Chương trình tín dụng xóa nhà tạm cho người nghèo: Trợ lực kịp thời

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 29/KH-UBND ngày 25/1/2018 về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn TP. Từ đây, hàng nghìn ngôi nhà được xây mới, sang sửa, thể hiện sự quan tâm, sẻ chia của cộng đồng với người nghèo.

Mái ấm yêu thương
Chị Chu Thị Thanh, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì có hoàn cảnh rất éo le, chồng mất sớm, bản thân chị lại mắc bệnh ung thư, một mình nuôi 3 con ăn học. Khó khăn thêm chồng chất khi năm 2016, ngôi nhà 4 mẹ con ở bị sập do mưa bão, đành phải dựng tạm túp lều trú thân. Đầu năm nay, thông qua tổ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Hà Nội, chị được tiếp cận vay 25 triệu đồng trong vòng 15 năm. Toàn bộ số tiền này được TP hỗ trợ lãi suất, trong đó 5 năm đầu được ân hạn. Từ năm thứ 6 trở đi mới phải trả dần, mức trả gốc tối thiểu là 10% tổng số vay (tức 2,5 triệu đồng).
 Người dân làm thủ tục vay vốn chương trình nhà ở. Ảnh: Trâm Anh
Ngoài số tiền 25 triệu đồng vay, chị còn được TP hỗ trợ 10 triệu đồng, thêm 10 triệu đồng từ địa phương qua nguồn vốn xã hội hóa và từ Quỹ Vì người nghèo. Với 45 triệu đồng, cùng với số tiền làng xóm giúp đỡ, chị đã xây được căn nhà mới cho các con. “Bao nhiêu năm chỉ ước ao có được căn nhà kiên cố để tránh mưa, bão thì đến nay giấc mơ đó đã thành hiện thực” - chị Thanh xúc động.

Tại xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, bà Kiều Thị Khả, chồng mất do bị nhiễm chất độc da cam. 3 trong số 4 người con của bà bị ảnh hưởng di chứng da cam, cũng bệnh nặng dần rồi mất, còn lại một người sinh năm 1984 thì mất trí. Thân già một mình cặm cụi chăm con trẻ sống trong cảnh thực vật, thật thương tâm. Cũng hoàn cảnh ấy, bà Nguyễn Thị Sâm lẫn chồng, con trai, con dâu và cháu trai bị ảnh hưởng chất độc da cam. Gánh nặng kinh tế đổ dồn cả lên vai bà... Rất nhiều những mảnh đời thương tâm nhưng được sự giúp đỡ của địa phương và NHCSXH Hà Nội, họ đã được tiếp cận nguồn vốn chính sách, xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở.

Về các xã thuộc huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Sóc Sơn… cũng là thời điểm những ngôi nhà được xây dựng từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH vừa hoàn tất. “Chương trình đã mang lại hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa lớn, đáp ứng lòng mong mỏi bấy lâu của người nghèo, khơi dậy tinh thần “tương thân tương ái”, huy động các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm đoàn kết giúp đỡ trong cộng đồng theo đúng chủ trương “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp” - Chủ tịch UBND xã Tích Giang Kiều Bình Thanh bày tỏ.

Không bỏ sót đối tượng nghèo

Theo ông Nguyễn Kim Phung - Giám đốc NHCSXH TP Hà Nội, ngay sau khi ban hành Kế hoạch số 29, UBND TP đã chuyển vốn ủy thác qua NHCSXH Chi nhánh Hà Nội 108,5 tỷ đồng cho 4.341 hộ vay. Đến 25/6, Chi nhánh đã giải ngân tổng số tiền 72,54 tỷ đồng cho 2.902 hộ vay vốn tại 15 huyện, đạt tỷ lệ 67%. Dự kiến đến 31/7/2017, Chi nhánh cơ bản hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch giải ngân nguồn vốn cho vay.

Đối tượng thuộc diện được hỗ trợ nhà ở là hộ nghèo theo chuẩn của TP, đang cư trú tại khu vực nông thôn hoặc tại các thôn, làng trực thuộc phường; thị trấn, xã trực thuộc thị xã, nhưng sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, lâm, ngư nghiệp. Ông Phung cho biết, khi có vốn, Ban đại diện HĐQT NHCSXH TP, UBND cấp xã rà soát đối tượng thụ hưởng đúng quy định để hỗ trợ vay vốn làm nhà ở đảm bảo đúng đối tượng. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tổ chức giải ngân kịp thời đến hộ được thụ hưởng chính sách một cách đầy đủ, đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách luôn được sử dụng triệt để, không để tồn đọng lãng phí vốn, tạo cơ hội cho hộ nghèo có điều kiện xây mới, sửa sang nhà cửa, ổn định chỗ ở và yên tâm phát triển kinh tế. Tuy vậy, qua khảo sát, số hộ nghèo còn gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn còn nhiều, ngân hàng tiếp tục phối hợp, vận động, tạo thêm nguồn lực hỗ trợ người nghèo về nhà ở, đồng thời thực hiện chức năng giám sát việc thực hiện hỗ trợ để đảm bảo đúng mục tiêu đề ra.