Chuyển đổi số, cải cách hành chính để phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội xác định phương châm chuyển đổi số, cải cách hành chính là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực, nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, liên tục đổi mới từ tư duy, nhận thức, hành động cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Cán bộ phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) hướng dẫn người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Cán bộ phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) hướng dẫn người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.

Ưu tiên phát triển dịch vụ công trực tuyến gắn với đời sống người dân

Theo đánh giá của UBND Thành phố Hà Nội, Thành phố đã đưa vào vận hành chính thức 4 hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung quan trọng, gồm: Hệ thống thông tin báo cáo Thành phố; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung Thành phố; Kênh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp qua ứng dụng Zalo; Ứng dụng quản lý cuộc họp Ban cán sự Đảng, UBND Thành phố và sẵn sàng kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin dữ liệu với các Bộ, ngành Trung ương và Chính phủ.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố được vận hành chính thức từ ngày 11/4/2023. Tính đến nay, đã triển khai xong cho các đơn vị Sở, ban, ngành, 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn sử dụng hệ thống phần mềm để tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính tại địa phương.

Đến nay, Thành phố đã hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo đúng lộ trình của Đề án 06, đạt 100%. Có 9/25 dịch vụ công thiết yếu được tiếp nhận và giải quyết hoàn toàn trực tuyến, không có hồ sơ tiếp nhận trực tiếp.

Đáng chú ý, việc khai thuế điện tử đã được áp dụng phổ biến với tỷ lệ 99,5% doanh nghiệp đang hoạt động khai thuế qua mạng; trên 99,1% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử. Hóa đơn điện tử đang hoạt động đăng ký thành công đạt tỷ lệ 99,16% đối với doanh nghiệp và 99,98% đối với hộ kinh doanh.

Thành phố hiện có hơn 4,7 triệu người có thẻ BHYT được đồng bộ, xác thực dữ liệu với CCCD, có thể sử dụng để đi khám chữa bệnh; 100% cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai sử dụng thẻ CCCD gắn chíp thay thế thẻ BHYT. Toàn TP đã kích hoạt 4.220.601/6.220.864 tài khoản định danh điện tử, đạt tỷ lệ 67,8%.

TP Hà Nội xác định công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 của Chính phủ phải được triển khai một cách tổng thể, toàn diện nhưng phải ưu tiên chất lượng hơn số lượng. Vì nguồn nhân lực, vật lực có hạn nên cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; đang vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên không dàn trải; chất lượng là yếu tố then chốt để huy động sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

Liên quan đến việc này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh - Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 của Thành phố đề nghị phải ưu tiên phát triển dữ liệu, ưu tiên phát triển các dịch vụ công trực tuyến gắn với đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có đối tượng bao phủ lớn. Bởi nhẽ làm tốt một số dịch vụ công trực tuyến lớn sẽ mang lại giá trị, tiết kiệm thời gian chi phí thì hàng triệu người dân, doanh nghiệp sẽ tích cực tham gia. Một số dịch vụ công trực tuyến lớn thành công là kinh nghiệm, nền tảng quan trọng xây dựng hệ sinh thái công dân số quốc gia.

Bên cạnh đó, các đơn vị tập trung nghiên cứu phát triển các nền tảng, nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia. Các cơ sở dữ liệu là nguồn tài nguyên mới và là nền tảng quan trọng cho Chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh theo mục tiêu, phương hướng Nghị quyết số 18/NQ-TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đề ra phải có tính liên kết, liên thông, chia sẻ cao giữa các đơn vị của Thành phố, giữa các cấp chính quyền, giữa công và tư. Hướng tới xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung toàn Thành phố để kết nối, chia sẻ phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, ưu tiên đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin.

Chuyển đổi số từ những hành động, mục tiêu cụ thể

Về quan điểm chuyển đổi số, cải cách hành chính của Thành phố Hà Nội, người đứng đầu chính quyền Thành phố Hà Nội nhấn mạnh: Phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực, nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, liên tục đổi mới từ tư duy, nhận thức, hành động cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Theo đó, cần huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Tổ chức triển khai 3 trụ cột là cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 tại từng sở, ngành, UBND các cấp phải đi vào thực chất, mang lại giá trị thiết thực cho chính quyền, người dân, doanh nghiệp gắn với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp.

Các sở, ban, ngành UBND các quận, huyện, thị xã tập trung quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tạp bước đột phá mạnh mẽ trong thực hiện Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 với quan điểm “Chuyển đổi số quốc gia là công việc rất lớn, rất chiến lược, nhưng phải bắt đầu từ những hành động cụ thể, mục tiêu cụ thể, làm việc nào dứt điểm việc đó”.

Các sở, ban, ngành tập trung rà soát, tham mưu cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ theo chỉ đạo của Chính phủ. Cùng với đó, bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ, ngành chủ quản trong việc thực hiện các nhiệm vụ về số hóa, làm giàu dữ liệu đặc biệt tập trung các dữ liệu về hộ tịch, tài nguyên và môi trường, xây dựng, y tế, giáo dục, an sinh xã hội; số hóa, xây dựng các cơ sở dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Thành phố.

Các đơn vị của Thành phố tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, chuyển từ thụ động sang chủ động. Muốn vậy, các sở, ngành thực hiện tái cấu trúc quy trình các thủ tục hành chính để thực hiện xây dựng các dịch vụ công trực tuyến, các dịch vụ công trực tuyến đã được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố để tiếp tục đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, giấy tờ công dân theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đảm bảo thực chất, hiệu quả.

Đẩy mạnh ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư kết hợp với các Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đẩy mạnh khai thác các nền tảng số, cơ sở dữ liệu chuyên ngành gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử; sớm triển khai cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội để nắm bắt tình hình người lao động bị mất việc làm, người đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm; triển khai các ứng dụng công nghệ trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu đẩy mạnh việc cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai Đề án 06 nói riêng và Cải cách hành chính và Chuyển đổi số nói chung. Người đứng đầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã khi có nhu cầu phải thường xuyên trực tiếp sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, sản phẩm của Thành phố; trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy Chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06.