàn trường học xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm đạo đức nhà giáo và dân chủ trường học. Bộ GD&ĐT đã và đang quyết liệt chỉ đạo để việc nâng cao đạo đức, trách nhiệm của nhà giáo và nâng cao tính dân chủ trong trường học. Toàn ngành sẽ đẩy mạnh các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn trong các cơ sở giáo dục để trường học thực sự là môi trường an toàn, lành mạnh cho HS.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT
Bùi Văn Ga